Quy hoạch lơ lửng 10 năm, dân kêu trời!

Thanh Tùng 20/05/2021 07:37

Từ năm 2011 đến năm 2017, TP Đà Nẵng 2 lần phê duyệt ranh giới sử dụng đất trên địa bàn xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) để làm Khu nhà nghỉ chuyên gia và Khu công nghiệp nhưng đến nay cả 2 dự án này vẫn “treo lơ lửng”, khiến hàng ngàn hộ dân của xã này bế tắc về đời sống, sinh kế.

Đất đai ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vướng quy hoạch khiến người dân không thể yên tâm ổn định đời sống, sản xuất, canh tác. Ảnh Thanh Tùng.

Sáng 19/5, chúng tôi đến thôn 1, xã Hòa Ninh, nghe những hộ dân đang canh tác hoa màu ở đây than trời về thiếu nước. Là xã miền núi cách không xa trung tâm TP Đà Nẵng, có nguồn suối An Lợi từ Bà Nà – Núi Chúa chảy qua nhưng cứ đến mùa hè là 8 thôn của Hòa Ninh lại lao đao vì thiếu nước canh tác, nhất là nước sinh hoạt.

Theo lời người dân thôn 1 thì cả xã Hòa Ninh sử dụng nước sinh hoạt do Công ty cấp nước TP lấy từ sông Cầu Đỏ. Ngoài nguyên nhân sông Cầu Đỏ kiệt nước vào mùa hè, nước sinh hoạt tại 8 thôn ở Hòa Ninh thiếu hụt còn do hạ tầng cấp nước chưa được doanh nghiệp cấp nước đầu tư hoàn chỉnh do vướng vào 2 dự án (DA) quy hoạch từ năm 2011 đến nay.

Năm 2011, TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch sử dụng đất Khu nhà nghỉ chuyên gia và các dịch vụ dân sinh phía Nam Khu công nghệ cao tại 8 thôn của xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang). Năm 2017, TP Đà Nẵng tiếp tục phê duyệt ranh giới sử dụng đất Khu công nghiệp Hòa Ninh trên diện tích đất 4 thôn của xã Hòa Ninh là thôn 1, thôn Trung Nghĩa, thôn Hòa Trung và thôn 5.

Quy hoạch không triển khai từ 10 năm nay, khiến đời sống, sinh kế của dân cư xã Hòa Ninh (đặc biệt là thôn 1, thôn Trung Nghĩa, thôn Hòa Trung và thôn 5) rơi vào bế tắc. Ông Nguyên Văn Hùng, trưởng thôn 1 cho biết, quy hoạch “treo”, không triển khai trong 10 năm trời, đã làm cho gần 130 hộ dân thôn 1 phải sống tạm ngay trên nhà cửa, đất đai của mình.

10 năm, các gia đình ở Hòa Ninh dựng vợ, gả chồng cho con cái nhưng cả mấy thế hệ vẫn phải sống chung trong căn nhà chật chội của ông bà, cha mẹ vì vướng quy hoạch, không thể tách thửa. Nhà cửa cũ nát, nhưng địa phương chỉ cho xây dựng hoặc sửa chữa trên diện tích nhất định từ 50 đến 60 m2 với cam kết tháo dỡ khi quy hoạch được triển khai.

Ông Hùng vừa làm trưởng thôn vừa làm đại biểu HĐND xã, kỳ họp HĐND nào, các đại biểu HĐND cũng nghe dân bức xúc phản ánh nhưng không có cách nào để giúp dân.

Người dân thôn 1, thôn Trung Nghĩa, thôn Hòa trung và thôn 5 (nằm trong quy hoạch Khu công nghiệp Hòa Ninh), sống nhờ vào nguồn thu từ nông – lâm nghiệp. Tuy nhiên tất cả các hộ dân ở 4 thôn nói trên đều không thể yên tâm sản xuất vì chưa biết lúc nào đất đai canh tác bị thu hồi làm dự án. Người dân các thôn ở Hòa Ninh lo nhất là phải phá đi các diện tích bưởi da xanh đang kỳ thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, thôn nào của xã Hòa Ninh cũng phát triển giống bưởi da xanh bởi thứ cây ăn quả (đã được địa phương đăng ký nhãn hiệu sản phẩm này) đem lai lợi ích kinh tế cao hơn hẳn các giống cây khác. Gia đình ông Hùng trồng được 1 ha bưởi da xanh đang cho thu hoạch nhưng ông cũng như các gia đình khác trong thôn đang lo phải phá bỏ 1 ha bưởi mà ông đã đầu tư vào đó nhiều tiền của, công sức.

Ông Nguyễn Tấn Anh, trưởng thôn Hòa Trung cũng chia sẻ, cả thôn có khoảng 8 ha bưởi da xanh. Nhà ông trồng ít nhất cũng được 8 sào với 100 gốc bưởi da xanh từ 3 đến 5 năm tuổi đang cho thu hoạch. Mỗi gốc bưởi một mùa thu hoạch vài triệu đồng nhưng do đất đai đã được quy hoạch làm khu công nghiệp nên khi giải phóng mặt bằng chỉ được đền bù vài trăm ngàn đồng/gốc.

Ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, cùng với quy hoạch Dự án Khu nhà ở chuyên gia (phê duyệt quy hoạch sử dung đất từ tháng 6/2011) và Khu công nghiệp Hòa Ninh (phê duyệt ranh giới sử dụng đất vào tháng 6/2017); từ giữa năm 2020 đến đầu năm 2021, TP Đà Nẵng và huyện Hòa Vang cũng phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Khu công nghiệp Hòa Ninh.

Tuy nhiên cho đến nay, gần 650 hộ dân 4 thôn nằm trong quy hoạch Khu công nghiệp Hòa Ninh là thôn 1, thôn Trung Nghĩa, thôn Hà Trung và thôn 5, vẫn phải chờ đợi, không biết đến khi nào mới có thể đến sống trong Khu tái định cư để ổn định lâu dài đời sống, sinh kế.

Thanh Tùng