3 kịch bản tiêu thụ vải thiều trong mùa dịch
Bắc Giang hiện là địa phương có nhiều ca nhiễm Covid-19, tính từ ngày 27/4 tới nay. Trong khi đó, mùa vải thiều đã đến, một số tỉnh, thành lại tăng cường kiểm soát người, xe cộ đến từ Bắc Giang, gây khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản cũng như cung cấp các mặt hàng thiết yếu, nguyên liệu sản xuất cho người dân và các nhà máy.
Kiểm soát chặt các ca nhiễm để duy trì hoạt động sản xuất
Chính vì thế, cùng với việc chống dịch, UBND tỉnh Bắc Giang đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép xe chở nông sản, hàng hóa thiết yếu, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất của Bắc Giang được lưu thông, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố này.
Tỉnh cũng đề nghị được giúp đỡ để các thủ tục liên quan đến việc thông thương hàng hóa qua các cửa khẩu được thuận lợi và nhanh chóng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản; cung cấp, đảm bảo hàng hóa phục vu nhu cầu thiết yếu của người dân và đảm bảo nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất tại các nhà máy vì các loại xe chở nông sản, hàng thiết yếu, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và kinh doanh từ địa phương đến các tỉnh, thành phố đều bị các chốt kiểm soát chặn lại, không cho đi. Ở chiều ngược lại, lái xe từ các tỉnh, thành phố chở hàng đến Bắc Giang khi về địa phương phải cách ly tập trung 21 ngày.
Tại cuộc họp trực tuyến với Bộ Y tế và tỉnh Bắc Giang mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu áp dụng các biện pháp tin học hóa, xét nghiệm mẫu gộp để theo kịp tốc độ truy vết, lấy mẫu. Việc thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa một số địa bàn, khu công nghiệp cần chặt chẽ nhưng phải duy trì hoạt động sản xuất của các nhà máy được đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Theo Phó Thủ tướng, Bắc Giang cần có các biện pháp quản lý thật chặt chẽ, thậm chí xét nghiệm hàng ngày với các công ty chưa có ca nhiễm để tiếp tục sản xuất. Kinh nghiệm của Đà Nẵng cho thấy vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất của các nhà máy được đảm bảo an toàn trong khu khu công nghiệp.
Thông suốt các khâu từ thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ
Mùa vải thiều năm nay ở Bắc Giang được cho là thắng lợi. Tuy nhiên khi vụ thu hoạch đã đến thì dịch Covid-19 lại bùng phát. Trước tình hình này, UBND tỉnh Bắc Giang đã xây dựng lập ra nhiều kịch bản nhằm tìm đầu ra cho khoảng 180.000 tấn vải thiều trong vụ này. Trên nguyên tắc thông suốt các khâu từ thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ.
Ông Trần Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Kiêm Giám đốc HTX Cây ăn quả Lục Ngạn (có trụ sở tại xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cho biết, từ đầu năm nay, HTX đã vận động bà con xây thêm lò sấy dự phòng. Trong trường hợp vì ảnh hưởng Covid-19 mà không bán được hàng tươi thì sẽ đưa vào sấy để chủ động trong việc bảo quản sản phẩm.
Nhìn chung, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để chủ động trong khâu tiêu thụ, bảo quản sản phẩm, bà con trồng vải ở Lục Ngạn đã chủ động đầu tư thêm lò sấy, gia tăng các sản phẩm sấy khô, vải chế biến.
Ông Linh cho biết, vì thời gian thu hoạch vải rất ngắn, việc hái rồi đưa đi tiêu thụ phải diễn ra nhanh chóng, phải suôn sẻ thì mới có thể tiêu thụ hết lượng lớn vải thiều trong vùng Lục Ngạn cũng như của tỉnh Bắc Giang. Việc xây thêm lò sấy là để phòng trường hợp xấu, không xuất khẩu hay đưa hàng đi bán tươi ở các địa phương khác trong nước được.
Thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn, năm 2021, diện tích vải thiều của huyện là 15.450 ha với sản lượng ước đạt trên 120.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 30.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng 20/5 đến 20/7.
Đối với các hình thức tiêu thụ vải thiều, huyện Lục Ngạn đặt kế hoạch bán và xuất khẩu vải tươi với sản lượng khoảng 97.000 tấn. Ngoài ra, sẽ đưa vào sấy tại chỗ khoảng 20.000 tấn thông qua các lò sấy vải của các tổ chức, cá nhân xây dựng trên địa bàn huyện.
3 kịch bản tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang
Kịch bản 1: Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ tương đối thuận lợi. Khi đó, mục tiêu sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước với khoảng 90.000 tấn, 50% còn lại dành cho xuất khẩu. Ngoài ra, sẽ có khoảng 9.000 tấn vải thiều được đưa vào sấy khô. Kênh tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối trong nước, các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu, các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ…
Kịch bản 2: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Theo kịch bản này, mục tiêu tiêu thụ 70% sản lượng vải thiều trong nước, khoảng 130.000 tấn. Còn lại, khoảng 30% sản lượng dành cho xuất khẩu, tức khoảng 50.000 tấn. Trong trường hợp này, Bắc Giang sẽ tăng sản lượng vải sấy và chế biến lên khoảng 15.000 tấn, tăng sản lượng hàng bán trên các kênh thương mại điện tử lên mức 2.000 tấn.
Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Khi đó, sản lượng vải thiều chủ yếu được tiêu thụ trong nước với 90%, khoảng 160.000 tấn, xuất khẩu chỉ đạt 10%, khoảng 20.000 tấn. Khi đó, người dân thu hoạch rải vụ, nơi nào có quả vải chín trước cần tập trung thu hoạch, tiêu thụ sớm. Riêng sản lượng vải chế biến sấy và chế biến khác, dự kiến tiêu thụ khoảng 28.000 tấn. Đồng thời tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng thêm các lò sấy, kịp thời chuyển một phần sang chế biến sấy khô.