Qua cơn 'sốt đất', vì sao nhà đầu tư vẫn không thể mua được đất nền giá rẻ?
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, khi cơn “sốt đất” những tháng đầu năm đi qua thì thị trường đất nền sẽ hạ nhiệt, khi đó có thể tiếp cận nhiều nguồn hàng giá rẻ. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.
Dữ liệu của một kênh thông tin bất động sản cho thấy, mức độ quan tâm về thị trường bất động sản sau khi đạt đỉnh trong tháng 3/2021 đã có sự điều chỉnh trong tháng 4. Cụ thể, mức độ quan tâm toàn thị trường tháng 4/2021 giảm 18% và lượng tin đăng giảm 1% so với tháng trước đó.
Cũng theo báo cáo, mức độ quan tâm tháng 4/2021 có xu hướng giảm so với tháng trước với mức từ 10 - 34%, diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành đã xảy ra sốt đất "điên đảo". Đơn cử, mức giảm mạnh nhất diễn ra ở Hải Phòng (giảm 34%), sau đến Bắc Ninh (giảm 29%), Đà Nẵng (giảm 21%)...
Nhận định về diễn biến thị trường bất động sản trong quý II-2021, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, đất nền vẫn sẽ là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương ngoài Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên sau thời gian nóng sốt, các nhà đầu cơ sẽ rời khỏi thị trường, lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh.
Mới đây, một công bố mới nhất về thị trường đất nền của Công ty Cổ phần Định Anh chủ sở hữu sàn giao dịch bất động sản Mogi vừa công bố bảng định giá đất thị trường tính đến cuối tháng 4 thì đưa ra góc nhìn tương ứng.
Theo đó, giá đất nội thành tăng trở lại: Quận Ba Đình giao dịch trung bình 181 triệu/m2, tăng 2,5%; Quận Hoàn Kiếm trung bình 506 triệu/m2, tăng 5,6%; Hai Bà Trưng 165 triệu/m2, tăng 8,9%; giá giao dịch trung bình thấp nhất là Phúc Thọ, 9 triệu/m2...
Những huyện ngoại thành trước đó "sốt" giá ảo như: Đan Phượng, Thường Tín, Ba Vì quay đầu giảm. Cụ thể: Đan Phượng giao dịch trung bình 24,6 triệu/m2, giảm 17,9%; Thường Tín giao dịch trung bình 18,9 triệu/m2, giảm 37%.
Đáng chú ý là huyện Ba Vì, một trong những điểm nóng về đất, được "thổi" giá dựa vào hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng giảm 8,6%, giao dịch trung bình 13,4 triệu/m2. Nhà đất ven Đại lộ Thăng Long, địa phận xã Yên Bài trung bình 16,7 triệu/m2.
Nếu nhìn vào những con số này, có thể thấy so với cao điểm những tháng đầu năm khi giá đất tăng tới 50% hoặc hơn tuỳ vị trí chỉ cách nhau vài tháng trước và sau Tết Nguyên đán thì giá đất vẫn giảm không đáng kể.
Ở thời điểm hiện tại, theo một nhà đầu tư đất nền chuyên nghiệp, khi thị trường hạ nhiệt, giá đất có dấu hiệu ngừng tăng, nhưng để mua được đất với giá đúng nghĩa "cắt lỗ", bán tháo rất khó. Điều thuận lợi của việc mua bán đất trong giai đoạn này là các giao dịch dễ thương thảo hơn.
"Tôi đang theo dõi diễn biến của thị trường bất động sản ở vùng ven Hà Nội để đầu tư. Tôi không kỳ vọng quá lớn sẽ mua được lô đất "cắt lỗ" quá hời. Bởi vì, thời điểm "sốt đất" hạ nhiệt tôi sẽ không mua phải đất giá cao và có nhiều lựa chọn được lô đất vị trí đẹp hơn", anh Sơn – một nhà đầu tư đất nền chuyên nghiệp ở Hà Nội chia sẻ.
Nhiều chuyên gia lĩnh vực cho biết, việc rao bán "cắt lỗ" chỉ là chiêu trò thu hút người đang quan tâm. Giá chủ đất đưa ra không cao, nhưng cũng không thể rẻ.