Sẵn sàng cho ngày bầu cử
Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV là 870 người với 205 người ở Trung ương và 665 người ở địa phương.
Trong đó có 153 người thuộc khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến địa phương ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV.
1. Từ ngày 14/4 đến ngày 18/4, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV. Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV là 870 người, trong đó có 205 người ở Trung ương và 665 người ở địa phương, đạt tỉ lệ số dư là 1,74 lần.
Đối với kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ ba lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV ở Trung ương, ngày 16/4, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách chính thức 205 người đủ tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, để tiếp tục triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Bầu cử và Ủy ban Nhân dân cùng cấp tổ chức tốt công tác vận động bầu cử theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam. Tại các địa phương, Mặt trận cần phối hợp với chính quyền cùng cấp trong việc xây dựng các kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa người ứng cử với cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử và chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri theo kế hoạch của Ủy ban Bầu cử cùng cấp.
Đặc biệt, Ủy ban Bầu cử các cấp tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử, nhất là cấp xã cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên của Mặt trận để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nắm vững pháp luật về bầu cử, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, thông qua các vị là chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc, các già làng, trưởng tộc vận động cử tri đi bầu cử, đảm bảo để cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp tích cực đẩy mạnh hoạt động giám sát bầu cử, nhất là giám sát việc chấp hành pháp luật của người ứng cử, giám sát trong ngày bầu cử theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.
2. Một số bạn đọc hỏi: Ban bầu cử có nhiệm vụ, quyền hạn gì?
Xin được trả lời như sau: Theo Khoản 3, Điều 24, Mục 1, Chương III, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có chung những nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a)Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử của các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử;
b)Kiểm tra, đôn đốc việc lập, niêm yết danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử ở các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử;
c)Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc bố trí các phòng bỏ phiếu và công việc bầu cử ở các phòng bỏ phiếu;
d)Nhận và phân phối tài liệu, phiếu bầu cử cho các Tổ bầu cử chậm nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử;
đ)Nhận, tổng hợp và kiểm tra biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử của các Tổ bầu cử; lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử;
e)Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử của các Tổ bầu cử và khiếu nại, tố cáo về bầu cử do các Tổ bầu cử chuyển đến; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội (với Ban bầu cử đại biểu Quốc hội); nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
g)Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo hướng dẫn, yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc theo yêu cầu của Ủy ban bầu cử cùng cấp;
h)Chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh (với Ban bầu cử đại biểu Quốc hội); chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đến Ủy ban bầu cử cùng cấp;
i)Tổ chức thực hiện việc bầu cử thêm, bầu cử lại (nếu có).
Vậy, còn các thành viên trong tổ bầu cử có trách nhiệm gì? Xin được thông tin như sau: Người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử phân công, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đối với từng thành viên trong quá trình thực hiện công tác bầu cử. Thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử có trách nhiệm tham gia đầy đủ việc tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện công tác bầu cử; nắm vững và thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; công tâm, khách quan, trung thực trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, các thành viên tổ chức phụ trách bầu cử phải trao đổi, hội ý công việc, đánh giá rút kinh nghiệm về những công việc đã thực hiện của mỗi thành viên; người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các thành viên thực hiện những công việc còn tồn đọng và phân công các thành viên thực hiện các công việc tiếp theo của tổ chức phụ trách bầu cử theo tiến độ thực hiện công tác bầu cử.
Trong ngày bầu cử, các thành viên tổ chức phụ trách bầu cử phải đeo phù hiệu của tổ chức phụ trách bầu cử cấp mình.