Tập huấn kỹ năng vận động tranh cử cho ứng cử viên là người dân tộc thiểu số

PV 13/05/2021 14:00

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc vừa tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng vận động bầu cử cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số.

71 người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh đến từ 16 tỉnh, thành phố phía Bắc tham dự Hội nghị.

Xã Tuân Đạo (Lạc Sơn - Hòa Bình) niêm yết công khai danh sách cử tri tại các khu vực bầu cử.

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, việc đảm bảo tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp là một nội dung mà Hội đồng Dân tộc quan tâm. Chính vì vậy, các kỳ bầu cử gần đây, được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc đều phối hợp với Ủy ban Dân tộc mở Hội nghị tập huấn kỹ năng cho các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là người dân tộc thiểu số ở các địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số phần lớn tham gia lần đầu, điều kiện tiếp cận, thu thập, trao đổi thông tin và kỹ năng vận động tranh cử, nhất là việc xây dựng chương trình hành động, vận động, thuyết phục, lôi cuốn cử tri, thuyết trình trước công chúng… chưa đồng đều và có mặt còn hạn chế.

Ông Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, đây chính là những rào cản không nhỏ hạn chế cơ hội thành công đối với những ứng cử viên là người dân tộc thiểu số trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc mong muốn qua Hội nghị này sẽ tạo cơ hội thành công cho các ứng cử viên và góp phần vào thành công của cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp sắp tới.

Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội mời các chuyên gia, những người có kinh nghiệm trong các cơ quan dân cử tham gia truyền đạt những kỹ năng và kiến thức cơ bản về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc thiểu số, cũng như những kỹ năng vận động bầu cử; một số thông tin cơ bản về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của người đại biểu dân cử; các kỹ năng cần thiết vận động cử tri, xây dựng hình ảnh trước công chúng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong các cuộc tiếp xúc và vận động bầu cử; cách thức, kỹ năng xây dựng và trình bày chương trình hành động trước cử tri; kỹ năng tiếp cận, trả lời phỏng vấn báo chí.

Bên cạnh đó, các ứng cử viên sẽ làm việc theo nhóm, thực hành về thuyết trình chương trình hành động trước cử tri, trả lời phỏng vấn báo chí trên truyền hình.

Theo quy định của pháp luật về bầu cử, thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước 7H ngày 22/5/2021.

Công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, phù hợp để đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi nắm chắc, hiểu rõ pháp luật về bầu cử, về các ứng cử viên để thực hiện tốt nhất quyền bầu cử của mình.

Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Hội đồng Dân tộc khóa XIV gồm 47 thành viên là đại biểu Quốc hội của 32/63 địa phương trong cả nước, đại diện của 29/33 dân tộc tham gia Quốc hội khóa XIV, trong đó dân tộc thiểu số có 44 người, dân tộc Kinh 3 người. Về cơ cấu, có 51,06% nam, 48,94% nữ (có tỷ lệ nữ cao nhất trong các Ủy ban của Quốc hội).

PV