Sức sống âm nhạc cách mạng
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ để các nhạc sĩ sáng tác những ca khúc bất hủ. Nhiều bài trong số đó đã trở thành tượng đài âm nhạc. 67 năm đã trôi qua, những khúc khải hoàn ca ấy vẫn được các thế hệ nghệ sĩ thể hiện và thổi vào đó sáng tạo mới để những bài hát xưa vang vọng trong không gian, đời sống hôm nay.
1. Trước, trong và sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, nền âm nhạc Việt Nam đã khắc một dấu mốc thật đặc biệt. Đó là thời điểm mà những tài năng âm nhạc đích thực đã được bộc lộ qua việc cho ra đời những ca khúc bất tử. Người ta không thể quên “Qua miền Tây Bắc” (Nguyễn Thành), “Đường lên Tây Bắc” (Văn An), “Tình ca Tây Bắc” (Bùi Đức Hạnh), “Bế Văn Đàn còn sống mãi” (Huy Du), “Em bé Mường La” (Trần Ngọc)… Rồi còn thêm tác phẩm “Nhớ anh Phan Đình Giót” (An Thuyên), “Hợp xướng Điện Biên” (Nguyễn Thụy Kha)…
Đặc biệt, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng, “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân đã trở thành ca khúc đỉnh cao, mang theo được hơi thở của thời đại: “Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo/ Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi/ Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm/ Vực nào sâu bằng chí căm thù…”.
“Hò kéo pháo” cũng chính là ca khúc đưa nhạc sĩ Hoàng Vân đến với âm nhạc đồng thời là tác phẩm khắc ghi tên ông vào lịch sử âm nhạc Việt Nam. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, cái hay ở “Hò kéo pháo” là vận dụng tập hợp sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ bằng cách hết sức dân gian mà các cụ ta đã vận dụng từ hàng trăm năm trước mỗi khi làm một công việc cần một sức mạnh tập thể; đó là những điệu hò sông nước trong lao động sản xuất. Ở “Hò kéo pháo” nhạc sĩ Hoàng Vân đã khai thác chất liệu hò sông nước.
Cùng với “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân, theo nhà nghiên cứu âm nhạc - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nói đến âm nhạc về Điện Biên Phủ không thể không nhắc tới nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Trước khi chiến dịch kết thúc, cuối năm 1953, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có ca khúc “Hành quân xa” chất chứa tinh thần lạc quan, yêu đời: “Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ/ Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi…”. Lời ca ấy đã lập tức đồng hành với những người lính tham gia chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ) trở thành lời động viên tinh thần để người lính vượt qua bom đạn chiến tranh. Sau đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có ngay bài hát “Trên đồi Him Lam” ghi lại thắng lợi trận đầu của chiến dịch lịch sử: “Hôm qua đánh trận Điện Biên/ Chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến quân vào/ Đột phá tiêm đao tiến đánh vào/ Đi mở đường thắng lợi, ba tháng đổ mồ hôi ta tới đây quyết diệt cho hết quân thù...”. Tuy vậy, đỉnh cao của âm nhạc viết về chiến dịch Điện Biên Phủ chính là ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” được nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết ngay trong đêm 7/5/1954.
Trong cuốn hồi ký “Âm thanh cuộc đời”, nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết: “Vào chiều ngày 7/5/1954, khi đang cuốc và rải đá trên đường thì một đồng chí liên lạc đạp xe như bay từ mặt trận về reo to: “Mường Thanh địch đầu hàng rồi, giải phóng Điện Biên rồi!”. Thế là tạm biệt đá hộc, đối với tôi có thể nói là “vĩnh biệt” đá hộc, duyên nợ với “đá” đến đây là hết”. Ngay đêm ấy, mặc những người đồng đội đang say trong giấc ngủ, ông ngồi bên bếp lửa nhà sàn cùng với mấy củ sắn nướng thơm bùi vùi trong than ấm và cây đàn viôlông và bật ra những dòng nhạc đầu tiên: “Giải phóng Điện Biên/ Bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui/ Bản Mường xưa nương lúa mới trồng, kìa đàn em bé giữa đường nắm tay xòe hoa…”.
2. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long phân tích, những ca khúc viết về đề tài Tây Bắc và Điện Biên gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp có sức sống trường tồn bởi nó mang nhiều giá trị. “Bên cạnh giá trị lịch sử được ghi lại bằng âm nhạc thì đây cũng là giai đoạn đầu của thời kỳ tân nhạc Việt Nam, cho nên những ca khúc trong giai đoạn này còn giữ vị trí là những ca khúc thời kỳ đầu của nên tân nhạc nói chung, dòng ca khúc cách mạng nói riêng. Giá trị về lời ca thể hiện tinh thần yêu nước, quyết tâm đấu tranh giành độc lập tự chủ cho dân tộc. Những lời ca này lại được lồng vào những cảnh sắc, nét đẹp thiên nhiên và con người Tây Bắc tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về một tinh thần sắt đá và một ước vọng hòa bình của một đất nước với những miền quê đẹp”, ông Long nhận xét, đồng thời cho rằng, “độc đáo nhất vẫn là các thủ pháp nghệ thuật, âm nhạc được cách nhạc sĩ sử dụng. Những ca khúc thời kỳ này được các nhạc sĩ sáng tác phù hợp với những ca khúc hát tập thể (tốp ca, đồng ca...), một mặt nó thể hiện tinh thần nhân dân đồng tâm dồn sức cho một khát khao chính đáng; một mặt, nó cũng tạo nên sức mạnh hiệu triệu khi âm hưởng của nhịp hành khúc của âm nhạc phương tây được các tác giả khai thác một cách khéo léo và tài tình”.
Nếu các nhạc sĩ bằng tài năng của mình đã để lại những ca khúc bất hủ, trong đó nhiều ca khúc gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, thì để các ca khúc đó vang xa có sự đóng góp không nhỏ của các nghệ sĩ, ca sĩ, các tốp ca nam nữ…
Sinh thời, trong một lần trò chuyện với chúng tôi, nhạc sĩ Nguyễn Thành - tác giả ca khúc “Qua miền Tây Bắc” cho biết, ông viết ca khúc này trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc 2 năm. Nhưng khi viết xong, ông cảm thấy bài hát chưa chuyển tải được hết ý nghĩa của chiến dịch, thế là Nguyễn Thành vò mảnh giấy đó và vứt vào chân đống lửa rồi quay vào lán cố chợp mắt ít phút cho cuộc hành quân ngày mai. Nhưng may mắn, viên giấy không lăn tới được đống lửa, mà lại… rơi vào tay mấy anh em Phùng Đệ, Nguyễn Phúc, Trần Chất. Họ nhặt lên xem, thấy hay và lẩm nhẩm tập hát: “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa/ Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua/ Bộ đội ta vâng lệnh Cha già…”. Trong tiếng đàn ghita bập bùng của ca sĩ Trần Chất, Nguyễn Thành lặng đi. Bài hát với những giai điệu khỏe khoắn đã nhanh chóng lan truyền đi khắp các đoàn quân.
Hay như “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân, nhiều tốp ca thể hiện, nhiều ca sĩ cũng đã hát, nhưng bản thu âm của nghệ sĩ Quang Thọ đến nay vẫn được nhiều người lựa chọn nghe lại.
3. Song, âm nhạc là sự tiếp nối, các ca khúc không hoàn toàn và không thể đóng đinh ở văn bản của nhạc sĩ mà còn được sự tiếp biến của nhạc sĩ phối khí, ca sĩ thể hiện... Những ca khúc nhạc cách mạng đã được phả thêm những hơi thở mới, đương đại, khiến người nghe thời nay cảm thấy hứng thú, thậm chí chính cha đẻ của bài hát cũng phải bất ngờ. Đó chính là trường hợp của ca sĩ Tùng Dương khi làm mới ca khúc “Chiếc khăn piêu” của nhạc sĩ Doãn Nho, hay “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song.
Cách đây ít lâu, trong chương trình Giai điệu tự hào, ca khúc “Hò kéo pháo” cũng đã được làm mới. Ở đó, nhạc sĩ Thanh Phương đã phối khí lại, đưa rock heavy metal vào “Hò kéo pháo”. Ba giọng ca trẻ Hoàng Hiệp Ngũ Cung, Nông Tiến Bắc, Minh Trí cùng phần solo guitar điện của Trần Thắng khiến nhiều người thích thú nhưng cũng có ý kiến cho rằng hơi “mạo hiểm mạnh tay”.
Để các ca khúc cách mạng đến gần với công chúng hôm nay, theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, các ca sĩ trẻ cần phải có trách nhiệm để làm mới những giá trị tinh thần trong ca khúc cách mạng với thế hệ kế tiếp. Để làm được như vậy, các ca sĩ trẻ phải có thời gian và chuyên môn đầu tư vào bài hát để các ca khúc cách mạng khoác lên mình “tấm áo mới” mà không bị đánh giá là phá hỏng bài hát ấy.
“Chỉ những nghệ sĩ có trình độ và chuyên môn mới làm được các bản nhạc mới. Tuy nhiên, các ca khúc cách mạng được làm mới cần phải làm “tử tế” và có chuyên môn, nếu không ca sĩ sẽ phá hỏng bản nhạc vốn có của nó, vì ranh giới giữa “phá cách” và phá hỏng là rất mong manh” - ông Kha nhấn mạnh.