Lao động phi chính thức: Hứng chịu tác động kép từ đại dịch Covid -19

An Chi 21/05/2021 15:39

Theo đánh giá, Covid -19 đang khiến những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thị trường lao động phải gánh chịu những tác động kinh tế nặng nề nhất, đặc biệt là nhóm lao động nữ và lao động phi chính thức…

Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến hết tháng 6/2020, có tới 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2020 là 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua. Trong đó, lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lao động nữ, số người có việc làm ở khu vực nông thôn giảm 1,8 triệu người so với quý trước và gần 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động nữ giảm 1,2 triệu người so với quý trước và giảm 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động làm công hưởng lương giảm gần 1,2 triệu người so với quý trước; nhóm lao động yếu thế giảm 1,1 triệu người so với quý trước.

Bên cạnh đó, Covid -19 cũng đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan, đặc biệt là khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm túc và triệt để. Một số ngành có số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 324,6 nghìn người); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 156,9 nghìn người); ngành giáo dục và đào tạo (giảm 122,7 nghìn người); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (giảm 120 nghìn người).

Theo kết quả khảo sát phục vụ nghiên cứu "Tác động kinh tế - xã hội của đại dịch Covid -19 tới nhóm yếu thế - người di cư làm việc trong khu vực phi chính thức - tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam" được Mạng lưới Hành động vì người lao động di cư (M.net) thực hiện trên tổng số 649 người lao động di cư phi chính thức tham gia cho thấy, hơn một nửa (53%) người tham gia nghiên cứu bị mất từ 75% thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, do các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống lây nhiễm bệnh, hầu hết người lao động di cư làm việc trong khu vực phi chính thức bị giảm và mất việc làm. Cụ thể, 40% bị mất 100% thu nhập, 13% bị mất 75% thu nhập; 19% bị mất 50% thu nhập. Nếu tính mất thu nhập từ 50% trở lên thì tỉ lệ bị ảnh hưởng là 72%. Bị mất thu nhập từ 75% trở lên ở người di cư làm nghề thu gom rác, làm việc ở cơ sở dịch vụ và nghề khác tương ứng là 43%, 47% và 39%.

Còn với kết quả nghiên cứu "Lao động phi chính thức trong đại dịch Covid-19 và các biện pháp ứng phó" được báo cáo tại Hội thảo khoa học tham vấn kết quả nghiên cứu Đại dịch Covid-19 và các biện pháp ứng phó mới đây cho thấy "cú sốc" Covid-19 đã tác động đến bốn khía cạnh: việc làm, thu nhập, sức khỏe và quan hệ giới trong gia đình của nhóm lao động phi chính thức.

Đặc biệt, nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ thuộc nhóm lao động phi chính thức phải chịu nhiều gánh nặng cung cấp thu nhập chính cho gia đình trong bối cảnh đại dịch. Trong khi đó, nhóm nữ giới này thường thực hiện các "công việc không lương" như: chăm sóc gia đình, nội trợ,… cộng thêm áp lực kinh tế, việc làm trong bối cảnh dịch bệnh dễ dẫn đến xung đột quan hệ giới và làm gia tăng bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, 76,7% số lao động phi chính thức được khảo sát là những lao động không có hợp đồng lao động, làm các công việc thời vụ, không có hộ khẩu thường trú, dẫn đến việc khó khăn trong công tác thực hiện bảo trợ y tế, xã hội và bảo trợ lao động thất nghiệp.

Không chỉ chiếm tỷ lệ cao trong nhóm lao động phi chính thức, phụ nữ còn là đối tượng phải hứng chịu nhiều tác động nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 khi bất bình đẳng gia tăng.

Kết quả nghiên cứu "Ngân sách cho dịch vụ công có nhạy cảm giới tại Việt Nam" chỉ ra rằng ngân sách cho dịch vụ công tỷ lệ nghịch với gánh nặng của nữ giới về các công việc không lương và tỷ lệ thuận với khả năng phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Chính vì vậy, việc cắt giảm ngân sách cho dịch vụ công về y tế và giáo dục đã gián tiếp cản trở phụ nữ theo đuổi những công việc được trả lương.

Cả hai nghiên cứu nêu trên cũng đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách đối với các đối tượng lao động phi chính thức và phụ nữ tại khu vực đô thị. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong ưu tiên đầu tư cho các dịch vụ công có ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội của các đối lao động phi chính thức, như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, nhà ở, phương tiện đi lại và việc làm thỏa đáng.

Đồng thời, các nghiên cứu cũng đề cập khả năng gia tăng bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em, gia tăng các bệnh căng thẳng tâm lý cần được sự quan tâm đúng mức của các chính sách công; sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước chung tay bảo đảm cho các nhóm đối tượng thiệt thòi được tiếp cận với an sinh xã hội và bình đẳng giới, đặc biệt trong giai đoạn đô thị hóa cao hiện nay.

An Chi