Đề nghị nhắc nhở nghệ sĩ tuyệt đối không quảng cáo sản phẩm 'lậu' như tiền ảo
Các nghệ sĩ tuyệt đối không tham gia quảng cáo các sản phẩm chưa được phép lưu hành, hay sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh không đúng với chất lượng sản phẩm gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Ngày 20/5, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đã có văn bản gửi các hội văn học nghệ thuật thành phố, nêu ý kiến chỉ đạo về việc một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên các trang mạng xã hội sai quy định pháp luật.
Theo đó, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo không đúng quy định, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đề nghị các hội văn học nghệ thuật thành phố kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng một số hội viên tham gia quảng cáo hàng hóa không đúng với chất lượng sản phẩm.
Đồng thời vận động hội viên không tham gia quảng cáo nếu nội dung quảng cáo sai lệch, không đúng chất lượng sản phẩm hàng hóa, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo qua việc cập nhật thường xuyên các quy định của pháp luật để đăng trên các trang thông tin điện tử, trang website của các hội văn học nghệ thuật thành phố để tuyên truyền cho các hội viên.
Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đề nghị, trong sinh hoạt nội bộ định kỳ, Ban Chấp hành các hội lưu ý nhắc nhở hội viên khi tham gia hoạt động quảng cáo cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối không tham gia quảng cáo các sản phẩm chưa được phép lưu hành (hàng tiêu dùng, các sản phẩm thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm ngoại nhập, tiền ảo…), hay sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh không đúng với chất lượng sản phẩm gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Nói về vấn đề này, đạo diễn Thanh Hiệp, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP HCM nêu quan điểm: “Những nghệ sĩ nổi tiếng cần cân nhắc khi nhận lời quảng cáo. Tiền không phải là tất cả, bởi thu nhập các vị cao so với xã hội. Đừng kinh doanh trên sức khỏe xã hội. Sống phải có đạo đức và có trách nhiệm với xã hội".
Theo đạo diễn Thanh Hiệp, cần làm rõ mọi việc và xử lý nghiêm khắc, không để bất cứ nghệ sĩ nào tiếp tay cho sự gian dối.
Đạo diễn Thanh Hiệp cũng khẳng định, công văn trên của Ban Tuyên giáo Thành ủy là cần thiết, kịp thời nhằm chấn chỉnh lại tình hình, bởi việc nghệ sĩ dùng tên tuổi của mình quảng cáo bất chấp là rất tai hại.
Thực tế, trong thời gian qua, trên các trang thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội phản ánh về việc một số nghệ sĩ TP HCM có tham gia bằng nhiều hình thức như đăng bài viết, video clip trên mạng xã hội trực tiếp quảng cáo về hiệu quả sử dụng một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, tiền ảo… không đúng với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, tài sản, niềm tin của người tiêu dùng và hình ảnh các nghệ sĩ.
Nhiều nghệ sĩ như N.T., C.T.S., L.D.B.L., N.T.K., K.M.T.,… xuất hiện trên nhiều quảng cáo khác nhau, với những lời giới thiệu đầy hoa mỹ. Đây đều là các nghệ sĩ có lượng fan hâm mộ đông đảo. Do đó rất nhiều người vì tin những lời quảng cáo thần thánh mà không ngại bỏ tiền cho sản phẩm. Khi sử dụng mới thấy tác dụng của chúng không được như mong muốn. Điều này không chỉ khiến cho hình ảnh nghệ sĩ bị ảnh hưởng trong mắt khán giả mà còn thể hiện sự gian dối, bất chấp hậu quả khi quảng cáo.
Đặc biệt vào tối ngày 11/5, trang cá nhân của một số nghệ sĩ đồng loạt đăng bài viết nhắc đến tiền ảo như Dogecoin, Shiba Inu, FXT Token cùng nhiều đồng tiền mã hóa. Theo chuyên gia, đây là chiến dịch quảng cáo nhằm thu hút đầu tư. Đây là các loại tiền vô danh, liên quan đến nhóm đầu tư coin đa cấp từng bị cảnh báo lừa đảo.
Hiện nay, Điều 13 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có quy định bên thứ ba phải “chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ”.
Do đó, nếu có hành vi quảng cáo gian dối, nghệ sĩ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, cá nhân thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt tiền 50-70 triệu đồng.
Ngoài ra, Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định rõ những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo:
1. Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 của Luật này.
2. Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.
3. Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
4. Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
5. Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
6. Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.
7. Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.
8. Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
10. Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác”.