Đích đến Chủ nghĩa xã hội

H.Vũ (ghi) 21/05/2021 06:39

Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và đang tiếp tục nhận được nhiều ý kiến hưởng ứng. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã nêu ra những luận điểm quan trọng trong bài viết của Tổng Bí thư gắn liền với quá trình xây dựng phát triển đất nước ta trên con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH).

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.

Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, Đại hội XIII của Đảng đã tổng kết 35 năm đổi mới và khẳng định những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu của đổi mới cũng là những thành tựu của quá trình xây dựng CNXH trong suốt 35 năm qua. Trong đó, thành tựu rất quan trọng là thành tựu về nhận thức, lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH. “Bài viết của Tổng Bí thư đã khẳng định rõ hơn về nhận thức lý luận tổng kết có hệ thống về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, nhất là trong quá trình đổi mới hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích.

Theo ông Phúc, trước đây trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 và đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển) năm 2011 đã đưa ra 8 đặc trưng. Bây giờ với cách tiếp cận và tổng kết thực tiễn nghiên cứu lý luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lý giải nhiều điều chứ không chỉ 8 đặc trưng.

Trong đó có cơ sở lý luận khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng đồng thời cũng có phát triển rất sáng tạo về nhận thức CNXH ở Việt Nam. Ông Phúc cho rằng “nó luôn xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam chứ không cứng nhắc theo một công thức nhất định mà có nhiều điều sáng tạo. Tổng Bí thư lý giải về CNXH rất thực tế, vừa có tính lý luận khoa học, lại vừa mang tính hiện thực”.

Ông Phúc nhìn nhận, bài viết của Tổng Bí thư đúng dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 110 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước; và 80 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước thành lập Mặt trận Việt Minh và lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công, mở ra một thời đại mới trong lịch sử đất nước.

“Giành độc lập thống nhất đất nước nhưng cái đích cuối cùng là đi lên CNXH, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã vạch ra từ năm 1930. Bài viết của Tổng Bí thư đã làm sáng tỏ thêm những quan điểm đó, đáp ứng đòi hỏi nhu cầu thực tiễn. Đó cũng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự sáng tạo tư tưởng Chủ nghĩa Mác - Lênin và ở đây có mối quan hệ mà Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh đó là mối quan hệ trung thành, kiên định với phát triển sáng tạo”, ông Phúc nói và khẳng định những vấn đề được Tổng Bí thư nêu ra chính là phát triển, sáng tạo.

Nếu không phát triển sáng tạo thì không thể thành công và chỉ dừng lại ở chủ nghĩa giáo điều, khô cứng, trì trệ, duy ý chí. Theo ông Phúc, đổi mới mà không kiên định thì cũng sẽ dẫn đến chệch hướng. Đó chính là thực tiễn khi chúng ta đang tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bài viết của Tổng Bí thư được công bố khi cả nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội khóa XV là một Quốc hội khởi đầu cho thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Đại hội XIII của Đảng không chỉ xác định phương hướng phát triển cho đất nước trong nhiệm kỳ từ 2021-2026 mà còn là quyết sách những vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam, phát triển đất nước từ nay cho đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng,và năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập Nước.

“Dựa trên Nghị quyết Đại hội XIII, những quyết sách lớn lâu dài đến năm 2030 và năm 2045, Quốc hội khóa XV sẽ thể chế hóa để hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của dân, do dân, vì dân để hiện thực hóa đường lối của Đảng. Quốc hội khóa XV có ý nghĩa lớn như vậy cho nên bài viết của Tổng Bí thư ở thời điểm này là định hướng lớn để Quốc hội thực hiện tốt 3 chức năng: Lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề lớn quan trọng của đất nước”, ông Phúc nói.

H.Vũ (ghi)