Vượt qua cái chết
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) vừa tổ chức tri ân hai gia đình người hiến tạng để cứu chữa cho 8 bệnh nhân khác. Dù không còn trên đời nhưng nghĩa cử cao đẹp của hai bệnh nhân chết não đã để lại cuộc sống mới cho 8 người khác nhờ vào những bộ phận trên cơ thể họ. “Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại”, câu nói thật ý nghĩa biết bao.
Một bệnh nhân chết não tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã quyết định hiến tạng để cứu chữa cho những người bệnh khác trước khi ra đi. Không ai có thể ngờ một chàng trai mới qua tuổi đôi mươi lại có được sự chững chạc, chín chắn, giàu lòng vị tha đến vậy. Nhờ tim, gan, thận của chàng trai này mà 4 bệnh nhân khác có cơ hội sống một cuộc đời mới.
Một người đàn ông trung niên tại TP Hồ Chí Minh cũng đã tạo cho 4 bệnh nhân khác cơ hội được thấy lại ánh sáng, cuộc sống khỏe mạnh nhờ giác mạc và hai quả thận của anh. Đâu phải ai cũng có được tấm lòng nhân ái ấy, để có thể đưa ra quyết định dâng hiến một phần của cơ thể, giúp những bệnh nhân khác thay đổi số phận cuộc đời.
Trước những bệnh nhân này cũng đã có rất nhiều người khác tự nguyện hiến tạng để cứu chữa cho những bệnh nhân khác, hoặc để nghiên cứu y học. Vẫn biết khi chết đi, dù không hiến tạng thì mọi bộ phận trên cơ thể cũng sẽ tan biến vào hư không, trở thành cát bụi. Song, để có dũng khí đưa ra quyết định hiến tạng không phải ai cũng làm được.
Cũng có nhiều người trước khi chết muốn hiến tạng giúp ích cho đời. Nhưng khi họ ra đi, gia đình đã không đồng ý cho bệnh viện lấy đi bất cư bộ phận nào trên cơ thể của người thân. Điều đó không chỉ là làm trái với nguyện vọng của người đã khuất, mà còn tước đi cơ hội được chữa trị của những bệnh nhân khác đang mong chờ từng ngày.
Cũng dễ hiểu và có thể thông cảm được với hành động của gia đình, người thân của những người xấu số. Cảm giác người thân sau khi chết bị “mổ xẻ”, lấy đi các bộ phận trên cơ thể khiến nhiều người cảm thấy đau đớn khôn nguôi. Đó là lý do mà họ không đồng ý hiến tạng của người thân, dù biết điều đó là ích kỷ đối với các bệnh nhân khác.
Cũng may, ngày càng có nhiều người nghĩ thông thoáng, cởi mở, sẵn lòng hiến tạng của chính mình, người thân khi xác định không còn cơ hội sống. Với họ, thay vì ra đi mãi mãi vào lòng đất một cách uổng phí, đôi mắt của mình vẫn có thể mở to nhìn ngắm cuộc đời tươi đẹp, trái tim vẫn đập rộn ràng, thổn thức yêu thương trong một cơ thể khác.
Với những con người giàu lòng vị tha, có trái tim nhân hậu đó, họ không thực sự chết, mà đã được hóa thân vào cuộc sống của những người khác. Họ không cảm thấy việc hiến tạng là sự ban phát ơn huệ, mà có cảm giác biết ơn bởi chính những bệnh nhân được ghép tạng đang cho họ cơ hội để “sống mãi với thời gian” thay vì tan vào cát bụi.
Và những bậc làm cha, làm mẹ thay vì phải tưởng tượng trong trí nhớ đôi mắt đẹp đẽ của đứa con yêu, họ vẫn được nhìn thấy chúng hàng ngày ở nhân thế. Nhiều gia đình thay vì cảm giác trống rỗng khi người thân đã ra đi về miền cực lạc, họ vẫn có cảm giác ấm áp khi trái tim của người thân vẫn bồi hồi xao xuyến trong một cơ thể khác.
Song, để có được sự “trường tồn” của mỗi người ra đi ẩn hiện đâu đó trong những người còn sống, phải kể đến công lao rất lớn của đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện. Các bác sĩ đã không làm uổng phí, phụ tấm lòng cao thượng, đẹp đẽ của những người hiến tạng và gia đình họ khi ghép tạng thành công cho những bệnh nhân khác.
Nhưng dù các bác sĩ có giỏi đến đâu, có cố gắng thế nào mà các mô tạng không thể đến kịp thời gian thì mọi việc cũng trở thành công cốc, dã tràng xe cát biển đông, uổng phí tâm huyết của người hiến tạng và gia đình họ. Khi đó, bệnh nhân khác cũng không có cách nào tiếp nhận tấm lòng của người hiến tạng, bởi các mô tạng không còn sử dụng được.
Thật đáng quý, song hành cùng với người hiến tạng, đội ngũ y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ CSGT tại các tỉnh, thành phố cũng góp công sức không nhỏ để mỗi mô tạng được hiến trở nên hữu ích, không bị uổng phí. Họ sẵn sàng tạm gác mọi việc, “mở đường” thông suốt để đưa mô tạng đến bệnh viện một cách nhanh nhất, an toàn nhất.
Vậy là với mỗi bệnh nhân được nhận trái tim, hay giác mạc..., thì họ không chỉ biết ơn người hiến tạng, mà còn cảm kích tấm lòng của đội ngũ y bác sĩ, những cán bộ chiến sĩ CSGT và nhiều người có liên quan khác. Sự sống khỏe mạnh trở lại của mỗi bệnh nhân là tổng hòa lòng nhân ái của rất nhiều con người ở những vị trí công tác khác nhau. Song, trên hết vẫn là dũng khí, sự nhân hậu của người hiến tạng. Họ đã vượt qua cái chết.