Thúc đẩy tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước
Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Một trong những nhiệm vụ cụ thể của Đề án là đẩy mạnh, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo hình thức chủ yếu là cổ phần hóa, thoái vốn các DNNN theo đúng nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và đúng quy định pháp luật; Rà soát, đánh giá hiệu quả của phương án cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn 2021-2025.
Điểm mới của Đề án là Bộ Tài chính đề xuất thí điểm chuyển đổi một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ từ hình thức Công ty TNHH MTV sang hình thức DN cổ phần, trong đó các cổ đông là các tập đoàn kinh tế nhà nước, DNNN có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng, giải pháp này nhằm cho phép các DN 100% vốn nhà nước chuyển sang mô hình công ty cổ phần sau đó mới thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng (IPO) để thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán như quá trình cổ phần hóa (hay chính là cổ phần hóa hai bước).
Cụ thể DNNN chuyển sang hình thức cổ phần theo Luật DN. Sau khi chuyển sang công ty cổ phần, DN tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới quản trị DN, thúc đẩy công khai minh bạch thông tin. Việc quản lý, chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu đảm bảo nguyên tắc thị trường - dưới vai trò là cổ đông lớn của DN, không trực tiếp can thiệp vào hoạt động DN.
Để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN giai đoạn tới, trong khâu thực hiện, theo Bộ Tài chính, cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cần thực hiện đúng và đầy đủ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao theo quy định của pháp luật; hoàn thành phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, trước tình hình thoái vốn quý I chậm, Bộ Tài chính kiến nghị với Chính phủ ra văn bản đôn đốc, chỉ đạo, trên tinh thần nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu phải quyết tâm thực hiện. Mặc dù, việc triển khai cũng phải tùy thuộc vào kết quả khống chế được Covid-19, bởi nếu dịch bệnh vẫn đe dọa thì sẽ khó thoái vốn do việc đấu giá phải thực hiện trực tiếp.
Lãnh đạo Cục Tài chính DN cũng cho rằng, kết quả thoái vốn phụ thuộc vào thời điểm và phụ thuộc vào diễn biến trên thị trường chứng khoán cũng như mức độ quan tâm của nhà đầu tư. Hơn nữa, danh mục đang đầu tư hiệu quả thì phải tính toán căn cơ hơn.
“Hy vọng trong quý III, quý IV, tiến độ công tác cổ phần hóa, thoái vốn sẽ nhanh hơn vì việc xác định giá trị DN thông thoáng hơn, gắn trách nhiệm với tổ chức thẩm định giá. Thứ hai là quy chế bán đấu giá bảo đảm theo cơ chế thị trường nên hoạt động đấu giá sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn”, ông Tiến cho biết.
Đối với cổ phần hóa, hiện vấn đề trong cổ phần hóa DN lớn là phải tiến hành khâu chuẩn bị rất thận trọng, cơ sở pháp lý phải chặt chẽ để không thất thoát tài sản nhà nước. Nếu không chặt chẽ, khi phê duyệt phương án cổ phần hóa sẽ phát hiện ra thì lại phải dừng để làm lại, khi đó sẽ rất phức tạp và mất nhiều thời gian.
Một giải pháp quan trọng khác được đưa ra là cần nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN.