Kỹ thuật trồng dừa xiêm lùn

N.H. 21/05/2021 09:00

Dừa xiêm lùn – hay dừa xiêm lục hoặc dừa xiêm chu là loại dừa cho năng suất quả khá cao cùng với chất lượng nước ngọt hợp khẩu vị người tiêu dùng nên được thị trường rất ưa chuộng.

Đầu ra thuận lợi nên đây là giống cây được bà con nông dân lựa chọn trồng rất nhiều. Tuy nhiên, để có cây trồng sai quả, quả ngọt, đạt chất lượng thì khâu chọn giống và cách chăm sóc rất quan trọng. Xin giới thiệu cùng bà con một số cách chăm sóc dừa xiêm lùn.

Thường cây dừa xiêm lùn cho rất nhiều quả, trung bình mỗi buồng dừa xiêm lùn có thể cho từ 10 – 16 quả/buồng cho tới 20 – 30 quả/buồng. Nếu buồng ít quả thì mỗi quả nặng khoảng 1,4 – 1,7 kg và nếu buồng nhiều quả thì trọng lượng mỗi quả khoảng 1,1 – 1,3 kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao và lâu dài. Bà con có thể thu hoạch dừa xiêm lùn sau khi trồng khoảng 2 – 2,5 năm, kéo dài trong 25 – 30 năm. Đây là một lợi thế rất lớn vì không phải thay giống cây trồng và bà con cũng quen với đặc tính, cách chăm sóc cho cây.

Đối với dừa thì không cần phải đắp mô mà trồng thấp vì vậy phải chuẩn bị hố trồng với kích thước 0,6 m x 0,6 m x 0,4 m mục đích là tiết kiệm nước cho cây hấp thu. Mỗi hố trồng sử dụng từ 10-20 kg phân hữu cơ ủ hoai, 0,5kg phân lân trộn đều với lớp đất mặt sau đó lấp lại rồi trồng cây. Ở vùng đất thấp cần phải đắp mô để tránh bị đọng nước cục bộ cho cây. Mô có kích thước từ 60-80cm, cao từ 20-30cm.

Về khoảng cách cây trồng. Tùy theo độ màu mỡ của đất. Vùng đất màu mỡ, mưa nhiều, không có các yếu tố bất lợi của môi trường nên trồng thưa hơn so với vùng đất không màu mỡ và khí hậu khô hạn. Khoảng cách khuyến cáo 7x7m.

Đào một lỗ có kích thước bằng trái dừa trên mô hay trong hố, bón lót 50 g phân DAP để cho cây nhanh ra rễ, sau đó đặt cây dừa xuống và lấp đất khoảng 2/3 trái. Vùng đất khô hạn (hoặc trồng vào mùa khô) thì lấp đất ngang với cây con.

- Tưới nước: Sau khi trồng rất cần nước, nếu giai đoạn này thiếu nước nhiều ngày cây sẽ chết. Vì vậy, để giữ đủ ẩm cho cây ta nên dùng rơm, rạ, cỏ khô ủ gốc cây trong mùa nắng và khoảng 2-3 ngày tưới 1 lần tùy vào ẩm độ của đất.

- Trồng dặm: Sau 15 ngày phải đi kiểm tra và trồng dặm nếu có cây chết.

- Làm cỏ: Dọn sạch cỏ dại xung quanh mô hay hố không để cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng, nước và ánh sáng với cây dừa sẽ làm cho cây dừa chậm lớn.

- Trồng xen: Trong giai đọan cây dừa chưa mang trái nên trồng xen canh các loại cây trồng khác để tăng thêm thu nhập như cây họ Đậu, Cam, Chanh, Chuối,....

Việc bón phân cho cây dừa ở giai đoạn kiến thiết cơ bản có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển của cây, giúp cây phát triển nhanh, rút ngắn thời gian cho trái. Công thức phân bón giai đoạn này theo tỷ lệ N:K là 3:1:1; 100 g/cây/lần và 2 tháng bón/lần. Tuy nhiên có thể tăng thêm lượng phân và số lần bón cho các vùng đất kém dinh dưỡng. Ví dụ mỗi tháng bón 1 lần khoảng 80g/cây.

Để đảm bảo trái cho đời sau được thuần chủng, cây dừa xiêm lùn cần được trồng trong quần thể dừa xiêm lùn không trồng chung với giống dừa khác. Bà con chỉ chọn những cây giống khỏe mạnh, lá màu xanh tốt, chu vi cổ thân to, không bị sâu bệnh hay dị dạng, nhiều lá và tách lá chết sớm. Cây đạt chiều cao tối thiểu 20cm và có kèm thẻ kiểm nghiệm chất lượng của đơn vị ươm giống. Tốt nhất, bà con nên tìm đến các trung tâm giống, cơ sở sản xuất hoặc đại lý bán giống uy tín để mua được các cây giống có chất lượng đảm bảo.

N.H.