Khoảnh khắc ngưng đọng trong tranh lụa của Hương
Sau triển lãm cá nhân “Lụa của Hương” vào năm 2019 tại Hà Nội, từ ngày 7/5 đến hết 21/5, họa sĩ Nguyễn Thu Hương tiếp tục trưng bày các tác phẩm theo trường phái biểu hiện trên chất liệu lụa tơ tằm tại TP Hồ Chí Minh.
Bởi muốn quan sát sự vật hiện tượng để nắm được bản chất, nhưng rồi tất cả vẫn vụt qua mắt Hương như đoàn tàu chở theo bao hình ảnh, màu sắc, có cả thanh âm lẫn mùi vị. Tranh lụa của Hương muốn ghi lại những khoảnh khắc này.
Như những bức tranh lụa mềm mại, với hình ảnh chuyển động dịu dàng mà nhịp nhàng, cùng gam màu hiền, giữa khoảng trống mang sự diệu vợi khôn cùng, Hương cũng chọn cho bản thân tính cách và lối sống như thế.
Sự đòi hỏi chú tâm tuyệt đối khi đứng trước tấm lụa mỏng, chỉ được một nét vẽ duy nhất để tạo nên sắc thái không gian của tranh, tinh thần của nghệ sĩ cần thật tĩnh và tâm tính phải rất mềm.
Tranh lụa của Hương thường mang màu lạnh và trung tính, trong lần triển lãm này, xuất hiện những bức tranh được sử dụng gam màu nóng nhiều hơn. Chị vẫn tiếp tục họa lại vẻ đẹp của con người, thông qua hình, nét, mảng, khoảng trống và màu trên lụa. Màu sắc cần đi cùng với sắc độ ra sao, là điều mà Hương luôn lưu tâm khi vẽ.
Họa sĩ Nguyễn Thu Hương sinh ra trong gia đình có bố là họa sĩ Nguyễn Sinh Kung. Từ nhỏ, chị và anh trai thường trở thành mẫu để bố vẽ.
Hè về, chị được bố đưa đến lớp học của bố và trường Mỹ thuật Hà Nội. Trong lúc chờ bố ở trong lớp, Hương thường lang thang trong sân trường, ngắm cây cối, những bức tượng và phù điêu. Dù cảm giác e sợ, nhưng chị vẫn thích thú và bắt đầu nghĩ về những hình khối, mảng màu tối.
Sinh ra trong gia đình bố làm nghệ thuật, nên việc đến với vẽ của Hương cũng là điều tự nhiên. Từ 6 tuổi, Nguyễn Thu Hương tham gia các sinh hoạt chủ yếu liên quan đến vẽ tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi Thái Bình. Tất cả các cuộc thi tham dự, chị đều có giải. Hương biết buồn thơ thẩn khi còn rất nhỏ, cảm giác một mình lang thang trong sân trường lại chiếm ngập kí ức, vì vậy, chị lại cầm bút vẽ chỉ để giải tỏa những trống trải trong lòng.
Mất bốn năm để ôn thi mới đậu, với sự động viên của bố mẹ và anh trai, Hương theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam).
“Khoảng thời gian đó tôi ít tiếp xúc với bạn bè người quen hơn, vì 4 năm họ đã học xong đại học hoặc cao đẳng, có bạn đi làm, còn tôi vẫn đang ôn thi đại học, và bắt đầu năm thứ nhất là sinh viên mỹ thuật”, Hương nhớ lại.
Cũng mong muốn tìm lối đi riêng cho mình, song mọi thứ với Hương lại diễn tiến theo cách vô cùng chậm chạp. Tuy vậy, kỷ niệm thời sinh viên mỹ thuật và những người bạn là khoảng thời gian đẹp nhất của chị. Trong suốt 5 năm học, nhớ những lần đi thực tập, được đến địa phương nào đó để vẽ ký hoạ, phong cảnh bằng bột mầu... rồi ở cùng nhà người dân trong khoảng hai đến ba tháng. Bây giờ mỗi lần gặp, chị và các bạn lại cùng nhau kể chuyện lại những chuyến đi thực tế đó, hầu như chưa bao giờ nhạt.
Tốt nghiệp Khoa Hội họa, sau khi vẽ sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ rồi lụa…, Hương lại làm nhiều tranh đồ hoạ. Cho đến khi tốt nghiệp cao học năm 2012, Hương quyết định lại dừng lại chất liệu lụa khi nhận ra hai lần làm bài thi tốt nghiệp đại học và cao học, chị đều chọn chất liệu này. Một lý do nữa, lụa cũng là chất liệu ít họa sĩ lựa chọn. Từ đó đến bây giờ, Hương dùng lụa là chất liệu sáng tác chính.
“Tôi quyết định đi sâu khám phá vẻ đẹp tranh lụa! Trước tiên tôi phải yêu thích lụa, thích vẽ trên chất liệu đó, và có cảm xúc khi vẽ, lúc ấy tôi cũng không quan tâm tại sao nhiều người không thích chất liệu đó, mà sơn dầu và sơn mài có lực hấp dẫn hơn. Với tôi chỉ là yêu thích thật sự thôi, vì tôi học khoa hội hoạ nên chất liệu nào cũng được học rồi, khi ra trường mỗi người tự tìm cho mình một niềm vui riêng, tôi cũng vậy. Mỗi khi vẽ, trong tôi là sự vui vẻ, hạnh phúc và tích cực. Cảm xúc trong quá trình vẽ là chinh phục, hồi hộp, yêu thương”.
Chất liệu lụa mà Hương chọn, là lụa tơ tằm của Việt Nam. Lụa tơ tằm Việt Nam thấm mầu tốt. Để có được lụa vẽ ưng ý, Hương thường đi tới làng Quan Phổ ở Duy Tiên, Hà Nam. Lụa ở nơi đây được dệt thủ công bởi bàn tay những người thợ lâu năm. Bỏ đi lớp ngoài cùng là sồi, tơ nõn mới được sử dụng để dệt lụa cho việc vẽ. Và lụa thì chỉ có thể dệt vào mùa hè. Kì công mới chỉ cho chất liệu như thế, đủ thấy sự nhẫn nại theo nghề của Hương.
Lụa sau khi làm ướt, được căng trên gỗ mềm được bào nghiêng 45 độ. Lụa khô, hình phác thảo được can lên lụa bằng chì. Khi vẽ, màu thấm trên lụa. Đã vẽ rồi, thì không thể nào điều chỉnh được nữa. Khi tranh đã được vẽ xong, để tranh phẳng phiu và màu thắm trên lụa, Hương dán lên lưng tranh một lớp giấy dó làm biểu lụa.
25 bức tranh lụa triển lãm lần này, được họa sĩ Nguyễn Thu Hương vẽ trong suốt 8 năm. Có thể thấy ba giai đoạn mà chị đi tìm sự biểu đạt tinh thần bên trong thông qua biểu cảm của hội họa. Từ màu đen, gam tối, lạnh chìm trong trạng thái siêu thực mộng ảo khi lật ngược vào bên trong bản thể, đến việc sử dụng màu nâu trầm, vào ghi, đen cùng dáng nữ kiêu kì mà mệt mỏi uể oải trên nền sáng tinh sương của lụa, dần là gam màu rất tươi tắn với hồng, trắng, xanh, vàng, cam… cùng vẻ đẹp tròn đầy viên mãn tính nữ e ấp trong lá hoa.
Những bức tranh được sáng tác gần đây, thể hiện rõ sự tích cực hân hoan trong Hương. Chị đi sâu và làm chủ được nhịp điệu mỗi nét vẽ. Màu sắc uyển chuyển như thể đất trời và lòng người đang rực nở trên mỗi thớ lụa. Nhìn mỗi bức tranh, có thể thấy sáng tạo và kỹ thuật biểu đạt của Hương đang trong độ chín cũng như sự đổi thay vượt bậc trên con đường khẳng định phong cách sáng tạo cá nhân.
“Hương lụa” khai mạc đúng vào ngày Thành phố bắt đầu tránh tụ tập đông người để phòng đợt dịch Covid-19 mới, vì thế, chỉ có thể từng tốp nhỏ đến ngắm tranh. Nụ cười vẫn nở hiền trên môi Hương, giọng nói vẫn ấm áp, nhịp độ chậm, ngắn gọn mà tràn đầy tình cảm. Xem tranh lụa của Hương mà có Hương ở bên, mới cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp từ tinh thần họa sĩ thấm vào mỗi bức tranh. Có lẽ vì thế khi tranh mới treo lên, chưa đến giờ khai mạc triển lãm, nhà sưu tập đã tới và thêm dấu chấm đỏ cho bức tranh lụa khổ lớn.
Họa sĩ Nguyễn Thu Hương, sinh năm 1979. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2005 - Tốt nghiệp thạc sĩ Mỹ thuật năm 2012. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Giải thưởng: Giải của Hội Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm Mỹ thuật sinh viên 2005. Tặng thưởng của Hội Mỹ thuật, triển lãm mỹ thuật khu vực I - Hà Nội 2006. Giải Khuyến Khích triển lãm mỹ thuật KV-I năm 2017. Giải Ba: Biennale Mỹ thuật trẻ tại TP Hồ Chí Minh 2019.