'Sóng thơ' Hồng Ngát
Trong dòng chảy thơ nữ đương đại, Nguyễn Thị Hồng Ngát là cái tên được nhiều người tìm kiếm. Người ta tìm, bởi lâu rồi không thấy nữ sĩ quê gốc Hưng Yên có cuộc đời riêng khá nhiều câu chuyện tựa hồ giai thoại này ra tập thơ mới. Dễ đến gần chục năm, kể từ tập thơ “Cỏ thơm - Mây trắng” ra mắt năm 2012.
“Một mình buồn cũng lại một mình vui”
Có thời điểm, nhắc đến Nguyễn Thị Hồng Ngát, người ta chỉ nhớ đến phim, đến những trao đổi chao chát trên truyền thông. Thì đã đành, công việc mà bà dự phần suốt một quãng thời gian dài là ở mảng phim ảnh. Những chức vụ Phó Giám đốc rồi Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam, Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam (Hodafilm), Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, Cục phó Cục Điện ảnh mà bà liên tục đảm nhiệm cũng khiến tố chất thi sĩ trong con người Nguyễn Thị Hồng Ngát có thể lắng lại, chìm xuống, nhường chỗ cho những mối quan tâm, bận tâm khác.
Thế nên, khi hay tin nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đã hẳn hoi rời nhiệm sở, trở về với đời, với thơ, nhiều người chúc mừng bà. Chính bà, khi đó, cũng chia sẻ, rằng giờ là lúc được sống với chính mình. Lời tâm sự ấy có thể có người ngẫm ngợi, rằng hóa ra, trước đây bà phải đóng vai người khác ư? Nhưng tôi vẫn tin, bà chia sẻ thật lòng. Cuộc đời, ai cũng có lúc vào vai này vai khác. Bảo diễn thì không đúng, nhưng có khi cũng phải gồng lên, phải diễn giải những ý nghĩ của một mình theo cách khác. Giờ, “được là chính mình”, như bà nói, đó không phải là hạnh phúc lắm sao.
Cũng kể từ cái đận nghỉ hưu ấy, người ta thấy nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát tham gia nhiều hơn các sinh hoạt văn chương. Trên facebook cá nhân, những chia sẻ của bà cũng trở nên nhẹ nhõm. Thế giới mạng nhiều thị phi từng khiến bà rất dè chừng tham gia mạng xã hội, thậm chí có đận còn thấy bà phải đóng facebook cá nhân.
Mới rồi, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát ra mắt tập thơ “Những con sóng”. Vỏn vẹn 102 trang nhưng trong đó có những bài thơ bà viết đã lâu, từ hồi học ở Ukraina. Tôi nhớ, mình cũng đã nghe bà chia sẻ, đại ý rằng từ ngày nghỉ nhiệm sở, có thời gian ở nhà dọn dẹp, sắp xếp lại sách vở tài liệu thì phát hiện ra tập bản thảo cũ, với những bài thơ được viết từ 40 năm trước. Những bài thơ mà bà bảo, viết cho riêng mình, chưa từng gửi in ở đâu. Có lên xuất bản không nhỉ? Bà hỏi, và bây giờ, những người yêu thơ, những ai vốn chờ đợi thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát gần chục năm nay đã có trên tay tập thơ “Những con sóng” (NXB Hội Nhà văn 3/2021).
Sóng ở đây là sóng biển: “Sóng cứ vỗ ngày đêm không mệt mỏi…”. Nhưng đọc kỹ, ngẫm kỹ thì chủ yếu vẫn là những cơn sóng lòng: “Thương con sóng vẫn vô tư dào dạt/ Một mình buồn cũng lại một mình vui".
Bởi thế, đọc tập thơ thứ tám này của Nguyễn Thị Hồng Ngát, người ta thấy như bà đang bạch hóa tâm hồn mình. Những bài thơ như những dòng tự sự, như những trang nhật ký chan chứa kỷ niệm. Kỷ niệm chung là về những vùng đất, những con người đã đi đã gặp. Kỷ niệm riêng, cũng về những con người, đã yêu đã đau…
Như trong bài “Ở nhà thời Covid”, nhà thơ viết: “Ừ thôi nhé chân ơi ta tạm nghỉ/ Ba tuần thôi đành ngồi ở trong nhà/ Đi vạn dặm chân ơi chừng cũng mỏi/ Bao nhiêu lần tứa máu đã trải qua (…) Dầu tóc bạc tuổi pha sương dầu dãi/ Bao thiệt hơn được mất cũng qua rồi/ Phút lắng lại lòng ta yên ắng quá/ Tiếng chim kêu cũng thảng thốt bầu trời…”
Như trong bài thơ “Buông”, nhà thơ viết: “Nửa đêm/ Sực tỉnh/ Có một nỗi buồn không hề nhẹ/ Có một nỗi lo không hề vơi/ Có một cái gì đó mơ hồ thôi/ Nhưng quặn thắt đêm đêm quặn thắt…”
Và đây, trong bài “Tôi đi rao bán nỗi buồn”, Nguyễn Thị Hồng Ngát viết: “Có ai mua nỗi buồn không tôi muốn bán/ Một chút thôi để lòng vui lên/ Giá không đắt đâu hoặc cho không cũng được/ Có ai mua nỗi buồn không?”
Đây nữa: “Không ở cùng con/ Hai thân già chăm nhau sớm tối/ Không ở cùng con/ Chẳng có ai để hỏi/ Mỗi khi vi tính trở trời…”
Đặc biệt đọc đến bài “Trả duyên”, nhiều người mới biết đến một quá vãng vốn đã ngủ yên trong lòng, nay như cơn sóng ngoài khơi xa chợt xô lên. Đó là bài thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát viết về người chồng đầu tiên của mình. “Hôm anh mất/ Em không thể khóc/ Bảy năm đầu đời bên nhau em đã khóc hết rồi…/ Ba mặt con ra đời… Trong cay đắng/ 36 năm ta đã không đi cùng nhau/ Mỗi người mỗi ngả/ Xa - đã quá xa…”
“Vui được thì cứ vui”
Đậm đặc những trang nhật ký tâm hồn, là những bài thơ viết đã lâu mà lần đầu công bố. Nhà thơ đặt trọn trong phần thứ 2 của tập: Xa cách. Đó là những bài thơ viết ở Ki-ép (Ukraina) vào những năm 1981-1982, khi mới 30 tuổi, như: Trò chuyện cùng anh, Sao không thư cho em, Tự nói với mình, Gửi, Một mình… Đây là những bài thơ được cho là tác giả viết cho nhà thơ Thu Bồn - người sau này trở thành người chồng thứ hai của nữ sĩ. Cuộc hôn nhân tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại nhiều dấu ấn trong ký ức cuộc đời nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát.
Có lẽ thơ là thứ dễ lộ mình quá chăng? Bởi đọc tập thơ “Những con sóng”, người ta thấy một Nguyễn Thị Hồng Ngát rất khác, rất lạ. Mà đúng như bà nói, “đằng sau những câu thơ những bài thơ đó chính là viết về con người, về cuộc đời đã và đang qua của tôi”. Nữ sĩ nói thêm rằng, hãy coi phần Xa cách như là một góc nhỏ chỉ chiếm 1/3 dung lượng của tập thơ thôi. Đọc để biết để hiểu thêm về nhiều điều không chỉ hiểu về riêng tư của tác giả. Bà quan niệm, phim, truyền hình là thành quả của cả tập thể. Nhưng thơ là của riêng mình! Và những lúc yếu đuối nhất, cần chia sẻ nhất, bà lại chọn cách độc thoại bằng thơ...
Tôi vẫn nhớ hôm ra mắt tập thơ, bạn bè đến chật kín khán phòng ở 65 Nguyễn Du, Hà Nội. Bạn phim, bạn kịch có, nhưng đông nhất là những bạn thơ, bạn văn. Nữ sĩ tâm sự: “Đến lúc này có thể công bố mọi chuyện được, minh bạch hóa nhiều ơn huệ và trong tình cảm đó có nhiều giai thoại và dị bản. Tôi đưa các bài thơ ấy vào tập thơ mới sau khi được sự đồng ý của ông xã (dịch giả Phan Hồng Giang-N.V), ông nói cốt thơ hay là được vì anh quá hiểu biết, trước khi đến với mình anh quá biết mọi chuyện rồi, chẳng có gì phải giấu. Chuyện thật còn không giấu huống hồ là thơ, công bố ra để mọi người đọc”.
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng chia sẻ thêm: “Sau rất nhiều thời gian bôn ba ở các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, giờ tôi lại trở về với thơ. 9 năm, tôi mới tập hợp được 76 bài. Có những bài thơ viết 40 năm trước giờ mới được ra mắt bạn đọc. Đó là những bài thơ riêng tư, tình yêu, gia đình, nỗi nhớ đất nước, nhớ người thân, và cho người đã mất cách đây hơn 20 năm mà tôi không tiện công bố lúc họ còn sống”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì nói, ông đọc tập thơ “Những con sóng” và nhận thấy rằng đó là những câu chuyện hết sức bình dị, những câu chuyện thường nhật của một con người nhỏ bé nhưng ở đó lại chứa đựng những điều lớn lao nhất của kiếp nhân sinh… “Những người làm thơ càng lớn tuổi, càng suy nghĩ sâu sắc câu thơ càng tinh khiết và giản dị và thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát minh chứng cho điều đó. Nó vẫn là chị, từ những bài thơ đầu tiên cho đến giờ nhưng bây giờ nó giản dị, kết lại giống như trầm tích vậy”, ông Thiều nhận xét.
Ở tuổi 71, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đang sống những giây phút an nhiên hơn. Bà vẫn tự lái xe ô tô đi đây đó, vẫn thi thoảng đạp xe một vòng hồ Tây (Hà Nội). Những lúc rảnh, bà lại kể những câu chuyện vui vui trên facebook. Đầu năm nay, chứng kiến nhiều bạn văn vĩnh viễn ra đi, khiến bà cảm thấy cuộc sống này quả là vô thường. “Vui được thì cứ vui, viết được gì thì cứ viết. Phim còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố còn thơ thì cứ viết thôi, đây là lao động tự do nhất, thoải mái nhất, thích nhất”, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát nói.n