Báo động biến chủng virus mới 'siêu lây nhiễm'
Dịch Covid-19 đang diễn biến nghiêm trọng, nhiều tỉnh, thành phố. Chủng virus ghi nhận lần này, theo kết quả giải trình tự gen mới nhất, là chủng Anh và chủng Ấn Độ. Theo Bộ Y tế, đây đều là chủng biến thể lây lan nhanh, là “siêu lây nhiễm”, đòi hỏi mỗi người dân cần nâng cao mạnh mẽ ý thức tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Lây nhiễm nhanh, mạnh hơn
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (với chủng của Anh và Ấn Độ), nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước. Bộ trưởng đặc biệt lưu ý, nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến trung ương (tuyến cuối) cao hơn rất nhiều so với tuyến địa phương, bởi đây là nơi tổng hợp các bệnh nhân từ các địa phương chuyển lên. Điển hình như ổ dịch ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (Hà Nội) và mới nhất là Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều (Hà Nội).
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành lấy mẫu ở những bệnh nhân mắc Covid-19 tại một số địa phương để xác định nguồn gốc. Kết quả giải trình tự gene ngày 7/5/2021 cho thấy: Bệnh nhân người Đông Anh, Hà Nội (BN 2911), là F1 của bệnh nhân 2899 ở Hà Nam nhiễm virus biến thể B.1.1.7 (biến thể Anh). Bệnh nhân người Ấn Độ, cách ly ở Hải Phòng, sau về cách ly tại Times City (Hà Nội) nhiễm biến thể B.1.617.2 (biến thể Ấn Độ). Bệnh nhân người Ấn Độ, đi chuyến bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội cùng chuyến bay nhóm người Trung Quốc thuộc biến thể B.1.617.2 (biến thể Ấn Độ). Bệnh nhân nhập cảnh từ Nhật về, lấy mẫu ở khu cách ly tại Hải Dương thuộc biến thể B.1.1.7 (biến thể Anh). “Biến thể Anh có đặc tính lây lan nhanh hơn chủng cũ, biến thể Ấn Độ vừa có đặc tính chủng Anh (lây lan nhanh), vừa có đặc tính của chủng Nam Phi làm giảm tác dụng của vaccine”, theo ý kiến của một chuyên gia.
Theo các chuyên gia, virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có một “danh sách theo dõi” các biến thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Biến thể B.1.617 của Ấn Độ đã được WHO xếp vào 1 trong 7 “biến thể cần quan tâm”. Đây là những biến thể đang được theo dõi vì chúng cho thấy những đột biến liên quan đến dịch tễ học, chẳng hạn như khả năng lây truyền cao, hoặc mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh.
Ngoài ra, chuyên gia của Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock của Singapore cho biết, khi virus lây lan, khả năng xuất hiện các biến thể mới sẽ tăng lên và những biến thể này sẽ cùng lưu hành cho đến khi một loại giành được lợi thế hơn những biến thể khác. Các biến thể đáng lo ngại (VOC) - trái ngược với các biến thể cần quan tâm (VOI) - phải có tác động đến chẩn đoán, điều trị hoặc vaccine, dễ lây lan hơn, hoặc gây ra bệnh nặng hơn. Các biến thể của Vương quốc Anh, Nam Phi và Brazil đã được WHO liệt vào danh sách các biến thể đáng lo ngại (VOC). Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu xem liệu biến thể B.1.617 của Ấn Độ có gây ra tình trạng bùng phát mạnh các ca mắc Covid-19 ở nước này hay không. WHO cho biết, mô hình sơ bộ cho thấy nó có “tốc độ tăng cao hơn so với các biến thể khác đang lưu hành ở Ấn Độ, cho thấy gia tăng khả năng lây truyền”.
Nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch
Với số ca nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV2 tại Việt Nam tiếp tục gia tăng, làm tăng thêm lo ngại cuộc chiến chống dịch bệnh này có thể trở nên khó khăn hơn. Các chuyên gia cũng lo ngại, các biến thể mới có thể kháng các loại vắc xin và phương pháp điều trị hiện nay. Dẫn nghiên cứu mới nhất một chuyên gia cho biết vắc xin của hãng Pfizer có tác dụng vô hiệu hóa biến thể ở Anh, song đối với các biến thể ở Brazil và Nam Phi, vaccine này chỉ đạt hiệu quả 1/6.
Chính vì vậy, chống dịch trong tình hình mới, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa cao hơn nữa để bảo vệ bản thân và gia đình an toàn trước dịch bệnh. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc người dân mang virus mà không hay biết có mặt trong cộng đồng là rất nguy hiểm, bởi vô tình sẽ dẫn đến lây nhiễm với số ca trong cộng đồng và rất khó truy vết nhanh. Có nhiều trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng, khó phát hiện, dẫn đến công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ thêm khó khăn. Do đó, phía chính quyền các địa phương cần thông tin tuyên truyền để người dân biết, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời xử phạt nghiêm những người vi phạm công tác phòng, chống dịch. PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nêu rõ, những người đã qua cách ly tập trung cũng cần tiếp tục thực hiện quy định giám sát chặt chẽ tại địa phương trong các ngày tiếp theo. Trong thời gian cách ly tại địa phương, những người này phải hạn chế tiếp xúc với người chung quanh, hạn chế đến nơi đông người, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.
Bộ Y tế và Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam khuyến cáo, việc di chuyển, đều có nguy cơ nhiễm hoặc lây lan Covid-19. Do đó, khi đi công tác hoặc trên đường dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác, cần chủ động các biện pháp phòng ngừa: Luôn đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, hoặc dung dịch có cồn. Tránh dùng tay chạm trực tiếp lên mặt, nhất là mắt, mũi, miệng. Cố gắng giữ khoảng cách tối thiểu 2 m với người khác ở nơi công cộng, khi xếp hàng, khi thanh toán. Thường xuyên khử khuẩn các bề mặt hay tiếp xúc như điện thoại, chìa khóa, tay nắm cửa, công tắc đèn…
Chọn nhà hàng, quán ăn thực hiện các biện pháp phòng dịch như: đo thân nhiệt, nhân viên phục vụ đeo khẩu trang, vệ sinh khử khuẩn và giữ khoảng cách các bàn tối thiểu 2 m. Sát khuẩn tay bằng dung dịch có cồn khi vào nhà hàng, trước khi ăn, khi ra về và khi cần thiết. Tìm ngay sự trợ giúp của y tế nếu bản thân hoặc người thân có những triệu chứng như: sốt, ho, khó thở… Luôn thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tập trung) và liên hệ ngay với đường dây nóng 19009095 khi cần.