Gắn kinh tế với phát triển xã hội
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, tiếp tục nhận được sự hưởng ứng rộng rãi.
Câu hỏi Tổng Bí thư đặt ra: Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường XHCN? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam? Là những vấn đề then chốt của cách mạng Việt Nam, cũng là sự chọn lựa của đất nước ta, khởi đầu từ cách đây 91 năm khi Đảng ra đời (ngày 3/2/1930).
Theo PGS.TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, bài viết của Tổng Bí thư hàm chứa những vấn đề mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam kết hợp với tinh hoa, tiến bộ mới của nhân loại, do vậy mang tính thuyết phục cao. Trong đó, luận điểm “gắn kinh tế với xã hội” được Tổng Bí thư đề cập, được phân tích khi bàn về kinh tế thị trường định hướng XHCN là hết sức quan trọng. Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam có nhiều thuộc tính, trong đó một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Theo ông Phạm Văn Linh, quan điểm này thực sự nhất quán với chủ trương lấy con người làm trung tâm, mọi thành quả phát triển của đất nước cũng là vì con người, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ông Linh cho rằng, chúng ta không chờ đến khi kinh tế phát triển ở trình độ cao mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, và càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Mới đây, ngày 19/5, khi làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chính sách xã hội có vai trò rất quan trọng với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định và phát triển bền vững đất nước, quan điểm này đã được phổ biến, cụ thể hóa, thể chế hóa ngày càng hoàn thiện hơn. Thủ tướng đề nghị quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc quan điểm về chính sách xã hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, trong đó khẳng định phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Đây là nhiệm vụ lớn, phải thể chế hóa, cụ thể hóa, thực hiện bằng được tư tưởng rất quan trọng được đúc kết từ thực tiễn này.
Những năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, chúng ta từng bước xây dựng đất nước vững mạnh. Kinh tế phát triển đi đôi với những chính sách xã hội, những ưu đãi xã hội cho những đối tượng chính sách, nhóm đối tượng yếu thế. Chính vì thế, xã hội phát triển khá hài hòa, kể cả trong những lúc thiên tai, dịch bệnh thì cũng không ai bị bỏ lại phía sau. Đó là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, khi mà mỗi chính sách kinh tế đều hướng tới mục tiêu phát triển xã hội và mỗi chính sách xã hội phải tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Cũng chính vì thế mà xã hội ổn định, tạo được sự đồng thuận, đoàn kết trong mọi tầng lớp nhân dân.
Điều này được chứng minh hết sức rõ ràng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 suốt hơn một năm qua. Trong khi nguồn lực của đất nước còn hạn chế, Chính phủ vẫn dành 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, người nghèo. Mới đây nhất, ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP mua vaccine phòng Covid-19. Như vậy, trong quý 3 và 4, chúng ta sẽ có thêm 31 triệu liều vaccine của Pfizer. Đây là quyết tâm rất lớn của Chính phủ, chăm lo cho nhân dân, nhất là khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng.
Nhìn lại chặng đường 35 năm đổi mới, càng thấy mục tiêu chiến lược vừa phát triển kinh tế vừa bảo đảm công bằng xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm một cách sâu sắc. Trong 35 năm ấy, Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân 7%/năm. Quy mô kinh tế đứng thứ tư trong ASEAN. Tới nay thu nhập bình quân đầu người đạt 3.512 USD. Đáng chú ý, tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi (năm 2020). Tính tới năm 2000, chúng ta đã cơ bản hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2010 phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, đặc biệt là trong so sánh với các nước có cùng trình độ phát triển. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân luôn được Đảng, Nhà nước chăm lo. Bản sắc văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp được gìn giữ, phát huy…
Những thành tựu ấy là rất đáng trân trọng, tự hào. Tuy nhiên trong quá trình phát triển cũng sẽ nảy sinh những vấn đề mới, trong đó có việc khoảng cách giàu nghèo, bình đẳng xã hội. Không vì mục đích kinh tế mà “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội, đó chính là đường lối đúng đắn mà đất nước dày công theo đuổi, nay trong tình hình mới thì điều đó lại càng phải được vun đắp.