Xử lý rác thải y tế phát sinh do dịch Covid-19: Không để phát tán mầm bệnh ra môi trường
Hiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chủng virus mới và các biến chủng của SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm nhanh hơn. Bên cạnh công tác phòng chống dịch thì việc xử lý rác thải y tế từ các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Nguồn rác thải này sẽ được xử lý như thế nào để đảm bảo an toàn, không phát tán mầm bệnh ra môi trường?
Đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất
Bên cạnh việc chống dịch, chúng ta cũng đang phải vật lộn với vấn nạn khác, đó là rác thải y tế.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) Nguyễn Thượng Hiền, ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, Bộ TNMT đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và quản lý rác thải y tế lây nhiễm tại các cơ sở y tế.
Bộ cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, đề nghị, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, đặc biệt rác thải y tế lây nhiễm từ các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung, đảm bảo chất thải phải được xử lý an toàn.
Chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 phải được thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý tại các cơ sở y tế có trang thiết bị đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và hoạt động theo mô hình cụm cơ sở xử lý chất thải y tế tại địa phương (do UBND tỉnh, thành phố quyết định) hoặc các cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại và có chức năng xử lý chất thải y tế.
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ TNMT đã chủ động phối hợp với các địa phương để bám sát tình hình quản lý chất thải y tế và tiếp tục có các văn bản hướng dẫn thực hiện một số biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, các địa phương cần phải tăng cường tổ chức thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 theo đúng quy định về quản lý chất thải, đồng thời, ưu tiên xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương để đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý.
Đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế phải tích cực phối hợp, hỗ trợ việc xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương khác theo phạm vi hoạt động đã được cấp phép.
Khẩu trang y tế được thu gom, xử lý như thế nào?
Do tính chất của khẩu trang y tế là chỉ dùng một lần rồi bỏ nên trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, mỗi ngày có hàng triệu chiếc khẩu trang bị thải loại. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, các khẩu trang thải bỏ này còn là nơi phát sinh nguồn bệnh vì các loại siêu vi, vi khuẩn, nấm vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong lớp sợi của khẩu trang...
Vì vậy, Bộ TNMT đã có hướng dẫn về việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế và xử lý khẩu trang thải bỏ sau khi sử dụng để đảm bảo thực hiện đúng quy định về quản lý chất thải.
Theo đó, các cơ sở y tế và khu vực cách ly tập trung phải bố trí các điểm thu gom, lưu giữ khẩu trang y tế theo đúng quy định và hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế thăm, khám trước khi ra về phải thải bỏ vào các thiết bị lưu chứa chất thải y tế để xử lý đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và ngăn ngừa nguy cơ phát tán mầm bệnh.
Đồng thời, Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện một số biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, như chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải y tế lây nhiễm, nhất là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng thải bỏ tại các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân bị lây nhiễm, khu vực cách ly.
Tổ chức Y tế thế giới đã hướng dẫn, khẩu trang, găng tay phải được xử lý nghiêm ngặt như mọi loại rác thải y tế và tuyệt đối không tái chế khẩu trang bởi rủi ro dịch tễ rất cao. Một số quốc gia cũng khuyến nghị người dân khử trùng khẩu trang đã sử dụng bằng cồn trên 70 độ hoặc xà phòng trước khi vứt bỏ hoặc tái sử dụng. Thiết nghĩ, bên cạnh việc xử lý rác thải y tế theo đúng quy định của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và đảm bảo mầm bệnh không phát tán ra môi trường. Bởi những chiếc khẩu trang bị vứt lăn lóc bên đường hoàn toàn có thể là một nguồn lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Thực hiện một số biện pháp trong quản lý chất thải y tế
Chiều 21/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện một số biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19.
Trong đó nhấn mạnh: UBND các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà và các khu vực cách ly khác) tại địa phương khẩn trương xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, và xử lý chất thải, đặc biệt đối với chất thải y tế tại các khu vực nêu trên của địa phương để phù hợp với việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19.
Tăng cường việc tổ chức thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tại địa phương để đảm bảo thực hiện quy định.
Trong đó, ưu tiên xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý.
Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại các địa phương khác để hỗ trợ xử lý chất thải y tế trong trường hợp địa phương không đảm bảo năng lực xử lý chất thải y tế hoặc không đủ hạ tầng xử lý chất thải y tế…