Bắc Giang: Vững vàng chống dịch, sẵn sàng cho ngày bầu cử

Anh Minh 23/05/2021 06:51

Đó là khẳng định của ông Trần Công Thắng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang với Đại Đoàn Kết Online về công tác chuẩn bị cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang Trần Công Thắng.

PV: Xin ông cho biết về tình hình (số lượng đại biểu và quá trình tiến hành) của bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của tỉnh Bắc Giang?

- Xác định rõ nhiệm vụ công tác Mặt trận Tổ quốc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp năm 2021; Ban Thường Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện; đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận các cấp từ huyện đến cơ sở và Ban công tác Mặt trận khu dân cư. Trong đó tập trung vào nội dung hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Để đảm bảo về cơ cấu, số lượng, thành phần, nâng cao chất lượng của đại biểu trong nhiệm kỳ này, ngay từ đầu, việc cơ cấu, giới thiệu người ứng cử đều đảm bảo về số lượng và các tỷ lệ về đại biểu là nữ, đại biểu trẻ tuổi, ngoài đảng, dân tộc, đặc biệt là về chất lượng người ứng cử. Quy trình hiệp thương được tổ chức thực hiện chặt chẽ, dân chủ, từ hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đến hội nghị hiệp thương lần thứ ba.

Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban MTTQ tỉnh đã hiệp thương tỉnh giới thiệu 18 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (số dư: 2,0 lần). Sau khi thống nhất với Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã hiệp thương giới thiệu 10.495 người ứng cử đại biểu HĐND các cấp.

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã hiệp thương lập danh sách sơ bộ 13 người ứng đại biểu Quốc hội khóa XV và 10.277 người ứng cử đại biểu HĐND các cấp.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba đã hiệp thương lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, gồm 11 người (không bao gồm đại biểu do Trung ương giới thiệu) và 9.315 người ứng cử đại biểu HĐND các cấp.

Ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị hướng dẫn MTTQ các cấp tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác đối với người giới thiệu ứng cử. Đáng chú ý, trong quy trình giới thiệu người ứng cử nhiệm kỳ này là nếu người được dự kiến giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi cư trú, thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người khác.

Do đó, hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác đối với người giới thiệu ứng cử đã được chỉ đạo tổ chức nghiêm túc, dân chủ, kịp thời, quán triệt để cử tri hiểu, nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giới thiệu người ứng cử.

Đến thời điểm này, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử cơ bản được thực hiện xong, MTTQ các cấp đã chủ trì phối hợp tổ chức trên 700 cuộc tiếp xúc cử tri với người ứng cử, với trên 10.000 lượt cử tri dự. Do tình hình dịch bệnh bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh hiện nay diễn biến phức tạp, đặc biệt sau khi phát hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo MTTQ các cấp ngoài việc tổ chức hội nghị và truyền thanh trực tiếp, để thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch, ở những địa phương diễn biến dịch phức tạp sẽ biên tập hoặc thu thanh trực tiếp chương trình của đại biểu phát thường xuyên trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở cho cử tri các đơn vị người ứng cử được biết.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ cùng Ủy ban bầu cử tỉnh và các cấp phối hợp thực hiện tốt các biện pháp để đảm bảo cho cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn và thành công.

Thưa ông, kết thúc quy trình của 3 vòng hiệp thương, ông đánh giá như thế nào về chất lượng nhân sự được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của tỉnh Bắc Giang?

- Với quan điểm không vì cơ cấu, thành phần mà bỏ qua chất lượng đại biểu, tỉnh Bắc Giang đã tích cực triển khai quy trình các bước chặt chẽ, khách quan, minh bạch, để lựa chọn được người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Qua ba lần hiệp thương Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, gồm 11 người (không bao gồm đại biểu do Trung ương giới thiệu) và 9.315 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Những người được lựa chọn ứng cử là người có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, sức khỏe, uy tín để đảm nhiệm vai trò của người đại biểu dân cử; có mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân, được người dân tín nhiệm, tin yêu.

Không giới thiệu, đưa vào danh sách ứng cử những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan tổ chức để xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết, những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề chính trị chưa được kết luận; cương quyết không để lọt những người không xứng đáng, chạy chức, chạy quyền tham gia HĐND các cấp.

Đáng chú ý là những người được giới thiệu tham gia ứng cử trong nhiệm kỳ này đều có trình độ cao: Số người ứng cử đại biểu Quốc hội có trình độ đại học và trên đại học là 80%; số người ứng cử đại biểu HĐND có trình độ đại học và trên đại học là 75%. Ngoài ra, công tác giới thiệu những người tham gia ứng cử còn đảm bảo các cơ cấu kết hợp.

Trong số 11 người ứng cử địa biểu Quốc hội: Đại biểu nữ có 5 người (45,4 %); đại biểu dân tộc thiểu số: 2 người (18,1 %); đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 4 người (36,3 %); đại biểu người ngoài đảng: 2 người (18,1%). Trong số 9.315 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND các cấp: Đại biểu là nữ: 3.460 người (37,1%); đại biểu người dân tộc thiểu số: 1.383 người (14,8%); đại biểu trẻ tuổi: 2.888 người (31%); đại biểu ngoài Đảng: 3.212 người (34,4%); đại biểu tái cử: 3.369 người (52,3%).

- Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bắc Giang là một trong số những tỉnh thành có ca nhiễm cao so với cả nước, ông nhận định như thế nào về tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang và với số lượng đại biểu như thế thì MTTQ có kế hoạch và chương trình như thế nào để đảm bảo vừa tổ chức bầu cử thành công, vừa chống dịch hiệu quả?

- Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương trong tỉnh, để bảo đảm an toàn cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Bắc Giang, nhiệm kỳ 2021- 2026, tỉnh đã xây dựng nhiều phương án để đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra an toàn tuyệt đối. Trước mắt, yêu cầu thủ trưởng các sở, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai nâng mức bảo đảm công tác y tế phục vụ bầu cử.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã có Hướng dẫn số 34/HD-MTTQ-BTT ngày 05//2021 về việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Ủy ban bầu cử tỉnh đã ban hành nhiều văn bản thực hiện công tác bầu cử trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó tập trung vào các nội dung sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyềnthông với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, nhất là tuần lễ sát ngày bầu cử, tăng cường tuyên truyền trực quan (pano, khẩu hiệu, băng rôn, cờ...) tạo không khí phấn khởi, thể hiện tinh thần ý nghĩa của đợt sinh hoạt chính trị đặcbiệt quan trọng, ngày hội của toàn dân để người dân tích cực tham gia bầu cử.

Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và y tế, nhất là tại địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, thiết lập vùng cách ly y tế, địa phương thiết lập vùng cách ly y tế, thực hiện giãn cách xã hội; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống thiên tai, cháy nổ. Nếu có điều kiện thì tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho ứng viên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, thành viên các tổ chức bầu cử.

Xây dựng phương án, kịch bản bầu cử trong điều kiện có dịch, đảm bảomọi cử tri đều được tham gia bỏ phiếu (bao gồm cả các trường hợp đang cách lyhoặc trong khu vực phong tỏa, giãn cách). Thực hiện chế độ báo cáo trong ngàybầu cử và nộp biên bản kết quả bầu cử theo hướng dẫn của Ủy ban bầu cử tỉnh.

Chỉ đạo UBND cấp xã và các Tổ bầu cử: Thường xuyên cập nhật, nắm bắt, theo dõi tình hình cử tri trong danh sách và tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện bỏ phiếu đối với cử tri phải thực hiện cách ly y tế (tập trung hoặc tại nhà) của khu vực bỏ phiếu. Bố trí, trang trí địa điểm bầu cử phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 để ngày bầu cử thực sự vui tươi, dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thành công tốt đẹp.

Kịp thời kiện toàn thành viên Tổ bầu cử trong trường hợp thành viên Tổ bầu cử phải cách ly y tế. Yêu cầu tất cả cá nhân có mặt tại địa điểm bỏ phiếu phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế".

Thường xuyên nắm bắt tình hình cử tri tại khu vực bỏ phiếu, đặc biệt là cử tri đang cách ly y tế, đến ngày bầu cử, tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến cơ sở cách ly tập trung hoặc nơi ở, nơi lưu trú của cử tri đang được cách ly tại nhà hoặc địa điểm thuận tiện khác để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bỏ phiếu; kiểm tra các phương tiện chuẩn bị bầu cử như: con dấu của Tổ bầu cử, dấu “Đã bỏ phiếu”, hòm phiếu, phiếu bầu cử, biển bàn, trang trí phòng bỏ phiếu, các loại biên bản phục vụ công tác tổng hợp bầu cử; phương tiện bảo hộ phòng, chống dịch....

Anh Minh