Làm gì để dịch vụ xe đạp công cộng thực sự hữu ích?
Mới đây, TP HCM đã đồng ý triển khai thí điểm xe đạp công cộng Mobike trên địa bàn quận 1, với kỳ vọng giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và tăng tính kết nối.
Tuy nhiên, để làm được điều đó không dễ vì có thể dẫn chứng việc nhiều năm trước Hà Nội cũng đã từng thất bại với mô hình này vì chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng.
Ứng dụng công nghệ vào xe đạp công cộng
UBND TP HCM đã có kết luận về đề xuất triển khai thí điểm xe đạp công cộng Mobike trên địa bàn quận 1. Dự án sẽ do Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (Công ty Trí Nam) là nhà đầu tư triển khai thí điểm đầu tư 388 xe bố trí ở 43 vị trí tại khu vực quận 1 và dọc dự án tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt trên đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu (quận 3).
Theo Sở GTVT TP HCM, thành phố hiện có 22 điểm đen về ùn tắc giao thông, nhất là vào những khung giờ cao điểm. Lượng phương tiện cá nhân tăng cao gây áp lực về giao thông đồng thời dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Góp phần giải quyết bài toán này, Sở GTVT đã đề xuất thí điểm mô hình xe đạp công cộng Mobike.
Theo ông Dương Đình Trung - Tập đoàn Trí Nam, mô hình được triển khai nhằm mục đích chính là giảm kẹt xe và giảm phương tiện cá nhân, tăng cường dịch vụ công cộng, tăng tính kết nối với xe bus rồi metro sau này.
Có thể nói, mô hình xe đạp công cộng có lẽ là rất hữu ích trong việc giải bài toán kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên nhớ lại thời điểm 7 năm trước, mô hình này đã thất bại bởi chưa đáp ứng được hai từ “thuận tiện” khi triển khai tại Hà Nội. Để tránh đi vào “vết xe đổ” của Hà Nội, Sở GTVT TP HCM cho hay, sẽ triển khai ứng dụng công nghệ trong mô hình này, nhằm tạo sự thuận tiện nhất cho người dân.
“Về lâu dài sẽ phải nghiên cứu đến việc thiết kế phần đường dành riêng cho xe đạp để lưu thông. Cái thứ hai là ứng dụng khoa học công nghệ để làm sao có kết hợp tích hợp giữa phần mềm người đi xe đạp với phần mềm của người đi xe bus rồi metro và trung tâm giao thông công cộng mà chúng ta quản lý để cảnh báo sớm vị trí ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc giao thông để cho người dùng được thuận tiện hơn”- lãnh đạo Sở GTVT cho biết.
Nhiều băn khoăn
Với mục tiêu tới năm 2030 Hà Nội và TP HCM sẽ trở thành 2 thành phố văn minh, hiện đại, hết ùn tắc giao thông. Do đó, dù chưa thể thay thế xe máy, nhưng giới chuyên gia nhận định, xe đạp công cộng có thể được xem là phương tiện nền tảng hữu ích để thúc đẩy phát triển “giao thông xanh”.
Nhưng phải làm như thế nào để xây dựng được một văn hoá đi xe đạp và người dân thấy được xe đạp là phương tiện hữu ích? Bởi với việc thí điểm xe đạp công cộng của TP HCM, theo cách nhìn của PGS.TS Phạm Văn Hùng - Viện KHCN GTVT phía Nam: Nếu dự án không sử dụng ngân sách thành phố, hoàn toàn do doanh nghiệp tư nhân triển khai thì có thể thí điểm ở quy mô nhỏ, nếu thất bại sẽ rút kinh nghiệm để triển khai cho các giai đoạn sau.
Tuy nhiên cần nghiên cứu trường hợp số lượng xe đạp sẽ làm tăng rối loạn giữa các dòng xe, tăng nguy cơ kẹt xe, nguy cơ tai nạn giao thông trên địa bàn TP HCM. Bởi hiện trạng các phương tiện đang lưu thông theo quy luật dòng xe chảy rối. Ô tô, xe máy chen chúc, rối loạn, kẹt xe liên miên.
“Hiện TP HCM chưa có làn đường riêng cho xe đạp, nghĩa là một lượng lớn loại phương tiện này sẽ hòa vào làn xe máy đang quá tải, rối loạn, càng làm tăng độ phức tạp, gây ùn tắc, kẹt xe, tai nạn giao thông” - ông Hùng băn khoăn.
Ở một góc nhìn khác, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông Việt Đức cho hay, dịch vụ xe đạp công cộng là mô hình phù hợp trong xu thế giao thông hiện nay. Nhưng để dịch vụ này thực sự hữu ích, bên cạnh chất lượng dịch vụ thì cũng rất cần đến chính sách hỗ trợ từ phía chính quyền.
Ngoài ra, cũng cần có một cái nhìn cụ thể về vai trò của xe đạp công cộng trong chiến lược phát triển giao thông công cộng của thành phố, để các loại hình này có thể cùng tương hỗ phát triển. “Nếu như chúng ta chỉ dừng lại ở mức thí điểm mà không có sự hỗ trợ của thành phố thì khả năng thành công không cao, không được gắn vào một chính sách phát triển chung thì sẽ dễ bị chết yểu” - theo ông Tuấn.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần cân đối cung cầu. Khuyến khích người dân đi xe đạp là định hướng khó khăn nhưng đúng đắn trong việc phát triển đô thị bền vững trong tương lai. Việc phát triển xe đạp công cộng không kiểm soát về số lượng, bảo trì, bảo quản, nơi đỗ xe, làn đường dành riêng cho người sử dụng, ý thức bảo quản xe là thách thức đối với quản lý đô thị. Và quan trọng vẫn là phải bắt đầu từ ý thức của người dân để xây dựng được văn hóa đi bộ và đạp xe...
Kinh nghiệm của các nước
Nhìn sang kinh nghiệm vận động người dân sử dụng xe đạp của các nước có thể thấy: với nước Pháp trong các hoạt động, xe đạp đứng thứ hai trong các hoạt động thể chất của người Pháp, sau đi bộ. Để làm được việc này, Pháp đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế phương tiện tham gia giao thông là xe máy và ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải.
Đồng thời, đặt tới 55.000 trạm xe đạp tự do ở khắp 42 thành phố; khuyến khích và tạo sự hỗ trợ tối đa nhất cho người dân di chuyển bằng xe đạp, kể cả người già và trẻ em. Đến nay, xe đạp là mắt xích cuối cùng của chuỗi di chuyển đa phương tiện (tàu - ô tô - tàu điện ngầm) của người dân.
Còn tại Hà Lan xe đạp nhiều hơn cả dân số, với 22 triệu xe đạp trên 17 triệu dân. Trong đó, 25% dân số đi xe đạp hàng ngày, nếu tính riêng thành thị thì con số này là 50% và mỗi người Hà Lan hàng năm đi trung bình 1.000 km bằng xe đạp. Tuy nhiên, những con số ấn tượng này không phải đạt được một cách tự nhiên.
Trước sự gia tăng phương tiện ô tô từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, đi kèm với đó là khủng hoảng dầu mỏ, Chính phủ Hà Lan đã tích cực đầu tư hạ tầng cho việc sử dụng xe đạp, thay đổi quan điểm của người dân để họ dùng xe đạp nhiều hơn ngay từ những năm 70.
Để thúc đẩy việc sử dụng xe đạp, Hà Lan đã phát triển hệ thống chỗ đỗ xe đạp và dành quyền ưu tiên cho xe đạp trên cả ô tô, xe máy, tạo ra hạ tầng cho xe đạp giống như cho ô tô. Cùng với đó, Hà Lan cũng đẩy mạnh việc truyền thông, giảng dạy về lợi ích từ thói quen đi xe đạp cho học sinh ngay từ cấp trung học, khuyến khích người dân sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động để quản lý việc đi xe đạp. Từ những thông số này, Chính phủ tính toán được quy hoạch cần thiết về hạ tầng để tốt nhất cho người đi xe đạp.
Ở Trung Quốc, mô hình chia sẻ xe đạp đã có thời được coi là cơ hội để khẳng định vị thế dẫn đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu của quốc gia tỷ dân bởi sự gọn nhẹ và thân thiện với môi trường. Nhằm tiết kiệm năng lượng, hạn chế ô nhiễm, chính quyền Thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng hướng đến mục tiêu xây dựng một mạng lưới xe đạp trên quy mô toàn quốc đến năm 2030.