Giá thép tăng phi mã, lộ những yếu kém của ngành
Giá thép hiện đang tăng chóng mặt, dự báo có thể kéo dài đến quý III năm nay. Ngoài tác động bởi yếu tố khách quan thì những bất cập trong ngành thép nội địa ngày càng lộ rõ khi phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và đối mặt với những yếu tố rủi ro.
Ông Trần Văn Long, giám đốc một doanh nghiệp (DN) thương mại và đầu tư xây dựng ở tỉnh Bình Dương cho biết, với tình hình giá thép đang tăng phi mã như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến công nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ, bởi thép là nguyên liệu rất quan trọng trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cung cấp cho các công trình. Theo ông Long, việc giá mặt hàng thép xây dựng trong nước tăng mạnh lên đến 45% - 50% sẽ có nhiều tác động đến giá cả chung của các nguyên vật liệu phụ trợ cho xây dựng trong thời gian tới.
Ghi nhận tại một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, với tình hình giá thép xây dựng tăng cao có thể dẫn đến chậm tiến độ thực hiện công trình, dự án đầu tư công với điều khoản hợp đồng có ràng buộc về giá. Điều này khiến cho nhà thầu phải chịu lỗ để chạy theo tiến độ, hoặc phải chịu phạt nặng và nhiều hệ luỵ phát sinh nếu chậm trễ thi công để chờ giá thép giảm xuống.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có công văn gửi các DN thành viên khuyến nghị tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
“Các DN cần tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước; tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước. Các DN đề xuất các giải pháp (nếu có) phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành”- công văn của VSA nêu.
Vào tháng 4/2021, VSA cho biết nhiều dự báo đang điều chỉnh về thời gian giá thép có thể tăng hết quý III/2021 (trước đó, dự báo chỉ tăng tối đa là hết quý II/2021) khi nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và một số thị trường lớn khác.
Theo giới phân tích, thị trường thép ở Việt Nam trong năm nay sẽ đối mặt với rủi ro về biến động giá quặng sắt. Ngành thép và tôn mạ có rủi ro lớn do chi phí nguyên liệu chiếm 65% - 75% giá thành sản xuất. Đặc biệt trong ngành tôn mạ, giá thép cuộn cán nóng HRC chiếm hơn 80% chi phí nguyên liệu đầu vào. Mặt khác, rủi ro từ dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới việc phục hồi toàn bộ ngành thép và tôn mạ cũng như sản lượng khai thác.
Không những vậy, rủi ro về thị trường xuất khẩu cũng là một nỗi lo. Ngành thép hiện nay xuất khẩu rất nhiều sang các nước như Trung Quốc, EU, Mỹ... Vì vậy, vẫn tồn tại rủi ro rất lớn về việc chính sách thuế quan sẽ thay đổi trong bối cảnh chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra giữa Trung Quốc và một số nước.
Trong khi đó, các DN sản xuất thép trong nước và thị trường thép được cho là đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao từ đầu năm đến nay.
Trước câu chuyện giá thép tăng phi mã như hiện nay, cần phải thấy sự phát triển chênh lệch “chỗ thừa, chỗ thiếu” trong ngành thép Việt Nam cần tiếp tục được điều chỉnh. Chẳng hạn với thép xây dựng. Nhiều năm trước, khi nhu cầu thép cho ngành xây dựng và bất động sản tăng cao, rất nhiều nhà máy luyện thép tăng cường mở rộng công suất hoặc lập các dự án sản xuất mới, mà chủ yếu là tập trung vào phân khúc thép xây dựng.
Điều đáng nói, riêng với việc tăng giá thép xây dựng hiện nay, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite…
Trên thực tế, phân khúc thép xây dựng của Việt Nam so với thế giới chỉ được xếp vào phân khúc cấp thấp và giá rẻ. Các DN thép định vị phân khúc này chỉ có thể “chơi” trên sân nhà, nhưng lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên khi giá nguyên liệu tăng cao thì giá thành sản xuất trong nước cũng phải tăng theo.
Không những vậy, ngoại trừ một vài DN nổi trội có khả năng xuất khẩu thép xây dựng, đa phần DN nội địa với phân khúc cấp thấp và rẻ này rất khó để có thể xuất khẩu được sang những nước phát triển có tiêu chuẩn thép xây dựng cao cấp hơn.
Ngược lại, nếu các DN sản xuất thép xây dựng chuyển hướng sang sản xuất thép chất lượng cao hơn để đẩy mạnh xuất khẩu thì buộc phải tăng giá thành sản phẩm lên cao hơn nữa, trong khi điều này lại đưa đến kết quả là không thể cạnh tranh được với thép của các công ty thép hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, ngay khi các DN chỉ chọn “chơi” với thép xây dựng cấp thấp trong nước thì cũng chưa hẳn đã yên ổn với thép nhập khẩu từ Trung Quốc - nước cũng có phân khúc thép cấp thấp như Việt Nam, song lại có khả năng cạnh tranh về giá cao hơn.