‘Đi đường’ chính ngạch, hạn chế rủi ro

An Bình 24/05/2021 07:00

Ngày 19/5, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia đã có văn bản gửi chính quyền các tỉnh biên giới của Campuchia, trong đó nhận định dịch tả lợn châu Phi (AFS) hiện đang bùng phát tại các nước châu Á. Để ngăn chặn dịch AFS lây lan từ các nơi vào Campuchia, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia đã đề nghị chính quyền các tỉnh biên giới của Campuchia ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép lợn sống, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào Campuchia.

Xuất khẩu qua đường chính ngạch là cần thiết và giảm thiểu rủi ro.

Trước tình hình trên, dự báo trong thời gian tới, phía Campuchia sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch đối với lợn sống, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trên tuyến biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Cùng với đó, cơ quan chức năng Campuchia sẽ siết chặt công tác kiểm dịch đối với thịt lợn, sản phẩm thịt lợn nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ với Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) khuyến cáo các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu lợn sống, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trên tuyến biên giới với Campuchia cần lưu ý xuất khẩu theo đường chính ngạch, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và chuẩn bị đầy đủ giấy phép kiểm dịch động vật. Theo Bộ Công thương, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Campuchia vào khoảng 7.000 - 8.000 con/ngày (1 con 60 kg). Trong khi đó, nguồn cung trong nước này có thể đáp ứng 6.000 con/ngày, như vậy số lượng cần nhập khẩu là khoảng hơn 1.000 con/ngày.

Được biết, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tư thương Campuchia nhập khẩu lợn sống chủ yếu từ các nước láng giềng như Việt Nam và Thái Lan theo hình thức tiểu ngạch nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, và tránh phải xin các giấy chứng nhận kiểm dịch theo yêu cầu của cơ quan chức năng hai nước.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh AFS diễn biến phức tạp, phía cơ quan quản lý nhấn mạnh, cần hạn chế việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu những rủi ro có thể gây ra khi xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.

Trên thực tế, việc hạn chế xuất khẩu qua đường tiểu ngạch tại các đường biên giới đã được nhà quản lý khuyến cáo từ lâu. Tại thị trường Trung Quốc, nơi nhập khẩu nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam, với sản lượng lớn hàng năm, thời gian qua cũng đã siết chặt việc nhập khẩu hàng hóa qua đường tiểu ngạch.

Bởi vậy, việc nhà quản lý khuyến cáo hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch, tăng xuất khẩu qua đường chính ngạch không chỉ đối với sản phẩm thịt lợn, mà với tất cả các sản phẩm nông sản khác là rất cần thiết. Động thái này không chỉ giảm thiểu các rủi ro cho hàng hóa xuất khẩu của chúng ta mà còn tạo động lực để các sản phẩm nông sản Việt Nam chú trọng hơn đến các yếu tố về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

An Bình