Nạn kỳ thị như một liều thuốc độc
Ngày 20/5, phát biểu tại Nhà Trắng trước khi đặt bút ký vào Đạo luật về tội ác thù hận Covid-19, Tổng thống Mỹ Biden cho biết “nạn kỳ thị như một liều thuốc độc. Trong năm qua, đã có nhiều người Mỹ gốc Á mỗi ngày thức dậy đều lo sợ về sự an toàn của mình, ngay cả việc chỉ mở cửa và đi xuống phố”, ông Biden nói.
Đạo luật mới này của nước Mỹ không chỉ lên án các hành vi phân biệt đối xử, mà còn quy định thành lập một đơn vị mới tại Bộ Tư pháp để xem xét các đánh giá về nguy cơ hành vi tội ác đối với người gốc Á. Đạo luật cũng yêu cầu cung cấp nguồn tài trợ cho các bang lập đường dây nóng, đào tạo cơ quan thực thi pháp luật về cách ngăn chặn và xác định tội phạm thù hận.
“Chúng ta cần đoàn kết như một dân tộc, một quốc gia, một nước Mỹ. Sự căm ghét không có chỗ ở Mỹ”, ông Biden kêu gọi người Mỹ cùng lên tiếng, bởi “mỗi lần chúng ta im lặng là mỗi lần chúng ta để cho lòng căm thù nảy nở”.
Đạo luật thông qua với đa số ủng hộ
Theo Tổ chức Stop AAPI Hate, kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 vào tháng 3/2020 tới thời điểm cuối tháng 3/2021, đã có gần 7.000 vụ thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á và gần 2/3 trong số đó nhắm đến phụ nữ. Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến, và vi phạm quyền công dân.
Trước khi Tổng thống Mỹ đặt bút ký, thì trước đó, ngày 18/5, các nhà lập pháp nước này đã thông qua đạo luật chống tội ác thù hận nhằm vào người gốc Á. Hãng tin Pháp AFP cho biết, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật với số phiếu ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng là 364 phiếu thuận trên 62 phiếu chống.
Dự luật này do Hạ nghị sĩ Dân chủ bang New York Grace Meng và Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Hawaii, Mazie Hirono, đồng bảo trợ. Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật nói trên với số phiếu ủng hộ áp đảo, 94 phiếu thuận và chỉ có duy nhất 1 phiếu chống của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley.
Đây là một trong những dự luật hiếm hoi nhận được sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Phát biểu sau khi dự luật được thông qua, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Charles Schumer, nói: “Giờ là thời điểm để chúng ta đứng lên chống lại các tội ác nhằm và người gốc Á”.
Thượng nghị sĩ Hirono đánh giá việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật, có tên chính thức là Luật tội ác Covid-19, phát đi một thông điệp rõ ràng và không thể nhầm lẫn về tình đoàn kết với cộng đồng người Mỹ gốc Á và người dân đảo Thái Bình Dương.
Dự luật được thông qua và được Tổng thống Mỹ chính thức ký, ban hành trong bối cảnh gia tăng đáng báo động số vụ tấn công và hành hung người Mỹ gốc Á, đặt biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo NBC News, các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các cá nhân người Mỹ gốc Á đã tăng gần 160% vào năm 2020 ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Los Angeles và New York, những nơi có đông người gốc Á sinh sống. Giữa tháng 3 vừa qua, 8 người trong đó có 6 người là phụ nữ gốc Á đã bị bắn chết trong 3 vụ tấn công tại các tiệm chăm sóc sắc đẹp ở thành phố Atlanta (bang Georgia).
Theo bà Nancy Lelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, đạo luật này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ xem xét các tội ác thù hận chống lại người Mỹ gốc Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương (AAPI), giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này. Đồng thời, đạo luật sẽ cung cấp hướng dẫn cho chính quyền các bang và địa phương về cách chống lại tội ác thù ghét.
“Phân biệt đối xử và bạo lực đối với người gốc Á và AAPI, các doanh nghiệp của họ bị phá hoại. Trẻ em và người già không dám ra đường. Đó là những điều không thể chấp nhận”, bà Pelosi nói.
Đóng góp của cộng đồng người gốc Á cho nước Mỹ
Nhiều người Mỹ gốc Á đã xem Đạo luật về tội ác thù hận Covid-19, như một khởi đầu mới dành cho họ. Đạo luật không chỉ mang tính biểu tượng mà rất thực tế. Bộ Tư pháp Mỹ sẽ có cơ sở để thúc đẩy điều tra những vụ tấn công người gốc Á. Đạo luật cũng sẽ hỗ trợ các tiểu bang trong việc kiểm soát những vụ án và vấn đề liên quan đến việc kỳ thị người gốc Á.
Tuy nhiên, theo tờ Guardian (Anh), cũng có nhiều người phản đối đạo luật chống thù hận người gốc Á, vì cho rằng thay vì ban hành luật phòng chống tội phạm thù ghét thì chính quyền nên tập trung vào cộng đồng như đầu tư cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, xây dựng ngân hàng thực phẩm và nhiều phúc lợi khác để giải quyết sự bất bình đẳng trong xã hội.
Kể từ năm 1992, Tháng 5 hàng năm được công nhận là tháng Di sản người Mỹ châu Á - Thái Bình Dương (Asian/Pacific American Heritage) nhằm ghi nhận sự phát triển và đóng góp của cộng đồng gốc Á tại Mỹ. Kể từ những thế hệ di dân đầu tiên như những nhân công làm đường xe lửa, phu hầm mỏ, thợ đào vàng... vào giữa thế kỷ 19, cộng đồng gốc Á là một trong những cộng đồng thiểu số phát triển liên tục và đóng góp khá lớn vào sự phát triển chung của nước Mỹ.
Hiện có khoảng 22 triệu người gốc châu Á - Thái Bình Dương đang sinh sống tại Mỹ, chiếm khoảng trên 6% dân số nước này. Tiểu bang California có đông người gốc Á nhất, với khoảng 6,7 triệu người, theo sau là các tiểu bang New York là 1,8 triệu người và Texas vào khoảng 1,6 triệu người.
Thu nhập trung bình mỗi gia đình người gốc Á cao hơn người Mỹ, với mức 81.331 USD/năm (trên 50% số gia đình có trên mức thu nhập này). Thu nhập trung bình gia đình tại Mỹ tính chung các sắc dân là 63.179. Có 24% gia đình gốc Á có thu nhập từ 150.000 trở lên so với 6,1% của cộng đồng Mỹ gốc Phi và 7,3 % của cộng đồng Mỹ La-tinh.
Đáng chú ý, cộng đồng người Mỹ gốc Á có học vấn cao nhất tại Mỹ, khi có đến 57,7% những người trên 25 tuổi có trình độ đại học hoặc cao hơn, trong khi tỉ lệ chung của cả nước Mỹ là 36%. Cùng đó, ở trình độ sau đại học với các bằng cấp cao học, tiến sĩ thì người gốc Á có tỉ lệ 24,6% với người trên 25 tuổi, so với tỉ lệ chung là 13,5% của nước Mỹ.
Trình độ học vấn cao của người Mỹ gốc Á đã đưa đến mức thu nhập cao hơn các sắc dân khác. Điều đáng chú ý là người Mỹ gốc Á làm việc trong ngành y tế với tỉ lệ khá cao: cứ 5 bác sĩ tại Mỹ thì có 1 người gốc Á.
“Cộng đồng gốc Á đóng góp rất nhiều cho nước Mỹ. Vì thế, không thể có bất cứ lý do gì kỳ thị, hay ngược đãi họ”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi nói.