Tạo dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế
Theo khẳng định của chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS Nguyễn Đình Cung, thời gian này nên tập trung chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ các trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên những dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Không hỗ trợ chung chung
Có thể nói DN trong nhiều ngành, lĩnh vực như: du lịch, dịch vụ, thương mại… rơi vào trạng thái bấp bênh, đình đốn và họ đang hy vọng nhiều về các gói hỗ trợ mới…
Tuy nhiên, theo quan điểm của không ít chuyên gia kinh tế, đã đến lúc cần có giải pháp dài hơi hơn, với mục tiêu hỗ trợ DN phục hồi, phát triển. Không thể tiếp tục cách thức hỗ trợ thanh khoản cho DN như lần đầu tiên phải gánh chịu những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19
Bởi theo các chuyên gia, dù các DN vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn, nhiều DN đã phải ngừng hoạt động, cho lao động nghỉ việc… nhưng sau một năm chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, tình hình DN rất khác. Nhiều DN đã không thể trụ được, phải giảm số lao động, thậm chí đã đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác.
Thực tế buộc các DN phải thay đổi, cơ cấu lại hoạt động, chiến lược kinh doanh, bộ máy tổ chức… Và người lao động cũng vậy, cũng không ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc như năm ngoái, vì họ đã thấy tình thế, phải tìm kiếm việc làm mới. Trong tình hình như vậy, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ DN cũng cần phải thay đổi.
Giữ quan điểm, thay vì hỗ trợ thanh khoản cho DN chúng ta cần có những giải pháp hỗ trợ để DN phục hồi, phát triển, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất; Thứ nhất, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư.
Để làm được việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có vai trò lớn trong việc rà soát, đề xuất các giải pháp mới phù hợp. Cần xem lại các ngành nghề kinh doanh đang được khuyến khích đầu tư, như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới… có vướng mắc gì trong thực thi chính sách không, có cần thêm chính sách khuyến khích gì không… để có phương án trình Chính phủ, trình Quốc hội bổ sung.
Mục tiêu là thúc đẩy tối đa các hoạt động đầu tư này để tạo năng lực mới cho nền kinh tế, tạo ra động lực chuyển đổi cơ cấu theo mục tiêu mà nền kinh tế đang cần. Các nút thắt trong thủ tục đầu tư cũng phải được gỡ quyết liệt.
Thứ hai, đây chưa phải là lúc khuyến khích đầu tư, kinh doanh ở vùng sâu, vùng xa. Nên tập trung chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ các trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Đây sẽ là nơi cần hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng vào thời điểm này, khi các doanh nghiệp được đặt trong bối cảnh phải cơ cấu lại, xem xét lại chiến lược kinh doanh. Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên những dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, chứ không phải là hỗ trợ chung chung.
Thứ ba, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN vẫn phải đặt ưu tiên và cần có giải pháp quyết liệt trong hành động. Việc này có thể làm được ngay, có tác động trực tiếp ngay, nếu thực sự hành động. Cụ thể, cần hỗ trợ các kế hoạch kinh doanh, đầu tư hiện hữu, khả thi của DN, hỗ trợ phần cung, chứ không đơn thuần là hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ cầu như các gói chính sách năm ngoái. Nếu có gói chính sách hỗ trợ DN vượt qua ảnh hưởng của Covid-19, thì mục tiêu là hỗ trợ phục hồi, chứ không hỗ trợ cầm cự
Chủ động xây dựng các gói hỗ trợ
Giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã làm được nhiều kỳ tích trong năm 2020, và muốn phát huy tốt nội lực trong bối cảnh dịch bệnh thì phải chủ động xây dựng các gói hỗ trợ, Chính phủ phải đi trước trong xây dựng các kịch bản. Tiếp đó phải tiếp cận theo nhóm đối tượng.
Ông Phan Đức Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ, nếu không chú ý đến khía cạnh này, có thể dẫn đến tình trạng chúng ta bị trục lợi chính sách. Tôi lấy ví dụ, có những DN, ngay cả khi chúng ta có hỗ trợ thì họ vẫn không thể tồn tại được, vẫn rút lui khỏi thị trường. Do vậy, nguồn lực của Chính phủ sẽ bị lãng phí, phải ưu tiên hỗ trợ những DN có khả năng phục hồi, phải phân loại đối tượng theo quy mô, theo ngành nghề, theo khả năng chống dịch...
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, ông Nguyễn Xuân Phú nói nên chia nhóm DN để xây dựng các gói hỗ trợ.
Nhóm DN lớn chiếm 80% nguồn thu ngân sách thì lại cần hỗ trợ kiểu khác như mở cửa thị trường, hỗ trợ họ đón các đoàn chuyên gia nước ngoài trong bối cảnh dịch hay các điều kiện để mở rộng sản xuất.
500 DN đứng đầu cả nước nếu nhận được chính sách hỗ trợ hiệu quả thậm chí còn tạo hiệu ứng lan tỏa cho những doanh nghiệp vệ tinh.
Nhóm DN vừa - đa phần là vệ tinh DN lớn lại cần những chính sách khác.
Nhóm cuối là những nhóm siêu nhỏ - họ chỉ có 1 con đường sống - khi mà giãn cách xã hội khoanh vùng cần có hỗ trợ ngay dựa trên đóng góp của họ.
Còn nhóm những DN không may thì dùng quỹ kêu gọi xã hội.