Mùa hè và nỗi lo đuối nước
Những cảnh báo, những giải pháp, kể cả thay đổi nhận thức của cộng đồng đã được nâng lên…, nhưng tai nạn đuối nước vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh.
Chỉ trong vòng 1 tháng, tại Quảng Bình đã xảy ra 3 vụ đuối nước. Vụ mới nhất xảy ra vào ngày 19/5, khi 3 đứa trẻ được nghỉ hè sớm tránh dịch, được bố mẹ cho về nhà ông bà ngoại chơi, nhưng những ngày hè vui vẻ chỉ vừa mới bắt đầu thì cả 3 em chết đuối thương tâm dưới hồ cá sau nhà. Nỗi đau này không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai trong lòng gia đình các em.
Từ đầu năm tới nay rất nhiều những vụ tai nạn đuối nước xảy ra, mà không ai muốn nêu ra con số cụ thể, bởi nhắc đến là đau lòng. Tai nạn đuối nước xảy ra ở khu vực nông thôn cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị. Xảy ra chủ yếu tại cộng đồng, chiếm 77,6% (ao, sông, suối hồ biển, ngã xuống hố ga, hố xây dựng); 15,8% tại gia đình và 6,6% tại nơi khác. Đuối nước gặp chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ học.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao sau rất nhiều vụ đuối nước, sau những cảnh báo từ truyền thông cả sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhà trường, địa phương... mà những vụ đuối nước vẫn xảy ra?
Theo bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) nguyên nhân chủ yếu gây đuối nước trẻ em trước hết là do nhận thức và hiểu biết chung về đuối nước trẻ em còn thấp. Nhiều trường hợp đuối nước trẻ em xảy ra do sự thiếu kiến thức của người lớn, thiếu kiến thức của bản thân trẻ. Đuối nước cũng xảy ra do sự xao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ em tắm ở ao hồ, sông suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Ngoài ra, môi trường sống tại gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ đuối nước trẻ em.
Cùng ý kiến này, nhiều chuyên gia cho rằng, gia đình chính là nhân tố quan trọng để hạn chế tai nạn đuối nước. Nhiều bậc phụ huynh bên cạnh việc sát sao con em mình với các môn học trên lớp, học tăng cường, học ngoại ngữ, học năng khiếu…thì lại quên mất việc nhắc nhở, dạy bảo con em về hành vi bơi lội tại các sông, hồ; trang bị cho trẻ về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở, nước xoáy để nâng cao tính cảnh giác.
Và cũng phải thừa nhận một thực tế là chính nhận thức, kiến thức của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về phòng chống đuối nước trẻ em còn hạn chế. Cũng không ít người chỉ quan tâm việc con họ biết bơi chưa? Hay đầu tư một khoản học phí tìm thầy cho trẻ học bơi và cứ nghĩ thế là xong. Trong khi việc cần quan tâm ngoài học bơi chính là hướng dẫn kỹ năng giúp trẻ sinh tồn dưới nước.
Bởi biết bơi thôi chưa hẳn đã an toàn, trẻ em nhất thiết phải được học kỹ năng sinh tồn dưới nước, cách hỗ trợ nhau và cứu đuối; học cách giữ an toàn trong môi trường nước sâu… Hay phải chỉ cho trẻ cách phát hiện biển báo, chỉ dẫn ở những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; nếu không may bị nước cuốn cần phải giơ tay vẫy và la lớn để nhờ người trợ giúp như thế nào…
Bà Vũ Thị Kim Hoa cũng nhấn mạnh rằng, đối với phòng, chống đuối nước thì không một ngành đơn lẻ nào có thể triển khai toàn bộ các hoạt động được, do đó cần tăng cường phối hợp liên ngành, mỗi ban ngành thực hiện theo đúng trách nhiệm chức năng trong việc triển khai công tác này. Tất cả các tai nạn thương tích, tử vong do tai nạn thương tích, do đuối nước ở trẻ em đều có thể phòng tránh được nếu cộng đồng, người dân, cha mẹ, bản thân trẻ em biết được các kỹ năng để có thể phòng tránh.
Tai nạn đuối nước xảy ra ở khu vực nông thôn cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị. Xảy ra chủ yếu tại cộng đồng, chiếm 77,6% (ao, sông, suối hồ biển, ngã xuống hố ga, hố xây dựng); 15,8% tại gia đình và 6,6% tại nơi khác. Đuối nước gặp chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ học.