‘Cạo trọc’ đồi xanh để xây resort

Đức Sơn - Duy Khánh 26/05/2021 06:30

Chuyển mục đích sử dụng đất không qua đấu giá. Liên tục điều chỉnh quy hoạch, đất ở để xây biệt thự khiến đồi xanh bị “cạo trọc” - đó là những gì đang diễn ra tại Khu đô thị Sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn (Ivory Villas & Resort) tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Chuyển mục đích sử dụng đất không qua đấu giá

Tháng 6/2010, UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định cấp Chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Archi Reenco Hòa Bình đầu tư dự án Ivory Villas & Resort trên diện tích 66 ha, thuộc xóm Kẽm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn.

Sau đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành quyết định thu hồi đất 660.000 m2 đất các loại (chủ yếu là đất rừng) tại xóm Kẽm, xã Lâm Sơn cho Công ty CP Archi Reenco Hòa Bình thuê với thời hạn đến hết ngày 7/6/2059.

Tiếp đó, UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Archi Reenco Hòa Bình với mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đến cuối năm 2016, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lần 1, giai đoạn 1, cho phép chuyển 90.350 m2 đất thương mại, dịch vụ thành các loại đất khác nhau.

Trong đó, 12.600 m2 được chuyển thành đất ở nông thôn, sử dụng lâu dài; 22.000 m2 đất sử dụng 50 năm; 22.600 m2 đất giao thông sử dụng lâu dài; 33.000 m2 đất công cộng.

Do sai sót số liệu nên đến tháng 8/2017, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục ký quyết định điều chỉnh diện tích đất ở được chuyển mục đích lên thành 34.600 m2.

Cũng trong năm 2017, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục ký quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lần 2 tại dự án này với diện tích 156.757 m2, trong đó có 76.600 m2 chuyển thành đất ở nông thôn, sử dụng lâu dài.

Căn cứ theo quyết định chủ trương đầu tư mới ban hành năm 2019, diện tích sẽ chuyển đổi trên toàn bộ dự án là 195.173 m2 đất ở.

Căn cứ quy định tại Điều 118 Luật Đất đai 2013, với trường hợp này thì bắt buộc phải tổ chức đấu giá trước khi giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

Tuy nhiên, theo thông tin mà phóng viên nắm được, dự án Ivory Villas & Resort đã chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất sản xuất sang đất ở 2 đợt nhưng không qua đấu giá.

“Xẻo thịt” đồi xanh

Được biết, phê duyệt ban đầu, Ivory Villas & Resort là khu du lịch sinh thái đáp ứng yêu cầu xanh, sạch, đẹp, cân bằng hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

Diện tích cây xanh trong các khu chức năng được hòa với các khu vực cây xanh tập trung, khu rừng bảo tồn, tạo thành hệ thống cây xanh liên tục trong các khu, có xu hướng gắn kết với khu công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí dưới nước, khai thác tốt cảnh quan khu du lịch sinh thái.

Ngoài ra, các nhóm nhà, cụm biệt thự, được bố trí dựa trên đặc điểm địa hình tự nhiên sẵn có, tạo nên kiến trúc phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc kiến trúc miền núi.

Dự án cũng được quy hoạch hệ thống giao thông phù hợp địa hình, tránh tối đa phá vỡ môi trường cảnh quan sinh thái trong toàn khu, giảm thiểu tối đa đào sâu, đắp cao. Trong quá trình san nền, tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, giảm tối đa việc san lấp, tận dụng tối đa thảm thực vật.

Theo thiết kế ban đầu, dự án được quy hoạch 8 hạng mục chính: Đất xây dựng khu trung tâm 25.000 m2, đất xây dựng khách sạn nhà hàng 120.600 m2, đất cây xanh công cộng 89.600 m2, đất khu vui chơi giải trí 45.500 m2, đất mặt nước 26.000 m2, đất khu resort 117.000 m2, đất biệt thự nhà vườn 161.000 m2. Quy hoạch này không có đất ở, trong khi cân đối dân số dự kiến 200 - 300 người lưu trú/ngày đêm, lượng khách vãng lai khoảng 400 - 500 khách/ngày đêm.

Đến năm 2016, Ivory Villas & Resort đã được điều chỉnh dân số lên 1.244 người và 331 lô nhà ở. Đến năm 2020, tỉnh Hòa Bình tiếp tục điều chỉnh quy hoạch dự án, 54 ngôi nhà, tổng diện tích 1.000 m2 được điều chỉnh nâng chiều cao từ 2 tầng lên 3 tầng, mật độ xây dựng nâng từ 20% lên tối đa 40%.

Từ sự điều chỉnh liên tục, diện tích nhà ở, biệt thự tăng lên thì diện tích rừng, cây xanh giảm sút nghiêm trọng. Thời điểm hiện tại, chủ đầu tư đang rầm rộ đào bới, san ủi đất đồi tạo mặt bằng thi công biệt thự và các hạng mục dự án khiến cả khu vực rộng lớn trở nên nham nhở. Ngay phía sau cánh cổng với hàng chữ Ivory Resort hoành tráng là hàng loạt căn biệt thự dọc những quả đồi bị đào bới “xẻo thịt” tan hoang.

Chứng kiến cảnh này, nhiều người dân xã Lâm Sơn ngao ngán cho rằng, cứ xây dựng vài cái Resort tương tự như thế này thì chẳng mấy chốc núi rừng Lâm Sơn sẽ bị “cạo sạch”.

Đức Sơn - Duy Khánh