Một tháng có dịch

Nam Việt 26/05/2021 06:30

Đã 1 tháng có dịch, với những gì đã xảy ra cho thấy những ngày tới dịch vẫn diễn biến phức tạp, có thể còn xuất hiện nhiều ca nhiễm mới. Như vậy, đợt dịch này có thể còn kéo dài.

Chiều ngày 24/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, nhằm đưa ra những giải pháp cấp bách khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các khu công nghiệp và khu tập trung dân cư cao.

Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đợt dịch thứ 4 bước sang ngày thứ 29 (tính từ ngày 27/4 khi chùm ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng được phát hiện). Tính đến thời điểm chiều ngày 24/5, có 2.253 trường hợp mắc ghi nhận trong nước, cao gấp 1,4 lần so với tổng số mắc ghi nhận trong nước của cả 3 đợt dịch trước. Đợt dịch này đã xảy ra tại 30 tỉnh, thành phố, nhiều hơn 2 lần so với các đợt dịch trước.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, các trường hợp mắc trong đợt dịch thứ 4 phần lớn có liên quan khu công nghiệp có số lượng công nhân rất lớn, mật độ tập trung cao, tần suất giao lưu, đi lại cao, môi trường làm việc, sinh hoạt như môi trường kín, nhà ăn tập thể, chung xe chở công nhân... có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh. Nhiều ổ dịch trong cùng thời điểm, cùng sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới với khả năng lây nhanh hơn, rộng hơn, mạnh hơn.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương tinh thần trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trong việc sẵn sàng tham gia chống dịch. Thủ tướng khẳng định, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được kiểm soát đã góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thực tế cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng, có cách làm phù hợp với điều kiện, tình hình dịch bệnh hiện nay.

Thủ tướng chỉ rõ, sắp tới tình hình dịch diễn biến phức tạp tại các khu công nghiệp và khu đông dân cư, cần phải có hành động quyết liệt, nỗ lực hơn nữa. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu chiến lược vaccine phải thần tốc hơn, mạnh mẽ hơn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn. “Phải có kế hoạch tiêm vaccine một cách phù hợp, phải ưu tiên cho các đối tượng tuyến đầu, ưu tiên cho các khu công nghiệp vì ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh” - Thủ tướng nhấn mạnh đồng thời yêu cầu xây dựng, rà soát lại quy trình, quy định, quy chế cách ly, tổ chức lại sản xuất kinh doanh để có chiến lược trong phòng chống dịch cho phù hợp với khu công nghiệp.

Như vậy là ở thời điểm này, chúng ta đã một tháng có dịch, với đợt bùng phát dịch thứ 4 kể từ đầu năm 2020. Đợt dịch này diễn biến rất nhanh, với số ca lây nhiễm mới tăng từng ngày, nhiều nhất tại các khu công nghiệp đông người lao động. Đáng chú ý, dịch còn xuất hiện tại một số tòa nhà chung cư, nơi có nhiều người sinh sống. Dịch đã lan ra nhiều địa phương, trong đó rất đáng lo lắng là các chùm ca Covid-19 mới tại Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội là nơi đông dân cư, mật độ dân số cao, nhất là ở khu vực nội thành. Vì thế, nguy cơ tiềm ẩn là rất lớn. Chỉ một ca mắc thôi thì lập tức ảnh hưởng tới nhiều người, nhiều nơi, mà chùm ca mắc mới tại Công ty T&T và chung cư Times City mới đây là một ví dụ điển hình.

Ngay lập tức, toàn bộ hệ thống chống dịch của Hà Nội đã phải kích hoạt ở mức cao nhất. Không thể không lo lắng khi Thủ đô có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng cũng không vì thế mà hốt hoảng. Thời điểm này rất cần sự quyết liệt và bình tĩnh. Thần tốc truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch.

Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp nhanh và mạnh đối phó với dịch, nhất là kể từ đêm 24/5 điều đó lại càng quyết liệt hơn. Thêm nhiều hoạt động xã hội bị hạn chế mang tới những bất tiện không thể tránh khỏi. Nhưng người Hà Nội nhận thức sâu sắc rằng, đó là điều cần thiết không thể không làm để chặn nguồn lây lan của dịch cũng như nhanh chóng khống chế, dập dịch.

Thời gian này, truyền thông quốc tế tiếp tục đưa tin về cách Việt Nam chống dịch, với nhiều ngợi khen. Nổi lên hơn cả là nhận xét toàn thể người dân Việt Nam đồng lòng cùng Chính phủ thực hiện những biện pháp cấp bách, tự giác áp dụng các biện pháp y tế phòng ngừa.

Một điểm nữa trong cách chống dịch của Việt Nam được thế giới ghi nhận đó là Chính phủ phân cấp cho từng địa phương linh hoạt chống dịch và phải chịu trách nhiệm về tình hình dịch ở địa phương mình. Cách làm đó một mặt nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, mặt khác giúp cho việc triển khai các biện pháp chống dịch nhanh hơn.

Trở lại với 1 tháng của đợt dịch thứ 4, thực tế cho thấy rất cần tập trung mọi nguồn lực vào kiểm soát, khống chế, dập dịch tại các khu công nghiệp, các chung cư đông người. “Ai ở đâu ở yên đó” tại những khu có dịch hoặc nguy cơ cao là rất cần thiết. Hơn lúc nào hết, đợt chiến đấu lần này với Covid-19 mỗi người dân càng phải tự giác hơn, chính quyền các cấp càng phải nêu cao trách nhiệm và càng phải quyết liệt hơn.

Đã 1 tháng có dịch, với những gì đã xảy ra cho thấy những ngày tới dịch vẫn diễn biến phức tạp, có thể còn xuất hiện nhiều ca nhiễm mới. Như vậy, đợt dịch này có thể còn kéo dài. Vì thế, sẵn sàng tâm thế chống dịch, chủ động các biện pháp phòng chống dịch, tuân thủ triệt để chỉ đạo của chính quyền, của ngành y tế là điều vẫn cần phải nhắc nhở. Trong lúc vaccine chưa đủ để tiêm ngừa rộng rãi cho mọi người thì tự bảo vệ mình trước dịch bệnh là điều quan trọng nhất.

Nam Việt