Tranh Việt được giá
Tại phiên đấu giá mới nhất của Christie’s Hong Kong, bức “Thiếu nữ choàng khăn” của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá 1,11 triệu USD.
Phiên đấu giá diễn ra tối ngày 24/5 của Christie’s Hong Kong đã mang đến 75 lô hàng, trong đó có 4 bức tranh lụa của các danh họa Việt Nam, gồm “Thợ nhuộm” của Nguyễn Phan Chánh, “Thiếu nữ choàng khăn” và “Cái bát xanh” của Lê Phổ, “Mona Lisa” của Mai Trung Thứ.
Sau những tiếng gõ búa, “Thiếu nữ choàng khăn” của Lê Phổ được chốt ở mức giá hơn 1,11 triệu USD. Đây là mức giá khá gần với dự đoán trước đó, khoảng gần 876.000 USD đến 1,13 triệu USD.
“Mona Lisa” của Mai Trung Thứ được chốt ở mức giá 724.000 USD, vượt khá xa mức dự đoán từ gần 322.000 USD đến gần 451.000 USD. Còn nhớ, hồi giữa tháng 4 vừa qua, cái tên Mai Trung Thứ (1906-1980) từng gây sốt khi bức “Chân dung cô Phượng” của ông được gõ búa ở mức 3,1 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong - tạo nên kỷ lục mới của tranh Việt Nam.
Hai bức tranh Việt Nam còn lại gồm “Chiếc bát xanh” của Lê Phổ và “Thợ nhuộm” của Nguyễn Phan Chánh lần lượt được bán cho người ra giá khoảng 354.000 USD và khoảng 563.000 USD.
Sau kỷ lục 3,1 triệu USD, giới phê bình đánh giá và dự đoán tranh của Mai Trung Thứ sẽ tiếp tục được đẩy giá lên cao. Trong giới sưu tầm, giá mua vào càng cao, giá bán sau đó cũng càng cao.
Trước khi có kỷ lục 3,1 triệu USD của Mai Trung Thứ, chính Lê Phổ là người từng mang về nhiều tác phẩm “triệu đô” nhất cho giới tranh Việt Nam như có “Khỏa thân” (1,4 triệu USD), “Đời sống gia đình” (1,1 triệu USD). Bên cạnh đó còn có “Vỡ mộng” của Tô Ngọc Vân (1,1 triệu USD). Tất cả đều được đấu giá ở thị trường Hong Kong.
Trước buổi đấu giá, bức “Mona Lisa” của Lê Phổ đã thu hút đông đảo sự chú ý của cộng đồng yêu mỹ thuật tại Việt Nam vì là tác phẩm phái sinh, lấy cảm hứng là bức “Mona Lisa” của đại danh họa người Italy Leonardo Da Vinci. Song song với “Thiếu nữ choàng khăn,” “Mona Lisa” được nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi từng dự đoán sẽ làm nên cuộc đấu giá kịch tính hơn so với hai bức còn lại của Lê Phổ và Nguyễn Phan Chánh.
Có ý kiến cho rằng, “Mona lisa” của Lê Phổ là “phiên bản”, là “bản nhái” tranh gốc của Da Vinci, vì thế cũng không thể gọi là “tác phẩm độc lập và duy nhất”. Khi đã vẽ dựa trên ý tưởng và thành công của người khác thì sẽ không còn sự sáng tạo.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, “Mona Lisa” của Lê Phổ là tác phẩm “phái sinh” chứ không phải là bản vẽ “nhái”. Phái sinh hiểu theo nghĩa từ tác phẩm ban đầu, người nghệ sĩ lấy cảm hứng để sáng tạo theo cách riêng của mình. Lê Phổ đã tạo nên hình ảnh rất đẹp của người phụ nữ Việt Nam, với chiếc khăn choàng tha thướt. Còn phía sau là khung cảnh Việt Nam “non xanh nước biếc”. Có nghĩa là họa sĩ đã tạo ra một tác phẩm độc lập, có hồn cốt riêng cũng như cách xử lý màu sắc rất riêng.