Giữ ổn định, bảo vệ doanh nghiệp
Dịch Covid-19 lần thứ 4 đang gây ra những hệ quả ngoài tưởng tượng. Doanh nghiệp điêu đứng vì vậy bảo vệ doanh nghiệp (DN), nuôi dưỡng nguồn thu là yêu cầu hàng đầu.
Thu ngân sách đang chững lại
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, tổng thu ngân sách lũy kế đến giữa tháng 5 đạt 507.409 tỷ đồng, bằng 45,4% so với dự toán.
Đáng lưu ý, số liệu khai quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020 cho thấy kết quả sản xuất của các DN giảm ở hầu hết các chỉ tiêu từ doanh thu đến lợi nhuận, số thuế thu nhập DN nộp ngân sách nhà nước so với năm 2019. Cùng với đó, do việc thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất (dự kiến số thuế giá trị gia tăng gia hạn trong tháng 4 khoảng 10.500 tỷ đồng; thuế thu nhập DN khoảng 16.000 tỷ đồng) khiến 2 sắc thuế này trong tháng 4 chỉ đạt lần lượt là 7,1% và 8,3% dự toán.
Trước tình hình đó, bên cạnh việc triển khai các chính sách thuế phối hợp cùng các chính sách tài chính nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021 ở mức cao nhất, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đã chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp tiếp tục tổ chức đôn đốc thu ngân sách nhà nước đối với một số khoản thu ngân sách trung ương (dầu thô, khí thiên nhiên, lợi nhuận còn lại và cổ tức được chia, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu tiền sử dụng đất trung ương, phí và lệ phí thuộc ngân sách trung ương…).
Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan Thuế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021, trong đó trọng tâm là rà soát, nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế theo hướng bao quát được hết nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý thuế cho cơ quan thu, phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế, thực hiện quản lý thuế điện tử.
Đồng thời, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Nuôi dưỡng nguồn thu
Có thể thấy, cùng với nội lực của chính cộng đồng DN, các gói hỗ trợ đã tiếp sức cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, dịch đang bùng phát trở lại khiến một số lĩnh vực, DN vẫn gặp nhiều khó khăn cần tiếp tục được trợ lực.
Ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN Hà Nội (Sở KH&ĐT) cho biết, đại dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và nhân công của DN. Chuỗi cung ứng của nhiều DN đã bị gián đoạn. Một số DN còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác như giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện.
Theo ông Quân, trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, phần lớn các DN hiện nay đều mong muốn Chính phủ kịp thời đưa ra các quyết sách phù hợp nhằm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, ổn định kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu Covid-19; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực DN nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể DN, tạo điều kiện để khu vực DN phục hồi nhanh khi tác động của đại dịch Covid-19 suy giảm và chấm dứt; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong cuộc làm việc mới nhất của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính với Bộ Tài Chính, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách về tài chính -ngân sách nhà nước phải trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực; thúc đẩy giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước cả trước mắt và lâu dài.