Hà Nội: Hàng quán đóng cửa phòng dịch, chủ kinh doanh bỏ phố về quê
Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng một số hoạt động kinh doanh để phòng dịch. Các cơ sở ăn uống chỉ bán mang về, lượng khách giảm đáng kể khiến chủ kinh doanh quyết định đóng cửa hàng trở về quê.
Tối ngày 24/5, UBND TP Hà Nội đã công điện khẩn yêu cầu tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ: nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức liên hoan, tụ tập đông người, các cửa hàng cắt tóc gội đầu.
Phố vắng, người thưa...nhiều hàng quán đóng cửa
Theo ghi nhận của phóng viên, ở những con đường thường nhộn nhịp như: Tràng Tiền, Hàng Tre, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng... vắng hơn thường ngày sau khi có thông tin khách không được ngồi tại quán, nhiều cửa hàng trước đây đông nghịt nhưng nay cũng im ắng. Hầu hết các hàng quán trên địa bàn Hà Nội đã đóng cửa hoặc chuyển sang hình thức bán hàng mang về, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố.
Anh Sơn, chủ một tiệm cắt tóc ( Cầu Giấy) chia sẻ: “Dịch bệnh thế này mình cũng đã chuẩn bị tâm lý trước là việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng, biết trước rồi đấy nhưng không biết làm cách nào. Tiền thuê mặt bằng ở đây mấy chục triệu một tháng, giờ dịch dã thế này không biết bao giờ mới mở lại được nên mình đóng cửa về quê một thời gian, vừa tránh dịch lại có việc làm, chứ ở đây thì chết đói mất.”
Cũng giống với anh Sơn, nhiều hộ kinh doanh vì đặc thù mặt hàng không thể bán online giờ này cũng như “ngồi trên đống lửa”. Áp lực tiền thuê mặt bằng, không có thêm nguồn thu nhập khác, tiền thuê trọ, sinh hoạt,... nên nhiều người đã lựa chọn về quê để tạm tránh dịch.
Tuy không đến mức phải đóng cửa hàng nhưng nhiều chủ kinh doanh cũng chán nản vì lượng khách ế ẩm và sụt giảm đáng kể sau khi có chỉ thị mới nhất từ UBND thành phố. Đặc biệt, với những hàng quán nhỏ lẻ mà chủ kinh doanh là những người lớn tuổi, việc đưa sản phẩm của mình lên các kênh giao đồ online như: Now, Foody, Baemin… còn chưa được cập nhật, việc buôn bán diễn ra chủ yếu bằng hình thức truyền thống. Trong khi hiện tại, giới trẻ thường “chuộng” việc đặt đồ qua app online hơn, những cửa hàng vốn chỉ kinh doanh truyền thống đã khó nay lại càng khó cạnh tranh hơn. Cô Huệ, chủ hàng bánh rán trên đường Hàng Tre (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thấy người qua đường đều nhiệt tình mời chào khách “mua hàng mang về”.
“Cô không bán hàng online nên lượng khách cũng giảm hẳn, từ hôm qua đến giờ hàng ế ẩm hơn bình thường. Thỉnh thoảng mới có người đến mua mang về, nhưng mà còn bán được là còn may, dịch thì chấp nhận chứ biết sao giờ”, cô Huệ buồn rầu chia sẻ.
Nhiều cửa hàng chi chít biển cho thuê
Dịch bệnh ngày một phức tạp, việc đóng các cơ sở kinh doanh để phòng dịch là điều cần thiết. Do đó hầu hết các hàng quán đều chấp hành nghiêm quy định, vừa để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa đảm bảo an toàn cho chính mình. Dừng bán tại chỗ, tạm ngừng kinh doanh hay đóng cửa quán đều là những hình thức tạm thời nhằm đối phó với dịch bệnh, tuy nhiên lúc này nhiều hộ kinh doanh chỉ băn khoăn: “Thế đóng cửa đến bao giờ?”.
Đây là tâm lý chung của nhiều người, bởi dịch bệnh kéo dài đã làm doanh thu của hầu hết các cửa hàng đều bị ảnh hưởng. Trong khi các chi phí duy trì hoạt động như: tiền thuê mặt bằng, tiền đầu tư cơ sở vật chất vẫn phải chi trả đều đặn. Khó khăn chồng chất khó khăn, tình trạng đóng cửa dài ngày là không thể tránh khỏi. Không khó để có thể bắt gặp những tấm biển cho thuê cửa hàng dán chi chít ngay tại những con đường có mặt bằng đắc địa, vốn được giới kinh doanh săn lùng. Thậm chí, có những cửa hàng treo biển cho thuê đã lâu nhưng vẫn không có người hỏi tới.
Chị Phương, người dân sống trên phố Nguyễn Phong Sắc cho biết từ năm ngoái do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều cửa hàng kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tiền thuê mặt bằng không giảm nên họ buộc phải đóng cửa, trả lại mặt bằng. Đây là sự thay đổi dễ thấy!