Thận trọng với quảng cáo tour đi Mỹ tiêm vaccine

M.Loan 27/05/2021 17:00

Chiều 27/5, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, phóng viên đã đề nghị Người phát ngôn của Bộ bình luận về việc nhiều công ty du lịch gần đây chào mời khách hàng mua các tour đi Mỹ để tiêm vaccine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cảnh báo người dân thận trọng trước các lời chào mời mua tour đi Mỹ tiêm vaccine, bởi hiện các quốc gia vẫn đang thắt chặt chính sách xuất nhập cảnh do dịch Covid-19.

Trả lời câu hỏi này, bà Lê Thị Thu Hằng đã khuyến cáo người dân cần thận trọng và tính toán kỹ khi tiến hành chuyến đi nước ngoài, bởi hiện chính sách xuất nhập cảnh của nhiều nước vẫn đang thắt chặt do tình hình dịch bệnh Covid-19 vô cùng phức tạp. “Nếu có quảng cáo về các tour như vậy, công dân cần kiểm tra với các cơ quan chức năng của các nước, có thể thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước tại Việt Nam”, bà Hằng nói. Cũng liên quan đến vaccine, một số hãng tin đặt câu hỏi về việc liệu Việt Nam có đàm phán mua vaccine của Trung Quốc, tiến độ đàm phán mua và sản xuất vaccine Sputnik V của Nga tại Việt Nam đến đâu? Trả lời câu hỏi này, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam đã đàm phán thành công với 1 số đối tác cung ứng vaccine như AstraZeneca, Pfizer và đã tiến hành tiêm vaccine cho người dân.

Tuy nhiên, số lượng vaccine hiện nay Việt Nam nhập khẩu được chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, nên Chính phủ đã chỉ đạo và các cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các nhà sản xuất, cung ứng vắc xin trên thế giới để tăng số lượng nhập khẩu. Chính phủ Việt Nam cũng đã quyết định thành lập quỹ vắc xin để tiếp nhận quản lý các nguồn tài trợ, hỗ trợ nguồn vốn để mua, nhập khẩu vaccine Covid-19 để triển khai tiêm tại Việt Nam. Về đối tượng tiêm, Chính phủ hiện đã xác định các đối tượng ưu tiên theo thứ tự, khi nguồn vaccine dồi dào hơn, Việt Nam sẽ mở rộng đối tượng tiêm, bao gồm cả nhân viên các cơ quan nước ngoài hay người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam.

Liên quan đến việc Mỹ và 1 số quốc gia đang kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn về thông tin trong giai đoạn đầu bùng phát dịch trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tiến hành điều tra giai đoạn 2 để tìm hiểu nguồn gốc của dịch Covid-19, báo chí đề nghị Việt Nam nêu bình luận của mình. Trả lời, bà Hằng nói: “Theo tôi được biết, các cơ quan y tế, nhà khoa học, chuyên gia trên thế giới vẫn đang nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc và tính chất của virus SARS-CoV-2. Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp với các chủng và biến thế mới thì quốc tế cần tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin để có vaccine và phác đồ điều trị tốt nhất. Với tinh thần trách nhiệm, Việt Nam sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này”.

Với vấn đề đặt ra, nhiều doanh nhân nước ngoài đề nghị được giảm thời hạn cách ly tập trung xuống 14 ngày như trước đây, thay vì 21 ngày đang áp dụng hiện nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và Việt Nam, chính sách cách ly, theo dõi y tế luôn được Chính phủ Việt Nam chú trọng, điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo yêu cầu phòng chống, ngăn chặn dịch đồng thời đảm bảo mục tiêu phục hồi kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với một số cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Y tế để xây dựng hướng dẫn về việc cách ly y tế đối với người nhập cảnh, trong đó có chú ý đến các yếu tố như tiêm chủng, thời gian lưu trú tại Việt Nam, mục đích nhập cảnh và diễn biến dịch bệnh trong nước để có thể áp dụng các biện pháp và chế độ cách ly một cách phù hợp nhất.

Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng
Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng

Về đề xuất xem xét việc vaccine ngừa Covid-19 cho người nước ngoài tại Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhắc lại nội dung Nghị quyết 21 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vacinne phòng chống Covid. Theo quy định tại văn bản này, có 9 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm phòng được xác định, trong đó, nhóm đối tượng hàng đầu là cán bộ y tế và các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, rồi tới các đối tượng cần ưu tiên bảo vệ khác như người cao tuổi.

“Chúng tôi cũng rất quan tâm đến cộng đồng ngời nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đã đàm phán thành công với nhiều hãng dược như AstraZeneca, Pfizer, Nbiotech… để nhập khẩu thêm vaccine. Việt Nam cũng đang nỗ lực trao đổi với các quốc gia và các đối tác khác, đa dạng hoá nguồn cung cấp vaccine để sớm mở rộng tối đa diện đối tượng được tiếp cận, tiêm vaccine, trong đó có người nước ngoài”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.

M.Loan