Rồng đá bị vùi trong đất

Đình Minh 28/05/2021 09:00

Đều là các công trình điêu khắc thuộc quần thể di tích khu tượng đá Đa Bút (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), nhưng 12 pho tượng võ sỹ bảo vệ lăng bà Thánh Mẫu đã được “khoác áo mới”. Còn 3 cặp rồng đá thì lại bị chôn vùi trong đất, hoang hóa cùng thời gian.

Một con rồng đá đã bị đứt lìa thành 2 khối riêng biệt.

Quần thể di tích khu tượng đá Đa Bút bao gồm lăng mộ Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm (là vợ của chúa Trịnh Doanh) và khu rồng đá. Quần thể di tích này nằm dưới chân núi Mông Cù, thuộc làng Đa Bút, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Xưa kia, nơi đây thuộc vùng đất Biện Thượng, quê hương của nhà Trịnh.

Tương truyền, Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm là một trong những nữ phi được suy tôn là bậc Thánh Mẫu. Khi bà mất, nơi an nghỉ cuối cùng được chọn là khu vực núi Mông Cù (ngọn núi cao nhất trong các dãy núi nơi đây, thuộc địa phận xã Minh Tân). Để tránh kẻ gian ác, khu lăng mộ của bà được bí mật lập ở 3 nơi khác nhau trên núi.

Cách lăng mộ Thái phi không xa là ngôi miếu nhỏ rộng khoảng 15m2 thờ tự bà. Tường phía trước của miếu có phiến đá đề mấy chữ Hán: Thiên tiên quốc thánh mẫu. Trong miếu có tượng của bà và một số đồ thờ tự đã phai màu theo thời gian.

Để bảo vệ miếu thờ và lăng mộ Thánh Mẫu, nhà Trịnh đã dựng tượng 12 võ sĩ và hai tượng phỗng đá với ý nghĩa là những võ sĩ canh gác, bảo vệ cho khu lăng mộ. Các võ sĩ đều được tạc từ những tảng đá nguyên khối có chiều cao khoảng 1,8m, được xếp thành hai hàng, mỗi hàng có sáu pho tượng với dáng đứng nghiêm trang, kính cẩn.

Tượng được tạc với mũi gồ, miệng rộng, râu dài, có ria mép chạm nổi và cặp lông mày rậm mang nét mặt của những võ quan đứng tuổi. Một tay tượng cầm kiếm và cánh tay còn lại đặt trước ngực như thề nguyện. Đầu đội mũ tròn, giữa đỉnh gồ lên chóp cao khoảng 5cm. Áo giáp trụ dài có viền nhiều lớp, nếp áo rủ xuống mềm mại nhưng không kém phần rắn rỏi. Quần giáp hai lớp, có lá toạ che phía trước. Hai phía đùi của quần giáp chạm nổi hai hình long phù lớn với vẻ oai vệ, hàm há rộng.

Kề bên hai hàng tượng có hai phỗng đá hình dáng được tạo tác trong tư thế chầu đợi lệnh, hai chân quặp ra phía sau, hai tay khoanh trước ngực. Tượng cao 1,20m, đầu phỗng to có ngấn, tóc búi quả đào, mũi dô, mắt lồi, miệng rộng… tất cả đều được trau chuốt từng chi tiết ở tư thế trang nghiêm. Theo lời kể của ông Tống Hùng Nam (61 tuổi, người trông coi quần thể di tích khu tượng đá Đa Bút) thì khi ông còn nhỏ đã được nghe các cụ kể về 12 pho tượng, miếu thờ và lăng mộ Thánh Mẫu.

“Các cụ kể lại rằng, khi bà Thánh Mẫu Nguyễn Thị Ngọc Diệm mất vào năm 1784, nhà Trịnh đã xây dựng lăng mộ của bà tại đây. Sau đó, miếu thờ và các pho tượng cũng lần lượt được làm theo lăng mộ. Năm 1986, một nhóm người từ nơi khác đến đã xác định được Khu mộ bà Thánh Mẫu nằm lưng chừng núi Mông Cù, chúng đã tiến hành đào trộm mộ vào ban đêm, lấy đi nhiều vàng bạc, châu báu” - ông Nam cho biết. Sau khi phát hiện sự việc, người dân đã cho vào quan tài và đưa về vị trí cũ. Chiếc quan tài bị đào trộm được mang về khu Đền thờ bà.

Được biết, ngoài khu lăng mộ, miếu thờ và 12 pho tượng đá, khu di tích còn có khu rồng đá, cây hoa đại và cây si trắng có tuổi đời hàng trăm năm. Theo quan sát, phần rễ, cành của cây si trắng đã “bám” và lan rất rộng, góp phần thay thế một mảng tường quanh miếu thờ tự. Phía trên, tán của cây si “ôm trọn” ngôi miếu thờ, phủ bóng mát và tỏa ra không khí rất trong lành. Còn đối với cây hoa đại, các cụ cao niên trong làng cũng không biết nó có tự bao giờ, chỉ biết, trải qua thời gian lịch sự, cây hoa đại chưa từng bị đổ sập hay chết cành, quanh năm vẫn xanh tốt.

Cách khu lăng mộ khoảng 200m là bãi đất hoang đầy cỏ dại, nơi đặt 6 con rồng đá (sử sách ghi là Hành cung nhà Trịnh). Men theo con đường nhỏ, chúng tôi tìm thấy 3 cặp rồng đá đang bị đất và cỏ vùi lấp mất phân nửa chiều cao, chỉ còn lộ ra được phần đầu. Những con rồng đá này được sắp xếp theo kiểu bậc tam cấp.

Cụ thể, bậc thứ nhất là hai con rồng nằm chầu theo lối bậc trước sân, tiếp theo chừng 4m phía trên là 4 con rồng nằm song song theo hướng đồng trục. Theo quan sát, 1 trong 4 con rồng đá ở phía trên đã bị đứt đôi, phân rõ thành 2 khối riêng biệt. Phía trên 4 con rồng đá, người dân chắp ghép 4 miếng tôn thành hình “ngôi nhà” để đặt bát hương cho những ai muốn cúng bái.

Năm 1998, ông Tống Hùng Nam cùng gia đình về khai hoang, dồn điền đổi thửa tại khu vực gần quần thể khu di tích tượng đá Đa Bút. Khi đó, nơi đây vẫn còn là một khu đất hoang vu, các tượng đá và lăng miếu Thái Mẫu đều phủ một màu rêu phong, mưa nắng dãi dầm.

“Là một người con Đa Bút, tôi nghĩ mình có trách nhiệm trông coi và gìn giữ khu di tích. Vì vậy, trong suốt hơn 20 năm qua, tôi cùng người dân và chính quyền địa phương đã góp sức mình để tu sửa, trùng tu và bảo vệ nơi này. Những năm gần đây, nhờ nguồn ngân sách nhà nước và sự đóng góp của các nhà hảo tâm, khu di tích đã được nâng cấp và mở rộng”- ông Nam nói.

Tuy vậy, theo như ý kiến của ông Nam và bà con địa phương, hiện con đường dài khoảng 300m từ mặt đường lên lăng mộ bà Thánh Mẫu vẫn chưa có. Khi muốn cúng bái, thắp hương tại lăng mộ bà, người dân vẫn phải leo núi trên con đường đầy cỏ dại. Thêm nữa, hiện khu di tích đang thiếu một khu nhà để người từ nơi xa và bà con địa phương đến sắp lễ, trú chân. Đối với 3 cặp rồng đá đang bị hoang hóa, ông Nam cũng mong muốn nhà nước sớm đầu tư, quy hoạch lại, tránh để các hiện vật quý bị xuống cấp, không ai ngó ngàng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: Quần thể khu di tích tượng đá Đa Bút thuộc di tích cấp tỉnh. Những năm qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã phân bổ hàng trăm triệu đồng để nâng cấp, tu sửa lại khu di tích.

“Những vấn đề mà anh Nam cũng như người dân đã kiến nghị là rất bức thiết. Tuy nhiên, do không có nguồn vốn nên chúng tôi vẫn chưa thể làm đường lên lăng mộ bà Thánh Mẫu hay quy hoạch lại khu rồng đá. Rất mong các cấp, ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư tôn tạo để các hiện vật tại khu di tích được bảo tồn, bền vững với thời gian”, ông Hải tâm sự.

Đình Minh