Cứu sống cụ bà 91 tuổi bị viêm túi mật cấp do sỏi kẹt cổ túi mật và sỏi ống mật chủ
Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E vừa phẫu thuật nội soi cấp cứu thành công cụ bà 91 tuổi, ở Ninh Bình bị viêm túi mật cấp do sỏi kẹt cổ túi mật và sỏi ống mật chủ.
Đây được đánh giá là một phẫu thuật lớn trên bệnh nhân lớn tuổi, vừa bị sỏi túi mật, vừa sỏi ống mật chủ lại có nhiều bệnh lý nền…, đòi hỏi các bác sĩ giỏi chuyên môn, trang thiết bị hiện đại mới thực hiện thành công.
PGS. TS Đỗ Trường Sơn và TS. BS Đặng Quốc Ái, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E thực hiện trực tiếp ca mổ này, cho biết, cách đây 3 ngày, cụ đau nhiều hạ sườn phải kèm sốt, ăn uống kém.
Cụ đã đi khám ở bệnh viện khác và được chỉ định mổ nhưng vì lo lắng tuổi cao nên chần chừ không phẫu thuật. Tuy nhiên, các cơn đau tăng dần lên, sốt kéo dài, cụ được đưa đến Bệnh viện E trong tình trạng cấp cứu.
Ngay lập tức các bác sĩ cho cụ tiến hành các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán cụ bị viêm túi mật cấp do sỏi kẹt cổ túi mật và sỏi ống mật chủ cần được mổ cấp cứu.
Do tình trạng cụ lớn tuổi, diễn biến bệnh nặng nên các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn chuyên khoa ngay lập tức nhằm đánh giá thật kỹ lưỡng tình trạng bệnh nhân. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất là phẫu thuật nội soi cắt túi mật mở ống mật chủ lấy sỏi kết hợp nội soi đường mật tán sỏi và dẫn lưu Kehr.
PGS. TS Đỗ Trường Sơn chia sẻ, ca phẫu thuật này thành công là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt quan trọng là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ê-kip phẫu thuật và ê-kip gây mê hồi sức.
Người bệnh càng lớn tuổi, thể trạng kém, nhiều bệnh lý nền… thì nguy cơ gặp tác dụng phụ trong và sau khi phẫu thuật càng cao. Do vậy, để cuộc mổ thành công và bảo vệ sự an toàn của người bệnh, các bác sĩ gây mê hồi sức phải đặc biệt thận trọng khi lựa chọn phương pháp gây mê cũng như theo dõi sát sao người bệnh.
Sau 3 ngày, cụ đã tự vận động, ăn uống bình thường và hoàn toàn hồi phục sau 7 -8 ngày, có thể xuất viện. Theo TS. BS Đặng Quốc Ái, do cụ được đặt dẫn lưu Kehr nên các bác sĩ sẽ tiến hành chụp đường mật qua Kehr để đánh giá tình trạng của đường mật đã sạch sỏi hay tắc nghẽn phía bên dưới thì mới cho rút ống dẫn lưu sau 2 tuần phẫu thuật. Trong trường hợp chưa đánh giá được mà đã rút sớm quá, cụ sẽ có nguy cơ dò dịch mật vào ổ bụng, đặc biệt với người lớn tuổi rất nguy hiểm.
Các bác sĩ khuyến cáo, biến chứng thường gặp nhất của sỏi túi mật là viêm túi mật cấp, gây hoại tử và thủng túi mật, có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Các biến chứng khác gồm viêm túi mật mạn, sỏi rơi xuống ống mật chủ gây viêm tắc đường mật, viêm tụy cấp...
Vì vậy, người bệnh bị sỏi túi mật nên chủ động phẫu thuật nội soi để điều trị chứ không chờ đến khi có biến chứng mới điều trị như cụ bà 91 tuổi trên.