Sốc phản vệ sau tiêm vaccine có nguy hiểm không?
Phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với các vaccine. Hầu hết phản ứng sau tiêm gặp phải là ở mức độ nhẹ, một số ít ở mức độ vừa, rất hiếm có phản ứng ở mức độ nặng (hội chứng sốc nhiễm độc, phản ứng phản vệ)
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, sốc phản vệ sau tiêm vaccine được chia làm 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng. Cấp độ 2 là mức độ trung bình. Biểu hiện của sốc phản vệ cấp độ 2 là: Mề đay, phù mạch xuất hiện nhanh; khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, ỉa chảy; huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
Sốc phản vệ cấp độ 3 là nguy kịch, có biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như: Đường thở có tiếng rít thanh quản, phù thanh quản; thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở; rối loạn ý thức như vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn và cuối cùng là sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.
Phản vệ cấp độ 4 có biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn, có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Theo PGS Nga, do vaccine phòng Covid-19 là vaccine mới, việc triển khai tiêm chủng thực hiện đúng quy trình nghiêm ngặt mà Bộ Y tế quy định như: Các điểm tiêm chủng đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lưu giữ và bảo quản vaccine; bố trí chỗ đón tiếp, nơi ngồi chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng xử lý sốc phản vệ theo quy tắc một chiều; được trang bị hộp chống sốc và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.
Tất cả những người đi tiêm chủng đều được khám sàng lọc và phổ biến cách theo dõi sức khỏe và phản ứng sau tiêm, khi phát hiện những biểu hiện bất thường thì phải liên lạc với cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời.