Ngân hàng buộc phải số hoá
Xu hướng số hóa tác động sâu rộng tới hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đặt yêu cầu người dân, doanh nghiệp, ngân hàng phải chuyển dịch mạnh sang giao tiếp qua kênh số.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc trao đổi về số hoá ngành ngân hàng.
PV: Phó Thống đốc có thể chia sẻ rõ hơn về mục tiêu của kế hoạch số hoá ngành ngân hàng?
Ông Nguyễn Kim Anh: Bên cạnh các chỉ tiêu được xác định trên cơ sở đảm bảo thống nhất với mục tiêu chuyển đổi số tại Quyết định 749/QĐ-TTg, kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu cụ thể liên quan đến việc cung ứng dịch vụ hoạt động nghiệp vụ tại TCTD như: Ít nhất 50% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số vào năm 2025 và đến năm 2030 là 70%; Chỉ tiêu về số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số đạt ít nhất 70% năm 2025 và 80% năm 2030; Chỉ tiêu về tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của NHTM, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động: đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030, đạt tối thiểu 70%.
Ngân hàng Nhà nước đã có quá trình theo dõi, nắm bắt thực trạng chuyển đối số tại các TCTD và đã tiến hành khảo sát trong toàn ngành. Kết quả cho thấy, hoạt động chuyển đổi số đã và đang được các TCTD rất quan tâm và chủ động triển khai với kết quả đáng ghi nhận với 95% TCTD đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, hầu hết các NH đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có 9/19 nghiệp vụ đã được một số NH số hóa hoàn toàn (như gửi tiết kiệm; tiền gửi có kỳ hạn; mở và sử dụng tài khoản thanh toán; thẻ NH; ví điện tử; chuyển tiền; quản lý nhân sự; kế toán - tài chính...). Nhiều NH cũng đã ứng dụng các công nghệ AI, ML và Big Data để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân... giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút ngắn thời gian giải ngân, cho vay.
Vậy đâu là giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên, thưa Phó Thống đốc ?
-Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đã đặt ra 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong đó có những giải pháp cụ thể, có tính quyết định như: Rà soát, nghiên cứu, đề xuất ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số NH, ưu tiên vào một số vấn đề TTKDTM, cho vay bằng phương thức điện tử, việc thu thập, khai thác, xử lý và chia sẻ dữ liệu khách hàng với bên thứ ba, giao dịch điện tử…
Cùng với đó, triển khai mở rộng hạ tầng kết nối, cung cấp thông tin: Nâng cấp cơ sở hạ tầng xử lý dữ liệu và phân loại, cung cấp thông tin tín dụng; nâng cấp cổng thông tin kết nối giữa CIC với hệ thống quản trị rủi ro, đánh giá tín dụng của các TCTD để cho phép khai thác, kiểm tra thông tin tín dụng khách hàng trực tuyến; nghiên cứu và triển khai hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC), Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng.
Hình thành và phát triển các mô hình NH số tại TCTD: Xây dựng và triển khai Kế hoạch/Chiến lược chuyển đổi số; xây dựng, triển khai các mô hình chi nhánh cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch tự động, tự phục vụ; nghiên cứu áp dụng giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ liệu khách hàng; đẩy mạnh nghiên cứu tích hợp, kết nối mở rộng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số...
Cơ hội bao giờ cũng đi cùng thách thức. Kế hoạch đã đề cập tới việc giải quyết các thách thức đặt ra trong tiến trình chuyển đổi số của ngành ra sao, thưa Phó Thống đốc?
-Trong quá trình chuyển đổi số, ngành NH đã và đang gặp phải một số thách thức chính. Đầu tiên là thách thức về sự đồng bộ và phù hợp của các quy định pháp lý hiện hành liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng, quy trình nghiệp vụ... với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động NH.
Thứ hai, thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành NH với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng.
Và thứ ba, thách thức từ thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi người tiêu dùng; việc đảm bảo an ninh an toàn và huy động, bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số.
Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!