Nguy cơ thiếu máu trong mùa dịch
Dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố với những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động hiến máu và cung cấp máu điều trị cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế trong cả nước. Tại khu vực phía Bắc những ngày qua dịch Covid-19 phức tạp hơn nên việc tình nguyện hiến máu cũng gặp khó khăn.
Thiếu máu trầm trọng
Từ khi xảy ra đợt dịch thứ 4, nhiều lịch hiến máu đã bị huỷ hoặc hoãn ở hầu hết các địa phương, đơn vị, kể cả ở những nơi không thuộc phạm vi phong toả, cách ly y tế. Với những người đăng ký hiến máu định kỳ nhiều người cũng có tâm lý e ngại dịch bệnh nên không đi hiến máu.
Tại Viện Huyết học -Truyền máu trung ương, hơn 2 tuần qua, mỗi ngày chỉ tiếp nhận được khoảng 100 đơn vị máu toàn phần. Từ 27/4 đến nay, lượng máu tiếp nhận chỉ bằng 30% so với kế hoạch và đã có 47 lịch hiến máu với dự kiến tiếp nhận 25.000 đơn vị máu bị hoãn. Trong khi viện là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp máu cho 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với diện bao phủ là 40 triệu dân.
Trong 12 ngày đầu tháng 5, viện chỉ tiếp nhận được 2.920 đơn vị máu, nhưng đã cung cấp 4.822 đơn vị máu. Tại thời điểm này, nhiều hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh đã được hạn chế để đảm bảo an toàn phòng chống dịch nhưng trung bình mỗi ngày, viện vẫn cần đến 1.000 đơn vị máu và gần 200 đơn vị tiểu cầu để cung cấp cho các cơ sở điều trị. Từ đầu tháng 5 đến nay, lượng máu mà viện cung cấp cho các đơn vị khác luôn gấp đôi lượng máu tiếp nhận được.
Theo Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương Bạch Quốc Khánh, Viện đang gặp khó khăn và chỉ cầm cự được vài ngày nữa. Giờ sẽ phải tổ chức các buổi hiến máu với từng nhóm nhỏ để không tập trung đông người và đảm bảo các điều kiện an toàn cho người hiến máu, an toàn cho bệnh nhân và cả cho nhân viên y tế. Chúng tôi đã hướng dẫn các đơn vị, khi tổ chức các buổi hiến máu thì sắp xếp số người đến không tập trung 1 lúc mà rải đều ra, hẹn giờ. Cử người đo thân nhiệt, phát khẩu trang và cung cấp nước rửa tay sát khuẩn cho người đến hiến máu.
Trước thông tin cho rằng, truyền máu có thể lây nhiễm virus SARS-CoV-2, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương khẳng định, các tài liệu hiện có liên quan đến dịch bệnh do virus corona gây ra như Sars, Mers hay Covid-19 đều chưa cho thấy bằng chứng về việc các virus đường hô hấp này có khả năng lây truyền qua đường máu.
Kêu gọi người dân hiến máu
Trước tình hình này, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đã có công văn báo cáo Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện để tăng cường các biện pháp đẩy mạnh hiến máu tình nguyện, đảm bảo dự trữ máu an toàn cứu chữa người bệnh. Đảm bảo máu cho điều trị cũng là nội dung quan trọng theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ “chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế và các phương án phòng, chống dịch”.
Viện Huyết học -Truyền máu trung ương kêu gọi người dân đến hiến máu và hiến tiểu cầu (đặc biệt là nhóm O, nhóm A); đồng thời mong muốn các cơ quan, đơn vị duy trì lịch hiến máu theo kế hoạch và tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, người dân tham gia hiến máu.
Được biết, các ngân hàng máu ở TP HCM cũng lâm vào tình trạng thiếu máu trầm trọng. Theo BV Truyền máu - Huyết học TP HCM, từ ngày 4/5 đến nay, rất nhiều tua lấy máu lưu động theo lịch đăng ký trước đã bị hủy, tương ứng với gần 5.000 túi máu được hiến. Lượng máu tiếp nhận hàng ngày chỉ cung cấp được khoảng 50% nhu cầu của BV. Có những ngày không có tua hiến máu nào được tổ chức.
Ngân hàng máu của bệnh viện hiện vẫn đảm bảo cấp phát máu theo nhu cầu của các BV khác. Tuy nhiên, theo Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu - Huyết học TP HCM, lượng máu trong kho dự trữ của ngân hàng máu đang giảm dần. Khi đó, tình trạng thiếu máu cục bộ theo nhóm sẽ xảy ra nếu không kịp thời bổ sung lượng máu dự trữ.
Tương tự, Trung tâm Truyền máu BV Chợ Rẫy cũng sụt giảm lượng máu dự trữ đáng kể do nhiều tua lấy máu lưu động bị hủy. TS. BS Lê Hoàng Oanh, Giám đốc Trung tâm Truyền máu BV Chợ Rẫy, cho biết: Tuần trước, các tua lấy máu lưu động tại các tỉnh Đông Nam bộ bị hủy gần hết, chỉ có 2 tua được thực hiện. Tuần tới, các tua lưu động cũng bị hủy hoàn toàn.
Trước đây, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận trung bình 300-400 đơn vị máu, hiện nay giảm còn gần 200. Trung tâm còn 4.907 đơn vị máu, chỉ đủ lượng máu dùng trong một tháng cho cấp cứu, điều trị tại BV Chợ Rẫy và cung cấp cho các BV ở miền Đông Nam bộ. “Để hạn chế tình trạng thiếu hụt máu, bệnh viện cũng chủ động lên nhiều phương án khắc phục, như tuyên truyền, vận động người thân của bệnh nhân và cán bộ công nhân viên của BV hiến máu tình nguyện” - ông Oanh nói.
Bác sĩ Trần Thị Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP HCM cho biết, trung tâm đã áp dụng nhiều biện pháp hiến máu an toàn mùa dịch Covid-19. Khi đến hiến máu, người dân đăng ký qua điện thoại để được hẹn lịch vào một khung giờ cố định, đảm bảo quy tắc không tập trung đông người. Đơn vị cũng lưu ý người hiến máu tuân thủ biện pháp “5K”.
Trong khi đó, BV Thống Nhất (TP HCM) thường xuyên vận động đội ngũ nhân viên tại BV tham gia hiến máu tình nguyện. Cách đây 2 tháng, BV tổ chức cho cán bộ công nhân viên của BV hiến máu tình nguyện. Trong trường hợp cấp thiết, BV vẫn sẵn sàng vận động cán bộ công nhân viên tiếp tục hiến máu. Dĩ nhiên, vẫn phải tuân thủ quy trình hiến máu và phòng chống dịch Covid-19.
Tại các điểm hiến máu, các biện pháp phòng chống dịch được Viện Huyết học - Truyền máu trung ương và các đơn vị chuyên môn tiếp nhận máu thực hiện nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người hiến máu, người nhận máu, nhân viên y tế và những người làm công tác tuyên truyền, vận động, công tác tổ chức điểm hiến máu.
Các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội như tại Viện Huyết học-Truyền máu trung ương làm việc từ 8h đến 20h tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ). Còn tại 26 Lương Ngọc Quyến, Hoàn Kiếm; 132 Quan Nhân, Thanh Xuân và số 10, Ngõ 122 Đường Láng, Đống Đa hoạt động từ 8h - 12h và 13h30 - 17h từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần đang chờ người đủ điều kiện sức khỏe đến hiến máu và hiến tiểu cầu.