Bão Covid vẫn càn quét

Thế Tuấn 30/05/2021 07:23

Tuần qua, Covid-19 tiếp tục hoành hành nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt các nước châu Á (trong đó có Nam Á và Đông Nam Á), dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Bất chấp các biện pháp cứng rắn được áp dụng khẩn cấp và kéo dài thì nhiều quốc gia vẫn chưa tìm được lối thoát khỏi đợt lây lan dịch mới lần này. Ngay cả quốc gia giàu có, sở hữu hệ thống y tế hoàn hảo như Nhật Bản thì tình hình vẫn căng thẳng.

Ngày 23/4, Chính phủ Nhật Bản chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 để ứng phó đại dịch Covid-19 tại thủ đô Tokyo và 3 tỉnh Osaka, Kyoto, Hyogo, có hiệu lực từ ngày 25/4 đến ngày 11/5. Tuy nhiên, dịch đã không được khống chế như ý muốn, nên lệnh phong tỏa lại được “nối” thêm.

Cảnh thường thấy tại Ấn Độ những ngày này.

Nhật Bản đẩy mạnh chương trình tiêm chủng

Cho đến ngày 28/5, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Tokyo, cho tới ngày 20/6.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa Olympic Tokyo sẽ khai mạc. Điều này khiến không ít người hoài nghi về khả năng Nhật Bản có thể tổ chức Thế vận hội mùa Hè này theo đúng kế hoạch.

Phát biểu tại cuộc họp với nhóm chuyên gia cố vấn, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh, số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao và nhiều bệnh viện vẫn không đủ giường bệnh cho các bệnh nhân Covid-19, nhất là ở khu vực Kansai.

Trong khi đó, số ca nguy kịch trên toàn quốc vẫn ở mức 1.400 ca, đặt toàn bộ hệ thống y tế vào tình trạng căng thẳng.

Liên quan tới chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19, Bộ trưởng Nishimura cho rằng chương trình tiêm chủng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ngăn chặn các ca nguy kịch, đồng thời khẳng định chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình này với mục tiêu hoàn thành việc tiêm phòng cho người cao tuổi càng sớm càng tốt.

Cần nhắc lại, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 ở thủ đô Tokyo và ở 3 tỉnh phía Tây gồm Osaka, Kyoto và Hyogo từ ngày 25/4.

Trong tháng 5, chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide đã lần lượt đưa thêm các tỉnh Aichi và Fukuoka vào danh sách vào ngày 12/5, Hokkaido, Okayama và Hiroshima vào ngày 16/5 và Okinawa vào ngày 23/5. Ngoại trừ Okinawa, tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 8 tỉnh còn lại sẽ hết hạn vào ngày 31/5.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đã góp phần giúp giảm số ca nhiễm mới trên toàn quốc nhưng theo Thủ tướng Suga, “về tổng thể, tình hình rất khó dự đoán”. Tuy nhiên, số ca mắc mới ở Nhật Bản đã “giảm dần đều” trong vòng 10 ngày qua, với mức trung bình trên cả nước là 16%.

Đây cũng là dấu hiệu tốt khi mà chiến dịch tiêm vaccine được đẩy mạnh, điều mà các chuyên gia y tế vẫn chê trách chính quyền là quá chậm chạp so với nhiều quốc gia và lại càng “lạc hậu” khi mà biến thể virus corona ngày một nhiều hơn, và đặc biệt nguy hiểm là biến thể virus đến từ Anh và Ấn Độ.

Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 29/5, Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono, người phụ trách chương trình tiêm chủng của Chính phủ Nhật Bản, cho biết tính tới ngày 28/5, có tổng cộng 10,74 triệu mũi tiêm vaccine Covid-19 đã được thực hiện trên khắp cả nước, trong đó chủ yếu cho nhân viên y tế và người cao tuổi.

Tuy nhiên, theo ông Kono, tỷ lệ tiêm chủng vẫn thấp hơn so với mục tiêu 1 triệu mũi tiêm vaccine/ngày do Thủ tướng Suga đặt ra.

Nhiều quốc gia châu Á vẫn chìm trong bão dịch

Tới nay, với Nam Á, Ấn Độ và Nepal vẫn là “tâm điểm” của bão dịch Covid-19.

Tại Ấn Độ, con số người nhiễm SARS-CoV-2 trong mỗi ngày đã giảm, nhưng vẫn chưa dưới 200.000 ca mắc mới/ngày. Với quốc gia có tới 1,3 tỷ dân, khi dịch đã lây lan trong cộng đồng thì cũng không thể khống chế được ngay. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, đỉnh dịch đã đi qua số ca mắc mới đang ở chiều giảm dần. Số bệnh nhân nặng cần phải can thiệp y tế sâu cũng “vơi” bớt. Số người tử vong cũng giảm.

Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp cho tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ suy giảm chính là do chính quyền đã tìm được nhiều nguồn cung ô-xy cho người bệnh. Tới nay, không còn cảnh người dân bằng mọi giá tìm cho được bình ô-xy trợ thở.

Trong khi đó, chiến dịch tiêm vaccine được đẩy mạnh. Ấn Độ là quốc gia sản xuất số lượng vaccine ngừa Covid-19 nhiều bậc nhất thế giới, nay vaccine được giữ lại tiêm cho người trong nước, cùng đó là việc nhanh chóng nhập các nguồn vaccine bên ngoài.

Tuy tình hình đã bớt nóng, nhưng mối đe dọa đối với Ấn Độ vẫn còn đó, khi mà mối lo “dịch chồng dịch” đã xuất hiện với bệnh nấm than.

Trái với Ấn Độ, nước láng giềng Nepal dù chỉ hơn 30 triệu dân nhưng ở thời điểm này dịch Covid-19 đang phát tác dữ dội.

“Tất cả các nơi đều có dịch, kể cả trong một ngõ nhỏ ở nông thôn” - truyền thông Nepal đưa tin. Kinh tế yếu kém, hệ thống y tế vừa thiếu trang thiết bị lẫn nhân lực dẫn tới việc rất khó kiểm soát cũng như điều trị người bệnh.

Tại Malaysia, dịch Covid-19 “lúc nóng lúc lạnh”, tại thời điểm này thì rất nóng. “Hàng ngày, mỗi sáng thức giấc, người dân lại tự hỏi không biết tối qua có thêm bao nhiều người chết vì Covid” - một tờ báo ở thủ đô Kuala Lumpur viết, ngày 28/5.

Còn tại Thái Lan, dù thủ đô Bangkok đã bớt đi “vùng đỏ” nhưng số người nhiễm mới vẫn gia tăng.

“Châu Á đang dần trở thành tâm điểm sau khi các nước Âu - Mỹ về cơ bản đã kiểm soát được dịch và việc tiêm vaccine ào ạt bước đầu đã tạo được miễn dịch cộng đồng” - nhận xét từ Reuters.

Đường phố Tokyo, Nhật Bản vắng vẻ.

Tế bào miễn dịch tồn tại được bao lâu sau khi tiêm vaccine?

Việc tiêm vaccine tạo đề kháng cho cơ thể cũng được coi là tạo ra tế bào miễn dịch. Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ chỉ ra rằng, các tế bào miễn dịch quan trọng sẽ tồn tại lâu dài trong tủy xương của những người từng nhiễm SARS-CoV-2 hoặc đã tiêm vaccine Covid-19.

Theo đó, khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 (sau khi tiêm vaccine) sẽ kéo dài ít nhất 1 năm, thậm chí có thể suốt đời, và sẽ cải thiện theo thời gian.

Nghiên cứu cũng cho thấy, phần lớn những người đã phục hồi sau khi mắc Covid-19 và những người sau đó được tiêm chủng sẽ không cần tiêm liều vaccine tăng cường. Tuy nhiên, vẫn có 2 nhóm có thể cần tiêm vaccine tăng cường là những người đã tiêm vaccine nhưng chưa bao giờ nhiễm virus, và số ít người nhiễm virus nhưng cơ thể không tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí khoa học Nature đã đem đến niềm hy vọng lớn trong cuộc chiến nhân loại chống lại Covid-19, và cũng cho thấy một điều là dù muốn dù không thì cũng phải đẩy nhanh tiến dộ tiêm vaccine. Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, những tế bào được gọi là “tế bào nhớ B” tiếp tục phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn trong ít nhất 12 tháng sau lần tiêm ban đầu.

“Các nghiên cứu cho thấy khả năng miễn dịch được tạo ra do lây nhiễm virus và tiêm chủng có thể sẽ tồn tại lâu dài” - Scott Hensley, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho biết. Hensley cũng cho biết, “tế bào nhớ B” được tạo ra để phản ứng với sự lây nhiễm SARS-CoV-2 và trở nên mạnh mẽ khi con người tiêm chủng.

Tương tự, theo Michel Nussenzweig, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Rockefeller (Mỹ) thì “tế bào nhớ B” có thể ngăn chặn các biến thể của virus và giúp không cần thiết phải tiêm mũi tăng cường. “Những người mắc bệnh và sau đó tiêm chủng sẽ có kháng thể tuyệt vời và cơ thể họ sẽ tiếp tục phát triển các kháng thể. Tôi hy vọng chúng sẽ tồn tại trong thời gian dài”, ông Nussenzweig nói.

Tổ chức Y tế Thế giới chính thức xác nhận biến thể mang đột biến kép của virus SARS-CoV-2 mang ký hiệu B.1.617 đã xuất hiện tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Biến thể xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ này được biết tới với khả năng lây truyền rất cao, và được cho là nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 thứ hai ở Ấn Độ. Trong bản Cập nhật Dịch tễ học hàng tuần của WHO, cơ quan giám sát y tế toàn cầu cũng cho biết các nguồn tin không chính thức khẳng định biến thể B.1.617 đã có mặt thêm ở 7 vùng lãnh thổ nữa, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ có sự xuất hiện của loại biến thể chết người này lên con số 60. Trước đó, hôm 12/5, WHO cho biết B1.617 đã có trong các mẫu bệnh phẩm ở 44 quốc gia trên thế giới và xếp loại biến thể này vào danh mục “đáng lo ngại ở mức độ toàn cầu”.

Thế Tuấn