Giàn nhạc trên vai chàng nghệ sĩ đường phố

Đoàn Xá 30/05/2021 08:08

Tiếng đàn, tiếng trống, tiếng còi xe, tiếng nói, tiếng ghi-ta, lời hát... trộn vào nhau trong một trưa nắng cuối tuần ở ngoại ô thành phố. Anh như lẫn vào dòng người mà cũng như tách biệt với thế gian. Anh là hiện thân của âm nhạc nhưng cũng như kẻ lang thang, một kẻ du ca…

Anh là Nguyệt Ca, một chàng nghệ sĩ đặc biệt với một giọng hát trầm trầm khàn khàn và bộ giàn nhạc tự chế gồm 5 loại nhạc cụ đặt hết trên vai. Cứ thế, anh vừa đi vừa hát, vừa đàn vừa trống, vừa thổi kèn vừa gõ nhịp chiêng... Cả cơ thể anh, với một khối cồng kềnh các loại nhạc cụ như bị biến thành một không gian âm nhạc qua sự say sưa của chính mình.

Giàn nhạc một người

Thời gian qua, nhiều người dân ở TP HCM lâu lâu lại bị bất ngờ bởi một chàng nhạc sỹ, ca sỹ trên đường phố. Với nhiều loại nhạc cụ trên vai, anh chọn một góc đường say sưa hát. Hát cho dòng người xe, cho ai đứng lại nghe, cho chính anh. Không ai biết nhưng có điều, anh hát không phải để lấy tiền. Anh hát chỉ để mà hát. Nhưng đó chưa phải là điều đặc biệt nhất của chàng nghệ nhân chỉ hơn 30 tuổi này.

Ngồi cùng chúng tôi trong một buổi chiều cuối tuần ở đường Tên Lửa (quận Bình Tân, TP HCM), anh Nguyệt Ca chia sẻ hàng ngày anh làm công việc chạy xe ôm Grab nhưng khi nào rảnh rỗi, anh chở giàn nhạc của mình trên chiếc xe gắn máy rồi chọn con đường bất kỳ nào để biểu diễn.

Trước kia anh có học nhạc viện, rồi tham gia sáng tác cũng như dạy nhạc, biểu diễn phòng trà nhưng công việc thu nhập không đủ sống nên anh chuyển qua chạy xe. Anh bảo mình biểu diễn chỉ vì niềm đam mê âm nhạc thuần túy, khi nào thấy thích, thấy hứng thú thì đem giàn nhạc độc đáo của mình ra đường tìm khán giả. Hoặc biểu diễn bởi vì anh thấy cần được như thế.

“Mấy tháng nay ở nhà chống dịch buồn quá nên trưa nay mình đem giàn nhạc đi chơi. Đây là giàn nhạc do bản thân mình tự chế tạo ra, gồm 6 loại nhạc cụ là trống (2 loại), đàn hamonica, đàn ghi-ta và chiêng gõ. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là sử dụng toàn bộ các nhạc cụ đeo trên người như vậy. Bình thường, một giàn nhạc dù nhiều hay ít nhạc cụ thì đều đặt dưới đất, do từng người chơi một. Thế nhưng giàn nhạc của anh Nguyệt Ca lại được xếp gọn trên vai anh. Hai chiếc trống anh đeo phía sau, chiếc chiêng để lên trên. Cây đàn ghi-ta thì anh khoác ở cổ như bình thường nhưng cây đàn hamonica thì anh chế một chiếc khung như mũ đội đầu đặt trước miệng. Chiếc đàn này đặt cạnh cái micro, nếu hát thì tắt đàn đi và ngược lại”.

Với nhiều loại nhạc cụ và đặt trên vai như vậy, việc sử dụng chúng là điều vô cùng khó khăn chứ đừng nói sử dụng thành thạo theo các bản nhạc. Để làm được điều này, cũng là điều đặc biệt nhất, anh Nguyệt Ca chế ra những sợi dây để móc vào các khung. Như chiếc trống lớn thì anh sử dụng chân phải móc vào sợi dây và đế của chiếc giầy.

Đôi giầy của anh cũng rất đặc biệt, được chế thêm những chiếc móc riêng để nối với sợi dây. Khi anh nhịp bàn chân thì sợi dây sẽ điều khiển cây gậy đánh trống, tạo thành âm thanh như mong muốn. Đây chính là điều làm nên giàn nhạc một người của anh bởi không phải ai cũng có thể sử dụng chân để gõ chiếc trống đeo phía sau lưng mình một cách thuần thục, đúng theo bản nhạc. Tương tự, một chân còn lại anh sử dụng để đánh loại trống khác nhỏ hơn, cũng đặt phía sau lưng.

Còn giàn chiêng ở trên, anh cũng sử dụng nguyên lý tương tự, nhưng sợi dây lại được nối với ngón tay trỏ và ngón tay giữa. Khi cần gõ chiếc chiêng nào, anh chỉ điều khiển ngón tay đó. Tất cả đều nhịp nhàng, nhuần nhuyễn như một người nghệ sĩ thực thụ.

“Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố…”

Không phải những sân khấu lấp lánh đèn, không phải những vòng vây khán giả hay những tràng pháo tay không ngớt, nơi biểu diễn của Nguyệt Ca là lề đường, góc phố, bãi đất trống ở ven thành phố ồn ào này. Dù đang trong tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng nhiều lúc nhìn thấy người đàn ông đặc biệt này, nhiều người đi đường vẫn phải dừng xe lại, đắm chìm trong cái âm nhạc của anh. Nó là không gian âm nhạc chứ không phải một bài hát, một bản nhạc.

Dường như từng bộ phận trên cơ thể anh đều phát ra âm nhạc, theo đúng nghĩa đen. Bởi miệng thì hát, tay gẩy ghi-ta, chân trái gõ trống, chân phải gõ trống, tay còn lại gõ chiêng... Cứ vậy, anh vừa nhún nhẩy, vừa hát giữa dòng đời bon chen.

Nhìn theo Nguyệt Ca, tôi nghĩ rằng chính bản thân anh và những dụng cụ âm nhạc “không giống ai” kia cũng là một bản nhạc, tự nó phát đi những giai điệu lay động lòng người. Và nữa, cái giàn nhạc và người nghệ sĩ này phải thuộc về đường phố, phải lem luốc lề đường góc chợ chứ nếu anh đứng trên sân khấu, vào những không gian sang trọng thì cái chất âm nhạc của anh sẽ mai một đi, sẽ bị cái sang trọng làm cho nhạt nhòa đi.

Xuất thân từ Học viện Âm nhạc, đã viết rất nhiều ca khúc nhưng chưa thực sự thành công dù có niềm đam mê bất tận, Nguyệt Ca có nhiều nỗi trăn trở riêng mình. Anh bảo vì đam mê âm nhạc, vì giàn nhạc “không giống ai” này của mình mà những người phụ nữ lần lượt bỏ anh ra đi.

Anh biết rằng tình yêu với anh là không đủ, khi trong lòng anh chỉ nghĩ về âm nhạc, về giàn nhạc khác người này, thay vì chăm chỉ kiếm tiền như những người đàn ông thông thường. Vì thế anh chọn cuộc sống cô độc, một mình.

Vừa tâm sự về đời mình, anh vừa hát cho chúng tôi, cho những dòng người, xe từ phía bùng binh kia tràn tới bài “trăm năm cô đơn”, một bản nhạc buồn bã về tình yêu nhưng lại tràn trề sức sống. “Ngày em ra đi anh như phát điên rồi, dù trăm năm sau khi xa rời anh vẫn không quên...” Tiếng hát, tiếng đàn, nhịp chân trái phải, rồi lại xoay vòng, tiến lên... tất cả như hòa thành một không gian êm đềm giữa xô bồ nắng nóng.

Tôi đã gặp nhiều người đặc biệt, những nghệ sĩ có tài, có cá tính và đam mê nhưng chưa tìm đâu thấy một sự đam mê đặc biệt dường như quên hết sự đời ở Nguyệt Ca, dù anh còn rất trẻ và cũng am hiểu sự đời. Anh trò chuyện tỉnh táo, điềm đạm chứ không phải nửa tỉnh, nửa mơ như nhiều nghệ sĩ khác.

Tuy nhiên, khi âm nhạc nổi lên, anh bị cuốn vào trong ấy, rồi truyền đi cái năng lượng để cả không gian xung quanh bị âm nhạc lấn át đi. So với rất nhiều những nghệ sĩ đàn hát đường phố, cảm xúc mà Nguyệt Ca đem đến dường như là vô tận. Mà anh không chỉ mang đến âm thanh, bởi từng động tác của anh cũng tạo ra tiếng nhạc. Người ta thường chỉ đàn hát bằng miệng, bằng môi, bằng tay nhưng anh thì cả chân, khắp các bộ phận trên cơ thể. Đó là thứ mà có lẽ ngay cả bản thân anh cũng không biết vì sao mình lại có được.

Anh có tên, có tuổi, có quê quán, gia đình nhưng trò chuyện với chúng tôi, anh chỉ nhất quyết bảo gọi anh là Nguyệt Ca. Anh bảo, ngoài âm nhạc ra, những thứ khác liên quan đến anh đều không có giá trị gì! Khi đã thấm mệt, anh lặng lẽ xếp các loại nhạc cụ, với tổng trọng lượng khoảng gần hai mươi ký lô vào chiếc xe gắn máy, cũng là phương tiện mưu sinh của mình vào chiếc khung sau rồi lặng lẽ hòa mình vào dòng người, xe trên phố.

Dường như từng bộ phận trên cơ thể anh đều phát ra âm nhạc, theo đúng nghĩa đen. Bởi miệng thì hát, tay gẩy ghi-ta, chân trái gõ trống, chân phải gõ trống, tay còn lại gõ chiêng... Cứ vậy, anh vừa nhún nhẩy, vừa hát giữa dòng đời bon chen. Khi đã thấm mệt, anh lặng lẽ xếp các loại nhạc cụ, với tổng trọng lượng khoảng gần hai mươi ký lô vào chiếc xe gắn máy, cũng là phương tiện mưu sinh của mình vào chiếc khung sau rồi lặng lẽ hòa mình vào dòng người, xe trên phố.

Đoàn Xá