Tòa án Ai Cập ra phán quyết tiếp tục giữ tàu container Ever Given
Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez thông báo họ sẵn sàng chấp nhận khoản bồi thường 550 triệu USD, bao gồm cả khoản tiền đặt cọc 200 triệu USD chi trả cho hoạt động giải cứu tàu Ever Given.
Theo báo chí sở tại, Tòa án Kinh tế tỉnh Ismailia của Ai Cập ngày 29/5 đã hoãn phiên điều trần liên quan vụ kiện đòi bồi thường do Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez khởi kiện chủ sở hữu tàu vận chuyển container Ever Given, đồng thời ra phán quyết tiếp tục giữ siêu tàu dài 400m này ở Kênh đào Suez.
Tàu Ever Given, một trong những con tàu chở container lớn nhất thế giới, đã bị mắc cạn ở khu vực phía Nam Kênh đào Suez trong điểu kiện gió lớn hôm 23/3, khiến hoạt động giao thông theo hai hướng trên tuyến hàng hải ngắn nhất nối châu Á và châu Âu bị đình trệ trong 6 ngày.
Sau khi được giải cứu vào ngày 29/3, tàu Ever Given được đưa về Hồ Great Bitter để phục vụ công tác kiểm tra kỹ thuật, thẩm vấn thủy thủ đoàn và phân tích hộp đen.
Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez ban đầu yêu cầu chủ sở hữu Nhật Bản của tàu Ever Given là Shoei Kisen bồi thường 916 triệu USD vì đã gây ra tình trạng tắc nghẽn trên Kênh đào Suez.
Nhưng hồi đầu tuần này, Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez thông báo họ sẵn sàng chấp nhận khoản bồi thường 550 triệu USD, bao gồm khoản tiền đặt cọc 200 triệu USD chi trả cho hoạt động giải cứu con tàu.
Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez, ông Osama Rabie, cho biết Shoei Kisen đã đề nghị trả 150 triệu USD. Một luật sư đại diện cho chủ sở hữu tàu nói rằng hai bên đã yêu cầu hoãn phiên điều trần ngày 29/5 để tạo điều kiện cho các bên tiếp tục thương lượng.
Ai Cập ước tính thất thu 12-15 triệu USD mỗi ngày do Kênh đào Suez bị đình trệ. Kênh đào Suez có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế Ai Cập, mang lại nguồn thu 5-6 tỷ USD/năm cho đất nước Kim tự tháp.