Châu Á chật vật đi qua tháng 5
Tháng 5, Malaysia ghi nhận kỷ lục về số ca tử vong vì Covid-19/ngày cao nhất (98 ca, ngày 29/5 với 63 ca). Còn trên phạm vi châu lục, Reuters nhận xét: Châu Á đang đi qua tháng 5 đầy khó khăn.

Mạng lưới truyền thông y tế CodeBlue thống kê, từ ngày 1 đến ngày 28/5, Malaysia ghi nhận 1.046 ca tử vong do Covid-19, tăng 122% so với mức 471 ca của năm 2020. Như vậy, chỉ trong tháng 5/2021, số người tử vong do Covid-19 đã cao gấp hơn 2 lần so với tổng số ca tử vong vì bệnh này tại Malaysia trong năm 2020. Tháng 5, nước này cũng ghi nhận kỷ lục về số ca tử vong vì Covid-19/ngày cao nhất (98 ca, ngày 29/5 với 63 ca). Còn trên phạm vi châu lục, Reuters nhận xét: Châu Á đang đi qua tháng 5 đầy khó khăn.
Cũng trong ngày 29/5, Malaysia ghi nhận 9.020 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Tháng 5/2021 được truyền thông coi là “tháng Năm đen” đối với Malaysia, bởi số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng mạnh, số người buộc phải nhập viện tăng mạnh đi cùng với số ca tử vong. Trong đó, nhiều ca đã tử vong mới đưa vào bệnh viện, qua xét nghiệm đã xác nhận chết do Covid-19. Riêng trong ngày 29/5, với số ca mắc mới và số người tử vong ở mức kỷ lục, người ta gọi đó là “ngày đen của tháng Năm đen”.
Malaysia: Phong tỏa từ ngày 1 đến 14/6
Nhiều người chết phải đưa vào viện xét nghiệm khiến một số bệnh viện của Malaysia phải dùng container lạnh giữ thi thể. Trong đó có Bệnh viện Selayang. Phụ trách bệnh viện này cho biết, họ không có cách nào khác, buộc phải sử dụng cách này vì khoang lạnh của nhà xác đã không thể đáp ứng cho số lượng thi thể ngày càng tăng.
Tiến sĩ Zairee Omar - Trưởng bộ phận pháp y ở Selayang cho biết, khoang lạnh của nhà xác bệnh viện chỉ chứa được 16 thi thể cùng một lúc. Theo Hãng tin Bernama, Selayang đã trở thành bệnh viện thứ 2 ở Malaysia sau bệnh viện Sungai Buloh sử dụng container đặc biệt để lưu giữ xác các bệnh nhân Covid-19 tử vong.
Trong ngày 29/5, Malaysia ghi nhận 98 ca tử vong vì Covid-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này và vượt qua mức kỷ lục trước đó vào ngày 26/5 với 63 ca. Số người tử vong tăng cao đã đặt một số nhà xác bệnh viện ở Malaysia trước áp lực lớn.
Tại thời điểm này, Selangogr vẫn là địa phương có số ca mắc Covid-19 mới nhiều nhất Malaysia, tiếp đó là bang Kelantan và Nigeri Sembilan. Hiện nước này đã ghi nhận gần 600.000 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Malaysia quyết định thực thi lệnh phong tỏa toàn diện giai đoạn 1 từ ngày 1 đến ngày 14/6. Trong khoảng thời gian này, chỉ các lĩnh vực kinh tế và dịch vụ then chốt được phép hoạt động. Nếu giai đoạn 1 thành công trong việc giảm số ca mắc Covid-19, nước này sẽ chuyển sang thực hiện phong tỏa giai đoạn 2 với thời gian 4 tuần. Trong giai đoạn này, Chính phủ sẽ mở cửa trở lại đối với một số lĩnh vực kinh tế không liên quan tới việc tụ tập đông người, có thể duy trì giãn cách xã hội.
Ấn Độ: Lo ngại dịch chồng dịch
Để nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19, ngày 29/5, Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) đã phê chuẩn phương pháp xét nghiệm Covid-19 phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược thông qua việc súc miệng nước muối sinh lý (Saline Gargle RT-PCR), giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Xét nghiệm không cần tăm bông mà thay vào đó sử dụng một ống chứa nước muối sinh lý. Bệnh nhân sẽ đưa nước muối sinh lý vào miệng, súc miệng trong 15 giây và nhổ chất lỏng vào ống và gửi đi xét nghiệm.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ, xét nghiệm này đơn giản, nhanh chóng, dễ chịu, tiết kiệm chi phí, thân thiện với bệnh nhân và cho kết quả nhanh, chỉ sau khoảng 3 giờ.

Ông Krishna Khairnar - chuyên gia khoa học cấp cao về virus học môi trường, cho biết: Phương pháp lấy mẫu bằng tăm bông đòi hỏi phải có thời gian. Hơn nữa, đây là một kỹ thuật xâm lấn nên sẽ gây khó chịu đôi chút cho bệnh nhân. Việc vận chuyển mẫu xét nghiệm đến trung tâm thu thập cũng mất thêm thời gian. Trong khi đó, phương pháp Saline Gargle RT-PCR diễn ra nhanh chóng, thoải mái và thân thiện với bệnh nhân. Việc lấy mẫu được thực hiện ngay lập tức và kết quả sẽ có trong vòng 3 giờ.
Ông Khairnar cũng cho rằng các phương pháp lấy dịch từ mũi và hầu họng đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật và tốn nhiều thời gian hơn.
Tuy nhiên, điều đó cũng không đủ để xua tan nỗi ám ảnh dịch chồng dịch ở quốc gia này khi mà Covid-19 tạm lắng xuống thì lại nổi lên dịch nấm đen và dịch nấm phổi. Gần đây, trong khi số ca nhiễm nấm đen tiếp tục gia tăng thì các bác sĩ tại Vadodara cũng lại thông báo xuất hiện các trường hợp nhiễm một loại nấm mới được gọi là aspergillosis, gây bệnh nấm phổi. Tới ngày 30/5, Ấn Độ có tới hơn 11.000 trường hợp bệnh nhân nhiễm nấm đen (chủ yếu được ghi nhận tại các bang Maharashtra và Gujarat).
Cũng giống như nấm đen, nấm phổi chủ yếu rơi vào những người bị suy giảm hệ miễn dịch.
Đáng chú ý, nhiều nhà khoa học cho rằng rất có thể có mối liên hệ giữa Covid-19 với hai loại bệnh nấm kể trên. Nếu điều đó được xác nhận thì tình thế trở nên gian nan hơn rất nhiều, nguy cơ dẫn tới dịch chồng dịch.
“Bệnh nấm đen và nấm phổi hiện nay đã trở nên thách thức khi mà Covid-19 đang hoành hành. Chi phí điều trị đắt đỏ, thuốc điều trị hiếm hoi sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều” - Bác sĩ Pandey tại Bệnh viện Maharaja Yeshwantrao (thành phố Indore) cảnh báo.
Ngày 30/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sẽ hỗ trợ các quốc gia Châu Phi đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19.
Phát biểu trước báo giới, ông Macron nêu rõ: “Chừng nào thế giới chưa tiêm đủ vaccine, chúng ta còn gặp nhiều rủi ro. Dịch bệnh có thể lây lan nhanh ở những khu vực có nhiều người dân nghèo, các biến chủng mới cũng có thể liên tục phát triển”. Theo ông Macron, cần đặt mục tiêu hỗ trợ tiêm chủng cho 40% người dân Châu Phi vào cuối năm nay, sau đó là mục tiêu 60% người dân tại khu vực này được tiêm chủng vào giữa năm 2022.
Trước đó ngày 28/5, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, hiện nhu cầu về vaccine Covid-19 của Châu Phi chiếm khoảng 20% toàn cầu, song sản lượng vaccine mà châu lục này nhận được đến nay chỉ vào khoảng 1%.