Hỗ trợ doanh nghiệp hay người lao động?
Hỗ trợ cho người lao động trong doanh nghiệp chính là hỗ trợ cho doanh nghiệp, thực chất là giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2021, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới đạt 29.300, giảm 1,4%; số DN rút lui khỏi thị trường là 40.323 tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là một thực tế khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Xung quanh vấn đề này, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.
PV: Theo ông trong đợt dịch lần thứ 4 này, các DN gặp khó khăn nhất điều gì?
TS Tô Hoài Nam: Thứ nhất là tâm lý, DN cảm thấy lo hơn vì tình hình dịch lần này bùng phát mạnh hơn 3 đợt trước kia. Tâm lý là yếu tố rất quan trọng đối với người làm sản xuất kinh doanh. Bởi tâm tý trong kinh doanh tác động đến tính toán, suy nghĩ, kế hoạch, quyết tâm và các phương án của người kinh doanh. Khi thấy dịch bùng phát dịch mạnh hơn, DN càng lo hơn.
Từ đầu năm 2020 đến nay dù Chính phủ, người dân và DN kết hợp chống dịch rất tốt - đó là điều không ai có thể phủ nhận. Nhưng thực tế cũng có việc các hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống thu nhập của người công nhân và thị trường hàng hóa không khỏi bấp bênh.
Đặc biệt trong các khu vực DN nhỏ, DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh đã bấp bênh hơn 1,5 năm nay rồi. Thứ ba là cầu bị giảm đi trong khi nó tác động vào doanh thu sản xuất. Đó chính là 3 thách thức, bất lợi.
Tuy nhiên bên cạnh những khó khăn thì cũng có lợi thế mà DN đang dựa vào. Theo đó, DN có niềm tin hơn vào Chính phủ. Đây là vấn đề rất quan trọng, Chính phủ sẽ có những quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. Ví như trong chống dịch chúng ta khoanh vùng, chứ không phong tỏa giãn cách hết, khoanh vùng nhưng không cách ly rộng, cố gắng tối đa hạn chế sự khó khăn cho DN. Hành động trên mang ý nghĩa chính trị rất lớn, thể hiện rằng hành động thực sự của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương cho đến địa phương luôn quan tâm đến hoạt động phát triển kinh tế. Theo tôi đó là cái rất thuận lợi, là chỗ dựa quan trọng để cho DN vượt qua thời điểm khó khăn.
Báo cáo “Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN khi có 87,2% số DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ông đánh giá như thế nào về “bức tranh” này?
-Nếu quan sát về điều kiện, thị trường kinh doanh do tác động của dịch bệnh thì có thể nhận thấy sự khó khăn. Nhưng nhìn vào tính thẳng thắn, khoa học, tôi cho rằng hiện chưa có thể kết luận được DN đang rất khó khăn và bức tranh về DN đang “rất xấu”. Bởi để khẳng định cộng đồng kinh doanh, DN khó khăn chúng ta cần nhìn vào một số chỉ tiêu khác như kết quả kinh doanh và cũng có một số chỉ tiêu không thể nói ngay được mà phải diễn ra trong một vài tháng. Sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là có nhưng nếu bảo “đen tối”, “không có tương lai” thì tôi không đồng ý với quan điểm này. Bởi DN đang có niềm tin rất lớn vào quyết tâm chống dịch của Chính phủ. Bản thân các DN cũng có kinh nghiệm chống đỡ với dịch bệnh, giãn cách xã hội từ những đợt dịch trước, và đáng chú ý nhiều DN đã chuyển đổi sang hình thức số. Thêm nữa, nhìn vào khởi sắc của xuất khẩu có thể thấy nếu cho rằng bây giờ đang u ám là không đúng. Vì thế phải thêm một thời gian nữa mới kết luận chính xác được cho từng ngành, lĩnh vực. Bây giờ chỉ có mấy ngành bị tác động có thể đánh giá được ngay đó là kinh doanh du lịch, khách sạn nhà hàng, ăn uống; giao thông vận tải; hộ kinh doanh nhỏ phụ thuộc vào du lịch. Tuy 3 cái này khác nhau nhưng liên kết tạo thành một mắt xích trong kinh doanh.
Một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh của dịch Covid-19 Chính phủ cần có sự hỗ trợ cho DN. Quan điểm của ông thì sao?
-Theo tôi chúng ta nên có sự hỗ trợ cho DN nhưng cần tập trung vào hỗ trợ cho người lao động trước đã. Vì nước ta không đủ lực để hỗ trợ như những nước phát triển, cường quốc kinh tế.
Cho nên hỗ trợ là cần thiết, thể hiện nhiều ý nghĩa xã hội và nhân văn nhưng cách thức hỗ trợ phải nhanh và đúng thời điểm. Hỗ trợ mà thời điểm qua đi thì chính sách đó dù có ưu việt đến mấy chăng nữa cũng không phát huy được hết tác dụng của mình. Rút kinh nghiệm những lần trước, cách thức hỗ trợ nên mở ra để cho đối tượng hỗ trợ được lựa chọn nhiều cơ quan trung gian.
Ví dụ người lao động ngoài kênh DN ra thì có thể đến kênh địa phương, người lao động có thể được lựa chọn kênh bảo hiểm. Nghĩa là có các kênh để họ tiếp cận được ngay. Thứ hai, hỗ trợ cho DN và người lao động cần có sự khác nhau.
Ví dụ DN nếu hỗ trợ nhiều thì ta không có tiền, còn hỗ trợ ít thì họ sẽ không làm thủ tục vì 5-10 triệu họ không mặn mà. Cho nên trong hỗ trợ cho DN nên dùng chính sách khác như tạo ra môi trường tốt bằng cách giảm thủ tục hành chính, giãn thuế, hoãn thuế và hỗ trợ trực tiếp cho người lao động trong DN. Bởi hỗ trợ cho người lao động trong DN chính là hỗ trợ cho DN, thực chất là giúp DN giữ chân người lao động.
Vậy thì hình thức thiết thực nào để hỗ trợ cho người lao động trong DN, theo ông?
-Tôi cho rằng trước hết cần hỗ trợ lương và thông qua đầu mối DN, bảo hiểm, các hội đoàn thể. Chúng ta phải nhìn rộng ra người lao động không chỉ có công nhân, mà còn có cả người làm nông nghiệp ở địa phương nữa. Như thế mới đảm bảo nguyên tắc đồng đều. Luôn nhớ rằng hỗ trợ đó có ý nghĩa xã hội rất lớn và không bao giờ đáp ứng được hết nhu cầu của người lao động đang gặp khó khăn, nhưng hỗ trợ phải đúng thời điểm thì mới quý. Còn về thời điểm hỗ trợ có lẽ cần phải cân nhắc rất kỹ.
Vậy giờ đã phải thời điểm hỗ trợ cho DN và người lao động hay chưa?
-Phát triển kinh tế tư nhân dựa vào lực lượng chủ yếu là cộng đồng kinh doanh. Hỗ trợ DN phải hỗ trợ kinh tế tư nhân, những hộ kinh doanh phải bằng những chính sách. Ví dụ như môi trường phát triển, giảm thiểu cho họ các thủ tục hành chính, giãn, hoãn, miễn, giảm nợ thuế để họ quay vòng vốn tập trung chống dịch và vượt qua khó khăn. Đó là cái chính sách nên tập trung vào. Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần tính toán chậm thêm một chút nữa, độ khoảng 2-3 tuần nữa để đánh giá chính xác hơn tình hình về những khó khăn của DN. Từ đó hoạch định ra chính sách hỗ trợ sát với tình hình thực tế của DN.
Trân trọng cảm ơn ông!