Văn học vẫn là mảnh đất màu mỡ của điện ảnh
Từ lâu, văn học được xem như một “mỏ vàng” đầy tiềm năng đối với những người làm điện ảnh. Đây là nguồn kịch bản vô giá để điện ảnh khẳng định chất lượng và những sự mới mẻ.
Nền văn học Việt Nam là một kho tàng đồ sộ, chứa đựng trong đó nhiều ý tưởng để các nhà làm phim khai thác. Nhiều nhân vật, tác phẩm văn học đã được các đạo diễn chuyển thể rất thành công, thu hút được quan tâm. Bên cạnh đó cũng có không ít phim sau khi chuyển thể ra mắt bị chỉ trích.
Mới đây nhất là bộ phim “Kiều” do Mai Thu Huyền đạo diễn. Phim Kiều chính thức ra mắt báo chí và khán giả vào tối 8/4. Trong bộ phim, người chuyển thể không đưa cả “biên niên” quãng đời 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều mà chỉ đưa lên màn ảnh một giai đoạn. Từng nhân vật xuất hiện trong phim không chỉ bồi đắp cho những kịch tính xoay quanh chuyện tình tay ba Kiều (Trình Mỹ Duyên) - Thúc Sinh (Anh Huy) - Hoạn Thư (Cao Thái Hà), mà Hoạn Bà, Tú Bà, Mã Giám Sinh và cả nhân vật hư cấu như Hiền Bá, Thị Liên cũng đều là những số phận đại diện phản ánh tâm hồn, tình cảm, tính cách và nhất là khát vọng tự do của con người ở mọi tầng lớp xã hội.
Theo nhiều chuyên gia, ý tưởng khai thác hình ảnh Hoạn Thư là một cách nhìn khác về các nhân vật của truyện Kiều. Đạo diễn Mai Thu Huyền đã biết cách đi sâu vào nội tâm của nhân vật Hoạn Thư, đây là nhân vật có sự đa chiều. Từ đó gây được hiệu quả cho người xem.
Cũng trong thời gian vừa qua, bộ phim “Cậu Vàng” cũng có cách “chuyển thể” mới lạ. Cốt truyện phim không được chuyển thể từ bất cứ nguyên tác văn học nào của nhà văn Nam Cao. Nhà biên kịch NSND Bùi Cường (đã mất trước khi bộ phim được bấm máy) đã phóng tác toàn bộ câu chuyện. Chỉ có tên nhân vật và bối cảnh làng quê được nhà biên kịch lấy vào phim, chứ tình tiết trong phim là sáng tạo. Ý tưởng phim nhiều táo bạo. Tiếc là phần quảng bá và phát hành phim không được như ý. Bên cạnh đó, tình tiết lấy nhân vật chó nước ngoài thay cho chó thuần Việt bị nhiều người chỉ trích, phê phán.
Trước những chê bai thậm chí là ném đá thì cũng có những ý kiến cho rằng, khi xem một tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ văn học, cần sự công tâm của công chúng với tinh thần thoát khỏi cái bóng một tác phẩm văn học, đón nhận những hình ảnh, âm thanh và câu chuyện của một tác phẩm điện ảnh. Một tác phẩm ra đời dư luận đưa ra những ý kiến khen, chê là chuyện hiển nhiên. Để từ đó những người làm phim biết được thị yếu của khán giả. Và cũng từ những ý kiến đó để sàng lọc và hoàn thiện mình hơn.
May mắn cho những bộ phim chuyển thể có doanh thu và không bị chê. Có thể lấy ví dụ như bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Mắt biếc”. Trong đó, “Mắt biếc” thu hơn 172 tỷ đồng. Nói về chuyển thể thành công, nhiều bài viết ca ngợi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Phim được coi là thành công nhất trong năm 2016. Không chỉ nội dung, bộ phim còn hấp dẫn với hình ảnh quay tuyệt đẹp, diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên nhí. Bộ phim không chỉ có doanh thu lớn mà còn nhận được nhiều giải thưởng phim trong và ngoài nước.
Hay như “Lặng yên dưới vực sâu” là một bộ phim thành công về đề tài Dân tộc thiểu số cũng được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Đỗ Bích Thủy. Phim xoay quanh câu chuyện của nhân vật Phống và nhân vật Súa. Đây là bộ phim được đầu tư rất nhiều về thời gian, công sức cũng như nội dung và hình ảnh. Bên cạnh nội dung phim mới lạ, người xem được cảm nhận rõ hơn về lối sống của người đồng bào dân tộc Mông, về tục bắt vợ, về những phong tục tập quán của người Mông, về cuộc sống còn đầy rẫy những khó khăn của dân tộc vùng cao, bên cạnh đó chúng ta còn được mãn nhãn với khung cảnh núi non hùng vĩ, của những rừng hoa tam giác mạch, của những dãy núi đá vôi đầy bí ẩn.
Ngược về quá khứ, nền điện ảnh Việt Nam cũng có rất nhiều bộ phim được chuyển thể từ những tác phẩm văn học. Đầu tiên phải kể đến là phim “Vợ chồng A Phủ”, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hoài, sản xuất năm 1961 do chính nhà văn viết kịch bản. Đây là một trong những bộ phim đầu tiên được đánh giá là phim truyện hay nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Bộ phim “Chị Dậu” chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, sản xuất năm 1980 bởi đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa. Ông cũng chính là tác giả của bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Đây là một trong những bộ phim được chuyển thể rất nổi tiếng. Là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam thế kỷ 20…
Có thể nhận thấy, việc các phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học có sức hút và đi kèm đó là doanh thu “khủng” càng thêm khẳng định văn học là nguồn chất liệu quý giá đối với điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả nguồn chất liệu này lại luôn là thách thức với nhà sản xuất phim, biên kịch và đạo diễn.