Nhớ về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I qua sắc lệnh
Chưa đầy một tuần sau ngày Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã ban hành ngay sắc lệnh để tiến hành Tổng tuyển cử bầu ra Quốc dân đại hội (Quốc hội). Ngày nay, nhìn lại cách thức tổ chức bầu cử Quốc hội lần đầu tiên trong lịch sử nước ta qua một số sắc lệnh mới thấy rằng: Ngay từ đầu, bầu cử nước ta đã tôn trọng quyền tự do dân chủ của cử tri.
Ngày 3/9/1945, một ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 8).
Thực ra, tư tưởng này đã được Quốc dân đại biểu đại hội, do Bác chủ trì tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) ngày 16 và 17/8/1945 và ra nghị quyết ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ Cộng hòa, và chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên.
Ngày 8/9/1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký sắc lệnh số 14. Sắc lệnh ghi rõ: “Xét rằng nhân dân Việt Nam do Quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hòa; Xét rằng trong tình thế hiện giờ sự triệu tập Quốc dân đại hội không những có thể thực hiện được mà lại rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập và chống nạn ngoại xâm…”. Sắc lệnh 14 ấn định: “1. Trong một thời hạn hai tháng kể từ ngày ký sắc lệnh này, sẽ mở Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội; 2. Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường; 3. Số đại biểu của Quốc dân đại hội ấn định là 300 người; 4. Quốc dân đại hội sẽ có toàn quyền ấn định Hiến pháp cho nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; 5. Một Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được thành lập; 6. Để dự thảo một bản Hiến pháp đệ trình Quốc hội, một Ủy ban khởi thảo Hiến pháp 7 người sẽ thành lập…”.
Ngày 20/9/1945, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 34 lập ra Ủy ban dự thảo Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với 7 thành viên, gồm: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng và Đặng Xuân Khu.
Ngày 26/9/1945, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 39 về lập ra Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử gồm 9 vị: Trần Huy Liệu, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Hữu Đang, Lê Văn Giang, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Hữu Tiêu, cô Tâm Kính. Và chỉ trong vòng 1,5 tháng, Ủy ban này đã soạn thảo xong bản dự thảo.
Ngày 17/10/1945, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 51 ban hành thể lệ tổng tuyển cử. Thể lệ gồm 70 điều. Sắc lệnh 51 ấn định ngày tổng tuyển cử là ngày 23/12/1945. Với 70 điều, thể lệ đã quy định rất chặt chẽ quy định từ việc xác định thế nào là công dân, đủ tư cách cử tri.
Ở thời điểm lịch sử lúc đó, có cử tri không biết chữ quốc ngữ, lại không biết chữ Hán thì thể lệ tổng tuyển cử quy định: “Còn những cử tri không biết viết chữ quốc ngữ cùng chữ Hán thì ngày bầu cử, trước khi bắt đầu bỏ phiếu, sẽ lập một tiểu ban 3 người (một người của ban phụ trách cuộc bầu cử cử ra, hai người do dân làng, tỉnh lỵ (hay khu phố) cử ra viết giúp cho người đi bầu, một người viết, hai người kiểm điểm. Khi lập xong, tiểu ban đó phải tuyên thệ trước mặt các người đi bầu rằng: sẽ viết đúng theo lời người đi bầu và giữ bí mật” (Điều 38). Quy định này lúc đó hết sức thiết thực bởi lẽ, theo báo cáo ngày 8/10/1945, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Vũ Đình Hòe: Số người có đủ quyền bầu cử và ứng cử bị mù chữ (chủ yếu ở Bắc Bộ) là 10 triệu người…
Thẻ cử tri sau khi thực hiện bầu cử sẽ được người trong ban phụ trách cắt chéo một góc và trả lại cho cử tri. Thẻ bị cắt góc có thể dùng để đi bầu lần hai (nếu có bầu lại). Thể lệ cũng quy định phải có một phần tư (1/4) số cử tri toàn tỉnh hay thành phố có đi bầu thì cuộc bầu cử mới có giá trị. Nếu không, sẽ có cuộc bầu cử thứ hai.
Điều 43 quy định: “Phiếu bầu sẽ điểm và kiểm soát ngay ở làng, tỉnh lỵ hay khu phố trước công chúng, ngay sau lúc bỏ phiếu xong”. Và điều 44 quy định: “Lúc điểm phiếu và kiểm soát, ban phụ trách cuộc cử sẽ mời thêm người đi bầu biết chữ quốc ngữ và một người đi bầu biết chữ Hán chứng kiến. Phiếu phải đọc to lên”.
Ngoài ra, sắc lệnh 51 cũng quy định về kiểm soát cuộc bầu toàn tỉnh hay thành phố, vấn đề khiếu nại và triệu tập Quốc dân đại hội...
Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, khẩn trương, thế nhưng trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn nên ngày 18/12/1945 Hồ Chủ tịch ra sắc lệnh số 76 hoãn ngày tổng tuyển cử sang ngày 6/1/1946. Hạn nộp hồ sơ ứng cử đến ngày 27/12/1945. Trong trường hợp tỉnh nào không nhận được sắc lệnh này thì cứ tổ chức tổng tuyển cử và báo cáo lại Bộ Nội vụ.
Sau khi Tổng tuyển cử thành công, ngày 9/1/1946, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 3 tổ chức họp Quốc dân đại hội ngày 3/3/1946 tại Hà Nội.
Cùng với việc tổng tuyển cử, ngày 22/11/1945, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 63 với 115 điều, quy định cụ thể về việc ứng cử và chức năng của hội đồng nhân dân cấp xã, huyện, tỉnh, kỳ.
Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra thành công. Tính chung trong cả nước đã có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất tại đơn vị bầu cử Hà Nội.
Báo Cứu Quốc số 136, ngày 8/1/1946 thuật lại: “Quang cảnh toàn nước Việt Nam ngày chủ nhật 6/1/1946 phải khắc ghi vào lịch sử dân tộc những chữ vàng rất lớn. Từ các đô thị lạc lõng đến các thôn ổ lạc lõng ở núi rừng, đâu đâu cũng sôi lên vì Tổng tuyển cử. Như một cơn gió lốc mạnh mẽ, cái không khí tưng bừng náo nhiệt của Tổng tuyển cử đã lôi cuốn hết thảy, lôi cuốn cả những kẻ thờ ơ với thời cục vào một ý nghĩ: Tổng tuyển cử.
Toàn quốc đã thấy mạnh hơn, trẻ hơn, tin tưởng hơn trong ngày Tổng tuyển cử và sau ngày Tổng tuyển cử. Toàn thể dân Việt Nam đã tham dự việc nước một cách thiết thực. Toàn thể dân Việt Nam mặc dù còn một số đông không biết chữ, nhưng vẫn đủ sáng suốt để lựa chọn người đại biểu của mình. Tên các vị thu được nhiều phiếu ở Hà Nội và ở các tỉnh đưa về đã nói rõ rằng dân Việt Nam đã đủ tư cách chọn mặt gửi vàng. Với Tổng tuyển cử, dân Việt Nam đã thắng một trận lớn, một trận quyết liệt có tính cách định đoạt số phận của mình”.
Người dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội. Ảnh tư liệu.