Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Sống và bày tỏ
Trò chuyện của Tinh hoa Việt với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
PV:Thưa ông, cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có ảnh hưởng gì đến công việc sáng tác của ông trong thời kỳ này?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi năm nay hơn 60 tuổi nhưng dường như vẫn có một cậu bé của mấy chục năm trước chạy trong con người mình. Có thể rất dễ mắc sai lầm khi đến tuổi này vẫn có một cậu bé chạy trong lòng mình, tâm hồn mình và đắm mê như vậy. Nhưng nó cũng có thể vượt qua các giới hạn, nó không có gì ngăn cản cậu ấy và không có gì khu biệt cậu ấy trong một nguyên tắc chung nào cả. Cho nên gần đây có một số sáng tác của tôi, tôi thấy rằng tôi vượt qua cả trí tưởng tượng của tôi thời trẻ. Như một trường ca mới của tôi sắp xuất bản. Tôi không đánh giá nó ở mức độ nào, nhưng chỉ thấy tại sao tôi có thể đắm mê, cuồng nhiệt và có thể liều lĩnh đến như vậy trong sáng tạo ngôn ngữ thi ca. Có thể tôi sẽ vấp phải rất nhiều phản ứng, họ bảo đó không phải là thơ. Nhưng trước hết tôi được đắm mê trong điều đó, cái trường ca đó, cái thế giới đó, nó dài vô tận. Nó chỉ có 18 chương thôi nhưng trí tưởng tượng và cảm xúc vượt qua 1.800 chương và hơn nữa.
Đó cũng là lý do để đến tuổi này, lại vô cùng bận rộn với những trọng trách và những sáng tạo văn chương, ông vẫn đột ngột mở ra một khả năng vô tận khác là hội hoạ với một triển lãm hồi đầu năm 2020 gây tiếng vang lớn trong đời sống nghệ thuật nước nhà?
- Tôi vẽ hoàn toàn với sự đắm mê, không học vẽ một ngày nào và cũng không dám hỏi bất kỳ một người nào. Các hoạ sĩ như Thành Chương, hay Lê Thiết Cương hay Đào Hải Phong, Hoàng Phượng Vĩ nói với tôi rằng đừng học gì hết, anh hãy cứ vẽ. Hoạ sĩ Thành Chương đã nói với tôi không được tổ chức triển lãm tranh chung với ra mắt một cuốn sách. Bởi vì anh phải chịu trách nhiệm về anh như một hoạ sĩ, đừng có gán ghép vào, cũng đừng có lấy lý do vì tôi là một nhà văn nên tôi chỉ vẽ được như thế thôi.
Khi vẽ tôi rất ngạc nhiên hoá ra trong mình vẫn còn những điều tơ non, những điều lạ lùng, những điều mình chưa bao giờ phát hiện hết, chỉ có mình chạy đi, cất tiếng, mở hết ra thì mình mới thấy ở trong mình có những điều chính bản thân mình không bao giờ phát hiện ra được. Bởi vậy người ta mới nói nghệ thuật là con đường tự khám phá bên trong.
Ông thường nhớ gì về tuổi thơ của mình?
- Đó là những câu chuyện ma mà chúng tôi đã được nghe những năm tháng tuổi ấu thơ khi sách vở là thứ vô cùng hiếm. Tôi rất cám ơn những cô cậu bé cùng tuổi về sơ tán họ mang theo 2 thứ rất kỳ diệu, đó là những chiếc bánh bích quy làm bằng sữa bò, bột mì và những cuốn sách. Khi những đứa trẻ của Hà Nội đi ngủ thì những đứa trẻ thôn quê như tôi mò đến và mượn những cuốn sách ấy đọc xuyên đêm. Tôi nhớ ở góc vườn nhà tôi có cái hầm chữ A để chống bom những năm chiến tranh và tôi thích mang đèn dầu xuống đó ngồi trong căn hầm đầy ẩm ướt đó mở những trang sách ra đọc.
Tôi nghĩ các làng quê đều có những câu chuyện ma giống nhau. Đó là một thế giới kỳ bí và rất xúc động. Qua những câu chuyện ma người đã mất muốn lưu lại để nói với người đang sống một điều gì đó, một nỗi ân hận, một sự chia sẻ, một thông điệp, một lời cảnh báo. Những câu chuyện ma này đã được tôi viết thành tập truyện “Cô bé áo xanh” mà NXB Trẻ xuất bản. Ở đó là những câu chuyện ma mà chỉ có ở Việt Nam mới có cách kể và cách hình dung một câu chuyện ma như thế.
Việc ông không học vẽ ngày nào mà lại vẽ rất tài có thể hiểu là trong một số trường hợp thực ra việc đi học ở trường lớp cũng không đóng vai trò lớn lắm được không?
- Tôi nghĩ rằng tất cả những điều chúng ta học từ phổ thông nó giúp cho ta cách nhìn nhận thế giới. Đó là điều quan trọng nhất, ngoài một số ngành chuyên ngành mà phải học để hiểu, thì cái học quan trọng nhất là như vậy, thậm chí ngay cả học khoa học cũng mang lại điều này. Tôi là người không học khoa học nhưng tôi có thể nói tôi là người đọc vật lý lý thuyết một cách đắm mê nhất. Tôi tìm thấy niềm đắm mê và vẻ đẹp đầy huyền ảo giống như thi ca của vật lý lý thuyết. Con trai tôi cũng rất thích đọc sách vật lý. Gia đình tôi có nhiều sách về lĩnh vực này. Những cuốn sách nghiên cứu về vũ trụ, về không gian, về thời gian, về hạt… những cái đó nó gợi mở cho thi ca và cho nghệ thuật. Những cái học đó nó mang lại cho mình cách để cảm nhận thế giới, cách để hiểu thêm thế giới, cách để hưởng thụ nó và bày tỏ theo cách của mình. Tất nhiên, nếu tôi được học hội hoạ kỹ hơn thì sẽ tốt hơn hoặc con đường đi đến để hoàn thiện bức tranh nhanh hơn, về kỹ thuật, về màu. Việc dạy của nhà trường là dạy người làm nghề, dạy để có nghề, còn đời sống này thì dạy để cho anh ta có thể hưởng thụ đời sống đó. Học nó cần như thế. Nó không phải cho anh ta cách giải một bài toán, một vấn đề trong tài chính, một vấn đề quản lý mà nó cho anh ta cách để tiếp nhận đời sống này và hưởng thụ đời sống đó. Tôi cho rằng đó mới là điều quan trọng nhất.
Thuở nhỏ, ông đã bộc lộ thiên hướng văn chương như thế nào?
- Tôi không biết, bây giờ hồi tưởng lại thì thấy những năm tháng ấy mình sống khác những đứa trẻ khác. Mình có thể đứng chôn chân hàng tiếng đồng hồ nhìn sang bờ bên kia sông Đáy. Đó là những triền dâu bạt ngàn, những dãy núi đá vôi chạy về phía Hoà Bình, những ngọn gió từ núi đá vôi, những bầy chim bay về những lùm dứa dại, hoa tầm xuân rất nhiều. Ký ức rất đẹp. Thì tôi nghĩ rằng cảm xúc của cậu bé đó thì sau này cậu ấy sẽ trở thành sáng tác nghệ thuật. Bởi vì những vẻ đẹp ấy cậu ấy không thể dời bỏ được và cậu ấy phải bày tỏ hoặc phục hồi ký ức của cậu ta về những vẻ đẹp của thiên nhiên hoặc con người đó bằng thế giới của nghệ thuật. Cho nên sau này tôi quan sát một hai người trẻ ở bằng tuổi đó và tôi dự báo họ sẽ trở thành nhà văn, thì đúng thế. Bởi vì cái cảm quan khi nhìn nhận thế giới, sự rung cảm, độ tương tác hoà đồng giữa tâm hồn con người đó với vũ trụ bên ngoài nó sẽ làm nên một tâm hồn văn chương.
Ông làm thế nào để phân định cho rạch ròi những lĩnh vực khác nhau của đời sống mà ở vị trí nào ông cũng đạt được thành công, ví dụ như một nhà thơ với những tập thơ xuất sắc, một nhà văn với những tập truyện ngắn xuất sắc, một người từng làm báo rất giỏi, một người vẽ tranh, một người dịch thuật, một người làm công tác quản lý….?
- Trong một lần vào đại học Huế tiếp xúc với những sinh viên năm cuối cùng của khoa tiếng Anh cùng các nhà văn Mỹ, tôi có một buổi thuyết trình nhỏ về thơ ca bằng tiếng Anh với những sinh viên đó. Tôi lấy 2 viên phấn để trên bàn, cọ xát chúng vào nhau cho nó vỡ vụn. Và tôi bảo các bạn sinh viên, hãy nhìn vào đó và mô tả nó, thì đó là lịch sử. Tôi gạt cả 2 viên phấn không còn dấu vết ở trên mặt bàn, các bạn hãy nhìn vào chỗ đấy, cái không gian 2 viên phấn vừa cọ xát vào nhau vỡ vụn ấy thì đó là văn xuôi, còn bây giờ hãy nhắm mắt lại tưởng tượng, đó chính là thi ca.
Tôi có cách nhìn phân định rõ giữa thơ ca, văn xuôi và lịch sử, không bị đánh tráo vào nhau. Sau này các nhà văn Mỹ nói rằng họ đem chính đoạn thuyết trình của tôi về giảng dạy ở trường đại học Mỹ. Cách nhìn của tôi như vậy, nó tạo cho tôi cái tư duy sau này làm báo.
Ông có nghĩ hiện thực xã hội phong phú như hiện nay là mảnh đất màu mỡ cho tiểu thuyết, hay nói cách khác bây giờ là thời của tiểu thuyết. Nhưng trong khi đó có vẻ các nhà văn lại thích sa đà vào những cuộc tranh luận trên mạng?
- Đúng là như thế. Việc quan tâm đến những câu chuyện thời sự đang diễn ra thì cũng có thể. Chỉ có điều đó không phải là mục đích để đi theo nó. Có thể đem mọi chuyện ra bàn luận nhưng nhà văn phải khác đi sau khi đi qua một rừng hiện thực, thậm chí anh ta bị vấy lên người rất nhiều thứ của hiện thực anh ta phải trở về ngôi nhà của mình, ngồi xuống và chìm sâu trong thế giới của suy tưởng, của những ý tưởng. Nhà văn phải nghĩ xem hiện thực đó nó đang chứa đựng điều gì của thời đại mình, nó gián tiếp hay trực tiếp nói gì với thời đại này về con người về sự biến động về văn hoá, về lối sống.
Ông sẽ cải tổ những tờ báo và tạp chí văn chương của Hội theo hướng nào, đã từng có một thời nó có một chỗ đứng quan trọng trong lòng độc giả?
- Bây giờ có hai điều khác với trước kia là người đọc văn chương ngày nay cũng khác đi, thời đại của 4.0, của báo điện tử và các phương tiện smartphone đã làm cho chúng ta tiếp cận văn bản khác đi. Thứ hai là rất khó khăn cho những tờ báo văn chương, đấy cũng là khó khăn thách thức cho văn học nghệ thuật, là phải tự hạch toán. Cái này tôi thấy băn khoăn vô cùng.
Trong cuộc họp nào liên quan đến các cơ quan quản lý tôi cũng có ý kiến, là đáng lẽ nó phải được đầu tư hoàn toàn. Ở chúng ta có độ khoảng 64 tỉnh thành thì có 64 hội văn học nghệ thuật, cộng với các tờ chuyên ngành ở các hội trung ương, nó không đáng bao nhiêu cả, chỉ 100 tờ báo là cùng. Nước Mỹ có 500 tờ báo và tạp chí văn học nghệ thuật. Nó do các quỹ của đại học, của tiểu bang tài trợ, nhiệm vụ của họ là làm ra các sản phẩm tác động vào đời sống con người, dẫn dắt xã hội, chứ không phải làm ra nhiều số lượng để bán để tăng thu nhập hay lấy tiền ăn trưa. Tôi rất muốn Nhà nước phải chọn một số tờ báo văn học nghệ thuật đã có truyền thống có tác động đến đời sống xã hội để đầu tư trăm phần trăm.
Nghĩa là văn chương có sứ mệnh của nó?
- Tôi sang Colombia dự một liên hoan thơ ở thành phố mà trùm ma tuý Escobar đã bị bắn chết ở đó. Đêm ngồi ngoài sảnh nghe thấy tiếng súng nổ. Sáng hôm sau tôi hỏi ông Chủ tịch Liên hoan thơ thì ông nói rằng thỉnh thoảng vẫn diễn ra như thế, có cuộc thanh trừng đêm qua của xã hội đen.
Tôi hỏi ông Chủ tịch thế thì sứ mệnh của thi ca ở đất nước này nó nằm ở điều gì. Ông dẫn tôi ra mép phố và ông nói nếu bạn hình dung bên kia đường là bạo lực là ma tuý là đĩ điếm thì bên này là thi ca. Nhiệm vụ của bên này là không cho bên kia lấn sang còn để lấn sang được bên kia là một thách thức.
Vậy chúng ta phải tạo ra một đời sống khác từ gia đình, từ xã hội, từ người lớn, từ công sở, từ nhà trường tất cả đều nghĩ về những cuốn sách đều tạo dựng một đời sống văn hoá trong một gia đình thì những đứa trẻ lớn lên nó sẽ mang hành vi văn hoá.
Ông có nghĩ mình sẽ viết một cuốn tiểu thuyết?
- Có lẽ tôi đang nghĩ là tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết. Tôi đang viết một cuốn trường ca có thể cuối năm nay hoặc sang năm in nó giống như một cuốn tiểu thuyết, thậm chí chỉ cần lấy đó làm cái cốt để triển khai xung quanh toàn bộ đời sống xã hội. Tiểu thuyết là một điều hấp dẫn, rất thú vị bởi vì chưa bao giờ chúng ta lại có quá nhiều dữ liệu quá nhiều tư liệu, quá nhiều hiện thực cho một cuốn tiểu thuyết như bây giờ
Nguyên tắc sống của ông trong gia đình?
- Tôn trọng, chia sẻ và lắng nghe. Có lần tôi đã mời 2 con tôi đi uống café, hôm nay không phải bố mời 2 con đi uống café, mà hôm nay Nguyễn Quang Thiều mời 2 người bạn đi uống café vì có vấn đề mà chúng ta cần nói đến. Tôi rất tôn trọng con cái, giáo dục con không phải bằng những bài học mà đôi khi nấu món ăn quê và nói với chúng về quê hương về dòng họ về gia đình. Cho nên có một lần tôi hỏi con gái tôi nếu bây giờ thượng đế cho phép bố được chọn một người đã khuất sống lại thì con nghĩ bố chọn ai. Con gái tôi đã bảo bố chọn bà nội của bố, bởi vì con gái tôi thấu hiểu những gì tôi yêu bà nội tôi, tình cảm của tôi.
Nó không nhìn thấy bà nội tôi nhưng nó được nghe những câu chuyện về bà nội tôi. Hồi năm nó 4 tuổi quê tôi có tục trước Tết ra đồng mời người đã khuất về ăn tết. Và tôi đã kể cho con tôi nghe về bà nội tôi trước mộ. Sáng hôm sau cô con gái 4 tuổi của tôi thức dậy khóc hỏi con tò he của con đâu, tò he nào, đêm qua cụ nội cho con, con để đây mà giờ không thấy. Đó chỉ là một giấc mơ! Bởi tôi kể cho con tôi nhiều câu chuyện về bà nội tôi quá mà nó dựng lên một hình ảnh đẹp đẽ một người đã khuất đã sống lại trong tâm hồn một đứa trẻ thông qua một giấc mơ. Cho nên 2 đứa con tôi chúng có thể không tài nhưng rất ngoan. Đến các cháu tôi bây giờ tôi cũng dạy như thế. Điều quan trọng là tôi đi theo nó để hình dung trí tưởng tượng của nó để mình có thể hướng dẫn nó.
Còn nguyên tắc của ông khi làm việc ở cơ quan?
- Khi tôi về Hội Nhà văn Việt Nam có những ý kiến là phải thay ngay hành chính, thay kế toán. Những người đó cũng bày tỏ sự lo lắng, nhưng tôi bảo không thay đổi ai cả, tôi chỉ thay đổi tư duy của các anh chị thôi. Sự tôn trọng chính là nguyên tắc.
Sự khen chê của người khác đối với ông có ý nghĩa như nào?
- Khi tôi 33 tuổi, tôi được nhận giải cho tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”. Có những người viết bài phê phán tập thơ kinh hoàng trên báo chính thống của Hội VHNT Hà Nội. Khi tôi sang Mỹ làm việc, nhà văn Tô Nhuận Vỹ cũng sang sau tôi một tháng, ông đem sang mấy tờ báo đó nhưng không dám đưa cho tôi, ông sợ nếu đưa tôi sẽ choáng mà chết vì những lời phê phán chửi rủa đó. Mãi trước khi về ông mới rụt rè đưa cho tôi, sau khi đã rào trước đón sau. Và tôi nói rằng tôi đã đọc rồi. Thì ông rất ngạc nhiên là sao tôi có thể bình thản như thế.
Triển lãm tranh vừa rồi chẳng hạn là cuộc chơi của tôi. Tôi chỉ muốn cho tôi được sống và được bày tỏ. Chỉ có dám bày tỏ thế tôi mới dám dũng cảm một lúc bày từng đó tranh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chúng ta phải tạo ra một đời sống khác từ gia đình từ xã hội từ người lớn từ công sở từ nhà trường tất cả đều nghĩ về những cuốn sách đều tạo dựng một đời sống văn hoá trong một gia đình thì những đứa trẻ lớn lên nó sẽ mang hành vi văn hoá.
Box2: Khi vẽ tôi rất ngạc nhiên hoá ra trong mình vẫn còn những điều tơ non, những điều lạ lùng, những điều mình chưa bao giờ phát hiện hết, chỉ có mình chạy đi, cất tiếng, mở hết ra thì mình mới thấy ở trong mình có những điều chính bản thân mình không bao giờ phát hiện ra được. Bởi vậy người ta mới nói nghệ thuật là con đường tự khám phá bên trong.