Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Từ năm 2021 - 2030, tỉnh Kiên Giang tập trung đào tạo nghề cho 27.000 lao động nông thôn. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, đào tạo 15.000 lao động và giai đoạn 2026 - 2030, đào tạo 12.000 lao động.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, nâng lên tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt 75%; trong đó, đào tạo lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%, đảm bảo lao động có việc làm đúng với ngành nghề đào tạo đạt từ 80% trở lên.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh ưu tiên đào tạo cho lao động ở các vùng nguyên liệu có liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, lao động thực hiện các chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Tỉnh cũng chú trọng đào tạo cho lao động là thành viên hợp tác xã, trang trại, tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng, sản xuất công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, đào tạo cho lao động ở các vùng khó khăn, biên giới hải đảo và đào tạo để xuất khẩu lao động ra nước ngoài…
Ở vùng Tứ giác Long Xuyên, tỉnh tập trung đào tạo các nghề như: chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản, sửa chữa máy tàu thủy, nhân lực phục vụ khai thác đánh bắt hải sản xa bờ, trồng trọt, chăn nuôi thú y…
Vùng Tây sông Hậu, tỉnh tập trung đào tạo các nghề như: chế biến thủy sản, chăn nuôi gia súc - gia cầm, trồng cây ăn quả, sản xuất lúa chất lượng cao;các ngành nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động cho các Khu công nghiệp Thạnh Lộc và Khu công nghiệp Cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành), Cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam (huyện Gò Quao)…
Đối với vùng U Minh Thượng, tỉnh tập trung đào tạo các nghề gắn liền với Khu cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Xẻo Nhàu (An Minh), trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, các mô hình sản xuất như: Tôm - lúa, lúa - cua, lúa - cá, nuôi thủy sản kết hợp trồng rừng…, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ, chăn nuôi gia súc - gia cầm…
Trên vùng biển đảo, tỉnh tập trung đào tạo các nghề nuôi trồng thủy sản, thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ tàu biển, nhân lực phục vụ khai thác đánh bắt hải sản xa bờ, trồng trọt, chăn nuôi… nhằm phát huy nguồn nhân lực phát triển kinh tế biển đảo theo hướng tổng hợp.
Để đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, góp phần phục vụ nguồn nhân lực chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm trong nhân dân, nhất là chú trọng lao động nông thôn.
Ngành chức năng hữu quan xây dựng chương trình dạy nghề sát với yêu cầu của thị trường lao động, đáp ứng sự thay đổi của khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, đảm bảo chất lượng đào tạo nghề. Tỉnh đầu tư, nâng cấp cơ sở dạy nghề đáp ứng nhu cầu đào tạo, dạy nghề cho lao động.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với các huyện, thành phố rà soát nhu cầu học nghề thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của địa phương…
Trên cơ sở đó, tổ chức đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu sản xuất nông nghiệp, mô hình kinh tế, giúp lao động nông thôn nâng cao chất lượng kỹ năng tay nghề để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao thu nhập…
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang cũng phối hợp với các huyện, thành phố rà soát nhu cầu học nghề lĩnh vực nghề phi nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế của địa phương, phù hợp với tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.