Kể chuyện văn hoá qua trang sức, thời trang
Hình ảnh người phụ nữ ngồi bên khung cửi dệt vải, từ xưa đến nay luôn là hình ảnh đẹp đẽ, bình yên nhất, gắn liền với các đồng bào dân tộc miền núi.
Hiện nay, hình ảnh những bạn trẻ diện trên mình trang phục được làm từ thổ cẩm hay sử dụng các trang sức bằng chất liệu thổ cẩm, chúng ta vẫn thỉnh thoảng bắt gặp được trên đường phố Hà Nội, TP HCM hay có thể ở một đất nước nào đó trên thế giới.
Đó là vì đã có những người, những bạn trẻ dám thử sức mình sáng tạo, sử dụng vải thổ cẩm thiết kế thời trang, trang sức như một cách để tôn vinh những người phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), lưu truyền được nghề dệt truyền thống.
Tôn vinh văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số
Ra đời năm 2018, thương hiệu theMay của Vũ Thị Thanh Vân (28 tuổi, quê Gia Lai) là một dự án khởi nghiệp về sản phẩm thời trang và phụ kiện lấy cảm hứng sáng tạo từ chất liệu văn hóa người Chăm (Ninh Thuận), cụ thể là thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc, hai trong số những làng nghề lâu đời nhất của Việt Nam.
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam ngồi bên khung cửi dệt vải, từ xưa đến nay luôn là hình ảnh đẹp đẽ, bình yên nhất, gắn liền với các đồng bào dân tộc miền núi. Họ dùng màu sắc, hoa văn, từng sợi vải để kể chuyện văn hoá, lịch sử dân tộc về cuộc sống thường nhật. Mỗi một màu sắc hoa văn trên tấm thổ cẩm chính là sự tâm huyết và sự sáng tạo của những người phụ nữ DTTS. Đó là lí do vì sao mà thổ cẩm dệt tay của người Chăm tại làng Mỹ Nghiệp lại được kết hợp một cách khéo léo cùng hạt gốm Bàu Trúc để tạo nên những sản phẩm trang sức độc đáo và tinh tế mang âm hưởng màu sắc dân dã của mảnh đất Ninh Thuận.
Các bộ sưu tập trang sức ở theMay được đặt tên đặc trưng, kèm theo những diễn giải cụ thể về nguồn gốc, ý nghĩa của hoa văn, kể lại những câu chuyện cổ xưa hoặc gửi gắm quan niệm của đồng bào dân tộc. Chẳng hạn như bộ sưu tập “Pô Inư Nagar” - nữ thần tạo dựng xứ sở Chăm-pa và là tổ nghề dệt thổ cẩm trong truyền thuyết Chăm (Ninh Thuận), hoặc “Mặt trăng và mặt trời” - họa tiết đặc trưng của thổ cẩm Ba-na (Gia Lai) phản ánh triết lý âm dương song hành… Từ những thông điệp như vậy, khách hàng phần nào hiểu thêm về sản phẩm mình sử dụng, trân trọng nét đẹp đa dạng của các dân tộc Việt Nam, cũng như có thể tự hào khi mang đi giới thiệu, biếu tặng.
Cách đây không lâu, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam 2020 (được tổ chức tại Đắk Nông) đã để lại ấn tượng không nhỏ cho du khách trong và ngoài nước. Ở đó có những sản phẩm như thảm trải sàn rộng được dệt, ghép bằng tấm thổ cẩm nền trắng ngà hoa văn đen; những chiếc ghế gỗ có đệm cũng được bọc bằng thổ cẩm với hoa văn vàng, cam; hay những chiếc gối hình bí ngô bọc vải lụa, ở giữa có mảnh thổ cẩm vuông vắn…
Từ cách đây nhiều năm, thương hiệu thời trang Kilomet109 của nhà thiết kế (NTK) Vũ Thảo cũng từng được giới chuyên môn và khách quốc tế đánh giá khá cao khi sử dụng những kỹ thuật dệt, nhuộm truyền thống, sử dụng các chất liệu thổ cẩm làm rất nhiều trang phục. Kilomet109 không bán nhiều ở thị trường trong nước mà chủ yếu để xuất khẩu. Chuỗi sản xuất của nhãn hiệu này có sự gắn kết mật thiết với một loạt các nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam có nguy cơ mai một như dệt lụa, dệt bông, dệt lanh, nhuộm chàm, nhuộm mặc nưa, mài đá, thêu thùa…
Cũng sử dụng thổ cẩm vào các thiết kế thời trang còn có NTK Minh Hạnh, NTK Thương Huyền… khi liên tục có những mẫu áo khoác, váy sử dụng chất liệu này. Các NTK khác gần đây cũng quan tâm đến chất liệu này hơn. “Càng ngày càng nhiều quần áo, nội thất, bàn ghế, rèm thảm, kiến trúc sử dụng chất liệu, họa tiết thổ cẩm. Có thể nói, bây giờ đã có trào lưu”- NTK Vũ Thảo nhận xét.
Góp sức cho làng nghề truyền thống phát triển
Ngoài việc giới thiệu ra các nước trên thế giới những sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, NTK Vũ Thảo còn có mối liên hệ chặt chẽ với các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân. Chị có xưởng sản xuất riêng, nơi bà con dân tộc sử dụng kỹ thuật cũ để làm ra vải bằng nguyên liệu thiên nhiên, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người DTTS. Theo NTK Vũ Thảo: Chủ trương minh bạch về các khâu sản xuất là điều mà các nhãn hiệu thời trang lớn trên thế giới khó có thể làm được. Bằng việc kể chuyện về thiết kế như là ai đã làm ra chúng, chúng được làm như thế nào, có gì khác biệt ở trong mỗi chúng cũng là cách để cung cấp những kiến thức thực tế về thiết kế, làm tăng giá trị sản phẩm thiết kế và tạo ra một sự kết nối sâu giữa thiết kế với người tiêu dùng….
Còn với cô gái trẻ Thanh Vân, ngoài mục tiêu giới thiệu cho thế giới biết văn hoá Việt giàu có như thế nào, cũng muốn thông qua theMay có thể giúp các làng nghề truyền thống tại Việt Nam không bị biến mất mà còn phát triển tốt hơn thời xưa.
Thanh Vân chia sẻ, hầu như các nghệ nhân đang làm việc hiện nay đều là các bà đã nhiều tuổi, và cái khó khăn mà họ đang gặp phải không phải chỉ là chuyện tiền bạc mà còn là chuyện truyền nghề. Một ngày các bà mất đi rồi, ai sẽ là người ngồi ở khung cửi dệt vải này đây? “Cho nên chúng tôi đã có phương án góp phần giải quyết những khó khăn đầu ra cho tấm thổ cẩm. Một khi họ có thể sống được với cái nghề này thì vấn đề truyền nghề cũng sẽ dễ giải quyết hơn”- Thanh Vân nói.
Sử dụng các chất liệu thủ công truyền thống để tạo ra các sản phẩm thời trang, gia dụng là một xu hướng không mới. Nhưng qua thời gian đã thấy được sự đúng đắn trong hướng đi và sự hữu ích của những sản phẩm này. Bởi nó góp phần tạo đầu ra ổn định cho làng nghề, giúp người dân có thêm thu nhập và gắn bó với nghề. Trước đây, thường các dự án bảo tồn đều do ngành văn hóa hoặc các địa phương thực hiện, hoặc phối hợp với các tổ chức văn hóa - xã hội phi chính phủ chuyên hỗ trợ cộng đồng, thì đến nay đã có thêm sự tham gia từ nguồn nhân lực trẻ, với cách tiếp cận cũng như lan tỏa đều mới mẻ. Hành trình mà các NTK, những người trẻ đang đi, dù còn dài và chông gai, nhưng sẽ luôn được tiếp sức bởi những giá trị đẹp đẽ, nhân văn.