Dự án ‘ma’ trên đất nông nghiệp - Kỳ 2: Giả con dấu, giả chữ ký lừa bán ‘đất dự án’
Cùng với việc phát hiện sử dụng quảng cáo biến đất nền phân lô thành dự án bất động sản để đánh lừa khách hàng, UBND huyện Củ Chi còn phát hiện cả việc làm giả công văn của huyện, thậm chí có dấu hiệu làm giả cả công văn của UBND TP HCM để lừa đảo tại dự án “ma” trên đất nông nghiệp.
Làm giả công văn Nhà nước
Thông qua quảng cáo trên mạng, phóng viên Báo Đại Đoàn kết có được 2 công văn liên quan đến dự án nhà ở. Cụ thể, công văn số 4112/UB-ĐT (gọi tắt là công văn số 4112) về việc lập đường đi nội bộ cho khu dân cư Đô thị xanh 01 - Tân An Hội của Công ty cổ phần bất động sản Đô thị xanh (Công ty Đô thị xanh) thể hiện ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi ký ngày 13/1/2020. Và công văn số 8172/UB-ĐT (gọi tắt là công văn số 8172) về việc hồ sơ đề nghị thực hiện dự án đầu tư khu dân cư Đô thị xanh 01 - Tân An Hội ngày 24/12/2019 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM nhưng kỳ lạ là do Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan ký ban hành.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn kết, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch huyện Củ Chi khẳng định công văn số 4112 không phải chữ ký của ông và UBND huyện Củ Chi cũng không hề ban hành bất kỳ công văn nào nội dung như trên cho Công ty Đô thị xanh.
Ngoài ra, nguồn tin Báo Đại Đoàn kết có được, công văn số 8172 cũng có dấu hiệu được làm giả, bởi công văn của Sở Kế hoạch Đầu tư nhưng lại ghi do ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP HCM ký. Ngoài ra, mẫu công văn 8172 cũng sai về thể thức trình bày và không đúng với mẫu quy định hiện hành.
Theo đại diện Văn phòng UBND TP HCM, qua truy lục sổ ghi số văn bản phát hành năm 2019 nhận thấy cuối ngày 31/12/2019, UBND thành phố ban hành công văn có số 5548/UBND là cuối cùng. Từ cơ sở này khẳng định công văn số 8172 không có trong hệ thống văn bản phát hành của UBND TP HCM năm 2019.
Liên quan đến công văn 8172, xét thấy đây là hành vi có dấu hiệu làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước. Do đó, ngày 20/4/2020, UBND huyện Củ Chi đã có công văn giao Công an huyện Củ Chi tiếp nhận và xử lý hành vi giả mạo các văn bản hành chính Nhà nước theo quy định.
Trước đó, năm 2018 địa bàn huyện Củ Chi, TP HCM xuất hiện tên dự án “Khu dân cư Đô thị xanh 01 - Tân An Hội” được giới thiệu do Công ty Đô thị xanh làm chủ đầu tư. Theo thông tin quảng cáo trên mạng dự án này được gắn tên thương mại là Metro City nhưng thực chất là đất thuộc thửa 57, 605, 19, 96, 69, 603, 71 tờ bản đồ số 41 đứng tên cá nhân ông Vũ Minh Tâm.
Ngoài ra, Công ty Đô thị xanh cũng giới thiệu thêm 2 dự án khác, đều là đất phân lô nhưng gắn mác dự án bất động sản. Cụ thể, dự án Green Town Củ Chi (xã Tân An Hội) có quy mô gần 1,3ha và được phân thành 82 nền; và dự án Green City Củ Chi (xã Hoà Phú). Cả 2 dự án này đều được Công ty Đô thị xanh ủy quyền cho Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Lạc Việt (Công ty Lạc Việt) phân phối độc quyền.
Người dân bị lừa hàng tỷ đồng
Tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, tháng 12/2018, thông qua quảng cáo trên mạng nhiều người dẫn đã được Công ty Lạc Việt môi giới các lô đất nền tại dự án Green Town tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP HCM. Bằng dạng hợp đồng “nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án Green Town”, nhiều người mua đã chuyển cho Công ty Lạc Việt tới 65% giá trị hợp đồng (gần 850 triệu đồng), thậm chí nhiều người đã chuyển cho công ty này 95% giá trị hợp đồng để mong công chứng sang tên đất theo quy định trong hợp đồng nguyên tắc.
Được biết, có hàng chục người dân đã tham gia mua đất nền tại dự án ma này và Công ty Lạc Việt đã thu hàng tỷ đồng từ người dân. Tuy vậy, Công ty Lạc Việt không thực hiện đúng theo hợp đồng, sau nhiều lần trì hoãn, đến tháng 9/2020, nhân viên Công ty Lạc Việt giải thích rằng công ty này hoàn toàn không phải là chủ đầu tư của dự án Green Town mà chỉ là đơn vị phân phối theo ủy quyền của chủ đầu tư.
Người dân mua đất nền tại dự án “ma” Green Town đã gửi đơn thư và cầu cứu khắp nơi để đòi quyền lợi nhưng chưa được giải quyết. Trong khi liên lạc với môi giới cũng như chủ đầu tư không được.
Ghi nhận thực tế tại khu đất được gọi là “dự án Green Town” tại xã Tân An Hội, đây không phải là dự án bất động sản mà chỉ là đất cá nhân đang xin tách thửa, phân lô. Nguồn gốc của cái được gọi là dự án này thực chất là 5 sổ đất nhỏ thuộc các thửa 601, 623, 56, 651, 127 của ông Ngô Vinh Phú sở hữu cá nhân. Sau đó ông Phú uỷ quyền cho Công ty Đô thị xanh tiến hành xin tách thửa phân lô và gắn mác dự án Green Town.
Công ty Đô thị xanh sau đó gộp 5 thửa đất thành thửa 608 tờ bản đồ số 41. Công ty này cũng tiến hành ký uỷ quyền cho Công ty Lạc Việt để thay mặt tiến hành nhận cọc và ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng các sản phẩm thuộc dư án Green Town với người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi khẳng định, đây là dự án “ma”, hiện trên địa bàn xã Tân An Hội không có dự án nào tên là Green Town Củ Chi được cấp phép đầu tư hay mở bán. Khu đất mà một số công ty đưa khách đến rao bán với tên gọi nói trên vẫn thuộc sở hữu của các cá nhân xin tách thửa phân lô.
Vì thế, tại khu đất được quảng cáo là dự án Green Town UBND xã Tân An Hội đã phải dựng biển báo nội dung: “Cảnh báo khu vực này hiện nay không có bất cứ dự án phân lô bán nền nào được cấp phép thực hiện. Đề nghị người dân cảnh giác. Mọi thông tin đề nghị liên hệ UBND xã”.
Theo Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP HCM), trong giao dịch bất động sản, đặc biệt một số dự án ma, dẫn dụ người dân bằng việc tạo ra và sử dụng các văn bản làm giả của cơ quan nhà nước (UBND, Sở KH&ĐT, Cơ quan thuế,…) để cho người dân tin tưởng, chiếm đoạt nhiều tiền của người dân. Với những vụ việc như vậy, tổ chức và các cá nhân đã tạo ra các văn bản giả sẽ phải chịu trách nhiệm về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tại Điều 341 Luật Hình sự sửa đổi 2017 với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù. Với những hành vi lừa bán đất nhưng thực tế không có dự án, đất của cá nhân đứng tên, không thể chuyển mục đích sang đất ở do không đúng quy hoạch, không tách thửa phân lô,…thì còn phải chịu trách nhiệm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tại Điều 174 Luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù.
(Còn nữa)