Ôn thi trực tuyến: Tăng tương tác, tăng hiệu quả
Với học sinh (HS) lớp 9, lớp 12, đây là thời kỳ nước rút để ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới. Làm sao để việc học trực tuyến trở nên hiệu quả nhất với HS cuối cấp bởi trong tâm trạng vừa học vừa phòng dịch, chờ ngày thi nên cả ngày gắn bó với máy tính khiến HS chịu rất nhiều áp lực.
Hiện tại, HS cuối cấp của các trường học ở Hà Nội và các địa phương đều đã hoàn thành chương trình năm học 2020 - 2021, hoàn tất hồ sơ để xét tốt nghiệp với HS lớp 9 và hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT với HS lớp 12. Dồn lực ôn tập để chờ ngày vượt vũ môn là những gì HS cuối cấp đang phải trải qua. Tuy nhiên, việc ôn tập trực tuyến làm sao để đạt hiệu quả cao nhất không đơn giản.
Phân tích của cô giáo Nguyễn Khánh Linh, giáo viên Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Ðình), ôn thi trực tuyến sẽ rất vất vả với những HS có lực học trung bình trở xuống. Những HS này không chỉ bị hạn chế bởi năng lực học tập, mà hay thiếu tập trung nghe giảng và khó tự làm bài tập ở nhà.
“Dù thầy, cô giáo có nhắc nhở liên tục về ôn thi cuối cấp, nhưng các em không tự giác, không tập trung học thì thầy, cô giáo cũng khó có thể giúp các em tiến bộ với hình thức học trực tuyến” - cô giáo Nguyễn Khánh Linh chia sẻ.
Trần Mạnh Tuấn, HS lớp 12 trường THPT Trương Định, Hà Nội cho biết việc học trực tuyến với áp lực ôn thi sáu môn tốt nghiệp THPT khá lớn. Mặc dù nhà trường vẫn có lịch học đều đặn cho HS nhưng tự học ở nhà qua máy tính, thực chất là “dán mắt vào màn hình” khá căng thẳng, mệt mỏi hơn học trực tiếp nhiều. Hiện thời gian biểu của Tuấn là học trực tuyến từ 7h30 với 4 tiết kéo dài khoảng 3h, đến chiều có 2 tiết ôn tập nữa, còn lại là tự học, giải đề để hôm sau thầy cô chữa, chấm bài.
“Nhiều trang web ôn thi trực tuyến rất hữu ích, trước đây em hay vào ôn luyện để tăng phản xạ nhưng hiện nay thời gian học với máy tính khá nhiều nên em hạn chế vào mạng để tránh mỏi mắt. Thay vào đó, em mua khá nhiều sách tham khảo, các bộ đề về để giải hoặc cô giáo cũng hay gửi thêm tài liệu để HS in ra rồi làm, đỡ phụ thuộc vào công nghệ” - Tuấn cho hay.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trường đang thực hiện tốt các phương án phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức dạy học, ôn tập trực tuyến với các hình thức linh hoạt, hiệu quả, ổn định về tâm lý cho giáo viên, HS. Xác định sẽ khó khăn, vất vả hơn so với học trực tiếp nên thầy cô giáo luôn động viên học trò, tạo ra những niềm vui nho nhỏ mỗi buổi học để cuốn hút HS.
“Bài học hay sẽ cuốn hút HS. Thêm nữa, dạy online không có nghĩa là chỉ giảng bài, đưa ra bài tập mà còn là giải đáp thắc mắc, tháo gỡ những điểm chưa rõ cho HS hay đơn giản là trò chuyện với các em. Cần tạo mối liên kết, gắn kết với HS để việc học trở nên gần gũi” - bà Nhiếp nêu quan điểm.
Chia sẻ ý tưởng này, cô giáo tiếng Anh Nguyễn Thanh Hương, người có kinh nghiệm hơn 6 năm dạy trực tuyến cho biết không chỉ giảng bài chay, để việc học online hiệu quả, giáo viên cần tận dụng các ứng dụng, mạng xã hội để trao đổi với HS sau bài học. Kinh nghiệm cá nhân của cô Hương là tăng cường trao đổi, kết nối với HS qua những bình luận trên trang cá nhân, đưa ra lời khuyên, nhắc nhở HS trên facebook… Từ đó, tạo cảm giác gần gũi, tin tưởng thầy cô hơn, có thể chia sẻ tâm sự, nỗi lo của mình, giúp giáo viên nắm bắt tâm lý để việc học hiệu quả hơn.
Học chay, không giao lưu, chia sẻ với bạn bè, thầy cô và phải căng mắt theo dõi bài giảng qua màn hình nhiều giờ đồng hồ là những điều HS cuối cấp đang phải đối mặt. Mặc dù việc dạy và học trực tuyến không còn bỡ ngỡ với giáo viên và HS Hà Nội nói riêng cũng như nhiều tỉnh thành nói chung sau ba lần phải tạm dừng đến trường vì dịch Covid-19 nhưng xét đến cùng, hình thức học tập này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng ôn thi cũng như tâm lý của HS.