Thế giới hối hả vì vaccine
Tại Đối thoại chuyên gia lần thứ 2 về vaccine ngừa Covid-19 vừa diễn ra. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, việc mở rộng năng lực sản xuất vaccine, khả năng và thách thức liên quan.

Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội Kung Phoak nhấn mạnh: Đối thoại “tái khẳng định cam kết của ASEAN về an ninh và tự lực vaccine, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác và nỗ lực của các bên liên quan thông qua chia sẻ kiến thức, xây dựng năng lực và các hành động phát triển khác”. Vẫn theo vị chuyên gia này, ngày 14/5 vừa qua, các Bộ trưởng Y tế ASEAN đã thông qua Kế hoạch Chiến lược và Hành động khu vực ASEAN về an ninh và tự lực vaccine giai đoạn 2021-2025, trong đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong khuôn khổ các sáng kiến khu vực.
Hợp tác để đẩy lùi khủng hoảng
Tại Đối thoại, Đại sứ EU khu vực ASEAN Igor Driesmans khẳng định đối thoại tạo cơ hội trao đổi giữa các chuyên gia y tế, các nhà thực thi chính sách và đại diện nhà sản xuất vaccine BioNTech. “Đây là ví dụ mới nhất về mối quan hệ đối tác mạnh mẽ mà EU và ASEAN đã xây dựng kể từ tháng 3/2020 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19” - theo Đại sứ Igor Driesmans, EU và các quốc gia thành viên là các nhà tài trợ hàng đầu cho cơ chế COVAX, với cam kết tài trợ hơn 2,47 tỷ euro cho sáng kiến đa phương này của Liên hợp quốc.
Mục tiêu của COVAX là cung cấp khả năng tiếp cận vaccine cho mọi quốc gia, bên cạnh sự hỗ trợ riêng của EU cho khu vực Đông Nam Á, trong đó có gói viện trợ trị giá 800 triệu euro của “Nhóm châu Âu” nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đối với ASEAN và 20 triệu euro hỗ trợ cho các hoạt động của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong khu vực. Dự kiến, ASEAN sẽ nhận được hơn 32 triệu liều vaccine thông qua Cơ chế COVAX vào cuối năm 2021.
Cũng theo Đại sứ Igor Driesmans, EU cũng đã xuất khẩu 50% sản lượng vaccine của mình, tương đương hơn 205 triệu liều, tới 45 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có 3,8 triệu liều sang Singapore và 2,5 triệu liều sang Malaysia.
Kết thúc Đối thoại, ASEAN và EU đã nhất trí tổ chức Đối thoại chuyên gia về an ninh vaccine tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 23 vào ngày 1/12/2020.
Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 31/5, London đã đề xuất G7 (7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới) ủng hộ kế hoạch hoàn tất tiêm chủng toàn cầu vào năm 2022. Kế hoạch mang tính đột phá này được Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết trong cuộc phỏng vấn kênh tin tức CBC của Canada trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 13/6. “Nếu G7 chung tay thì đến cuối năm 2022 mọi người dân trên khắp thế giới đều được tiêm vaccine”- ông Boris Johnson nói.
“Điều mà chúng tôi mong muốn là tại hội nghị sắp tới, G7 sẽ nhất trí với kế hoạch của chúng tôi. Đó là thay vì tiêm vaccine cho toàn thể thế giới vào năm 2024 và 2025 như kế hoạch hiện nay, G7 có thể đẩy nhanh quá trình bằng cách hoàn tất tiêm chủng cho cả thế giới vào cuối năm tới”- Thủ tướng Anh kêu gọi và không quên nhắc lại rằng cuộc chiến chống những đại dịch trong tương lai phải là một hành động mang tính toàn cầu, đòi hỏi thế giới phải đồng bộ trong các hoạt động phòng và chống dịch bệnh. “Trong tương lai, thế giới cần đến một mạng lưới giám sát đại dịch cũng như những quy định nhằm tránh tình trạng gián đoạn nguồn cung giữa biên giới các nước” - ông Boris Johnson nói.

“Có vaccine để tiêm đã là điều đáng mừng”
Tại châu Á, tất cả các quốc gia đều đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, coi đó là biện pháp tối ưu để tạo miễn dịch cộng đồng và mở cửa nền kinh tế. Trong đó, Ấn Độ, Malaysia và Philippines được coi là “ráo riết” nhất. “Chúng tôi coi đây là điểm tựa để thoát khỏi khủng hoảng dịch bệnh” - một quan chức Y tế Malaysia nói với Reuters.
Tại Ấn Độ, số ca lây nhiễm trong ngày 30/5 là 165.553 trường hợp, mức thấp nhất trong 6 tuần trở lại đây. Chiến dịch tiêm chủng đang được Ấn Độ đẩy nhanh dù nguồn cung vaccine vẫn là thách thức lớn. Tính đến ngày 30/5, Ấn Độ đã tiêm được hơn 212 triệu liều vaccine, đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Mỹ. Có khoảng 12% dân số được tiêm ngừa ít nhất một mũi, trong đó có 3,1% đã được tiêm đủ 2 mũi.
Người phát ngôn của Thủ tướng Narenda Modi cho biết, trong tháng 6, sẽ có khoảng 120 triệu liều vaccine được đưa vào chương trình tiêm chủng, tăng đáng kể so với mức 79,8 triệu liều trong tháng 5. Trước đó, các cố vấn chính phủ cũng cho biết Ấn Độ có thể đạt nguồn cung 2 tỉ liều vaccine trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay, trong đó chủ yếu là từ hai nhà sản xuất nội địa là Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) - chịu trách nhiệm sản xuất mẫu vaccine của AstraZeneca và Công ty Bharat Biotech, đầu mối sản xuất vaccine nội địa Covaxin.
“Trong tháng 6, về phía Chính phủ sẽ cung ứng 60,9 triệu liều vaccine cho các bang để tiến hành tiêm ngừa cho nhân viên y tế cùng với một số lực lượng khác trên tuyến đầu chống dịch, người trên 45 tuổi. Khoảng 58,6 triệu liều sẽ do chính quyền các bang, bệnh viện tư tự đặt mua và phân phối” - thông tin từ Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi.
Tại Malaysia trong ngày 30/5 ghi nhận 6.999 trường hợp mắc Covid-19 mới và là ngày thứ 5 liên tiếp bùng nổ lây nhiễm. Chính phủ nước này đã thiết lập thêm nhiều trung tâm tiêm phòng vaccine quy mô lớn, huy động đội ngũ y bác sĩ tư nhân tham gia chiến dịch tiêm chủng trong bối cảnh Malaysia thực hiện đóng cửa trên phạm vi toàn quốc trong thời hạn 2 tuần, từ 1 đến 14/6.
Theo Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia Khairy Jamaluddin, Chính phủ sẽ thành lập mới 5 trung tâm tiêm chủng quy mô lớn ở Kuala Lumpur và có thể lập thêm 2 trung tâm tương tự ở bang Penang miền Bắc và bang Johor miền Nam. Mỗi trung tâm như vậy có khả năng tiêm ngừa 40.000 liều/ngày.
Hiện có khoảng 6% trong tổng số 32 triệu dân Malaysia đã được tiêm ngừa ít nhất một mũi.
Còn tại Philippines, ngày 31/5, người đứng đầu lực lượng đặc trách chống Covid-19 của Chính phủ Philippines, ông Czar Carlito Galvez Jr, cho biết đã có hơn 5 triệu liều vaccine được tiêm cho người dân, sau gần 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng. Phần lớn trong số này được tiêm cho các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên, trong đó có 1,4 triệu liều cho nhân viên y tế, 1,368 triệu liều cho người lớn tuổi và 1,150 triệu liều cho người có bệnh lý nền. Các loại vaccine được đưa vào tiêm chủng tại Philippines gồm có Sinovac, AstraZeneca, Sputnik V và Pfizer.
Ông Galvez cũng cho biết, trong tháng 6 Philippines sẽ nhận thêm 10 triệu liều vaccine, trong đó có lượng vaccine thông qua chương trình Sáng kiến COVAX. Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đặt mục tiêu tiêm ngừa Covid-19 cho khoảng 70 triệu dân hoặc trên 50% dân số trong năm nay. Trước tâm lý chưa tin tưởng vào một vài loại vaccine, ông Duterte mới đây đã lên tiếng trấn an, kêu gọi người dân tránh tâm lý lựa chọn vaccine, mà phải thấy rằng “có vaccine để tiêm đã là điều đáng mừng”.