Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở: Quy định về quảng cáo là để bảo vệ người xem

Hoàng Minh 01/06/2021 16:18

Liên quan đến một số quy định về hoạt động quảng cáo trên báo chí tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP (Nghị định 38), khiến nhiều chuyên gia quảng cáo và cơ quan báo chí cho rằng, những quy định này khi áp dụng sẽ gây khó khăn cho kinh tế báo chí. Xung quanh vấn đề này, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương đã có trao đổi với báo chí.

PV: Thưa Cục trưởng, các quy định của pháp luật về quảng cáo quy định như thế nào về hoạt động quảng cáo trên báo điện tử?

Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Theo quy định của Luật Báo chí thì Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử (Khoản 6 Điều 3). Báo điện tử và các loại hình báo chí khác được đăng, phát quảng cáo. Việc đăng, phát quảng cáo trên báo chí phải tuân thủ các quy định của Luật Báo chí và quy định của pháp luật về quảng cáo (Điều 44 Luật Báo chí).

Theo đó, Luật Quảng cáo đã có các quy định cụ thể, riêng biệt với từng loại hình báo chí nhất định, phù hợp với tính chất, chức năng, đặc điểm của mỗi loại hình, đặc biệt là quy định về nội dung, diện tích, thời lượng, tỷ lệ quảng cáo. Ví dụ như, đối với báo in, diện tích quảng cáo không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác (Khoản 1 Điều 22 Luật Quảng cáo). Đối với báo điện tử, Khoản 1 Điều 23 Luật Quảng cáo quy định: “Quảng cáo trên báo điện tử phải tuân theo các quy định không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin; Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây”.

Căn cứ quy định trên, báo điện tử được bố trí phần quảng cáo ở khu vực cố định, riêng biệt, không lẫn vào nội dung tin bài. Đối với phần quảng cáo này, không có quy định hạn chế về thời lượng quảng cáo cũng như không phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định thì phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây.

Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định thời gian tắt mở của quảng cáo không ở vùng cố định của báo điện tử là 1,5 giây là quá khắt khe, quy định đó sẽ làm giảm doanh thu quảng cáo, ảnh hưởng đến sự phát triển của báo điện tử?

Mục đích của quy định này là bảo vệ người xem vì báo chí là “sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội”, độc giả khi xem báo luôn có sự nghiêm túc trong việc tiếp nhận thông tin. Vì vậy, các loại hình báo chí đều có quy định về những vùng cố định (không gian, thời lượng) dành riêng cho quảng cáo, nhưng quy định về quảng cáo không ở vùng cố định thì báo hình, báo in không có, bởi vì thử hình dung một chương trình thời sự trên truyền hình hay một bài xã luận trên báo in lại có hình ảnh quảng cáo che cả khuôn hình thì người xem sẽ phản ứng thế nào?

Quy định đối với báo điện tử hiện nay là vẫn được quảng cáo không ở vùng cố định, nhưng phải “đảm bảo thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Thời gian tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây”. Phải rất chú ý từ “chủ động” đó là quyền của độc giả vì nếu đang xem tin tức quan trọng họ có thể tắt ngay quảng cáo để không ảnh hưởng, nếu họ không muốn tắt thì quảng cáo có thể phát tiếp mà không có khống chế thời gian. Như vậy, quy định này không hạn chế hoạt động quảng cáo của báo điện tử, mà chỉ cần đáp ứng có hai yêu cầu của người xem đó một là có phím để tắt (mở); hai là nếu có thao tác tắt hoặc mở thì phải đáp ứng ngay trong thời gian 1,5 giây, tránh trường hợp độc giả phải xem quảng cáo kiểu cưỡng bức, gây ức chế, lại không thể xem đầy đủ, liên tục thông tin mà họ muốn tiếp nhận.

Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương. (ảnh: Minh Khánh).

Những quy định tại Nghị định số 38 có điểm gì khác so với Nghị định 158 về hành vi vi phạm đối với quảng cáo không ở vùng cố định trên báo điện tử?

Khoản 3 Điều 55 Nghị định số 158 quy định “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định; Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây”. Khoản 2 Điều 38 Nghị định số 38 quy định “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định; Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quáhi 1,5 giây; Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài”.

Như vậy, việc xử lý hành vi vi phạm quy định về quảng cáo không ở vùng cố định này đã được quy định từ năm 2013 tại Nghị định số 158 chứ không phải đến khi Nghị định 38 ban hành mới được quy định. Có thể thấy, việc xử lý hành vi trên tại 2 Nghị định là giống hệt nhau, không có sự thay đổi. Về đối tượng, hành vi và mức xử phạt đều phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, theo quy định của Điều 23 Luật Quảng cáo và Khoản 2 Điều 38 Nghị định số 38 cụ thể hành vi quảng cáo trên vùng không cố định của báo điện tử như thế nào thì sẽ bị xử phạt?

Trên thực tế theo phản ánh của độc giả và quá trình theo dõi, kiểm tra của cơ quan quản lý, hành vi quảng cáo không ở vùng cố định của báo điện tử bị xử phạt nếu không đáp ứng hai yêu cầu gồm không thiết kế phím để có thể chủ động tắt (mở) quảng cáo; Khi có thao tác tắt hoặc mở nhưng không đảm bảo thời gian tắt (mở) là 1,5 giây. Tất nhiên, trong quá trình xử lý sẽ phải tính cả tốc độ đường truyền, chất lượng truy cập mạng dữ liệu để đo thời gian và xem xét hành vi cố ý hay do yếu tố khách quan của cơ quan báo điện tử để xem xét, xử lý phù hợp.

Quảng cáo trên mạng xã hội.

Có ý kiến cho rằng trên mạng xã hội, Youtube… vì sao không bị điều chỉnh bởi quy định này?

Báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân theo quy định tại Luật Báo chí. Với vai trò quan trọng như vậy, việc có các quy định riêng về quảng cáo đối với loại hình báo chí là cần thiết, đúng theo chức năng, cơ cấu, tôn chỉ, mục đích hoạt động của cơ quan báo chí.

Các mạng xã hội, Youtube… không phải là cơ quan báo chí, tiêu chí hoạt động cũng như đối tượng tham gia, tương tác cũng khác, hoạt động của các trang mạng xã hội còn chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Vì vậy, việc quy định và áp dụng đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội không giống như cơ quan báo chí, nhưng vẫn phải nhằm mục tiêu đảm bảo sự trung thực, chính xác của thông tin, bảo vệ quyền lợi cho người tiếp nhận, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo quy định của Luật Quảng cáo.

Vậy đâu là các giải pháp quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trong thời gian tới?

Giải pháp đầu tiên là tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức có liên quan nhằm thống nhất trong nhận thức để thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo. Trong năm 2022, Bộ VHTTDL sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn nhằm nắm bắt sự thay đổi của hoạt động quảng cáo, phương tiện, phương thức quảng cáo mới để từ đó có những kiến nghi, đề xuất sửa đổi các quy định phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động quảng cáo cũng như trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo. Bộ sẽ tiến hành các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý nhà nước về quảng cáo cho đội ngũ cán bộ, công chức từ Trung ương đến địa phương.

Xin cảm ơn Cục trưởng!

Hoàng Minh