Kiểm soát nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo

Minh Thủy 02/06/2021 08:00

Điều đó được coi là “chìa khóa vàng” phòng chống, điều trị Covid-19, đặc biệt trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, căng thẳng hiện nay.

Tiến hành lấy mẫu cho công nhân tại Công ty cổ phần may xuất khẩu Hà Phong (Bắc Giang).

Kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo vệ bệnh nhân và nhân viên y tế

Kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn nhằm ngăn chặn sự lây truyền Covid-19 trong các cơ sở y tế để giữ cho bệnh nhân và nhân viên y tế khỏe mạnh và an toàn là điều hết sức quan trọng. TS.BS Trương Anh Thư, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, kiểm soát nhiễm khuẩn chính là một phần quan trọng trong việc củng cố công tác phòng chống dịch và phải được xem là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ bệnh nhân và nhân viên y tế.

TS Thư lưu ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mục tiêu của kiểm soát nhiễm khuẩn là hỗ trợ, duy trì các dịch vụ chăm sóc, điều trị thiết yếu bằng cách ngăn chặn sự lây truyền của dịch. Với các bệnh viện thì điều đó lại càng hệ trọng khi mà bệnh viện được coi là “thành trì” trong cuộc chiến chống dịch. Thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn được xem là mắt xích quan trọng, là “chìa khóa vàng” trong sự thành công của công tác phòng, chống và điều trị Covid-19.

Nhận định về công tác phòng chống, kiểm soát nhiễm khuẩn tại Bắc Giang, TS.BS Trương Anh Thư cho biết, chủng virus biến thể từ Ấn Độ lần này có thời gian ủ bệnh và lây lan nhanh hơn các chủng cũ. Mật độ công nhân tại các ổ dịch quá đông, môi trường làm việc không đảm bảo thông khí, nhiều người di chuyển chung xe và dùng chung nhà vệ sinh. Do vậy số ca mắc bệnh tại Bắc Giang rất cao. Trước thực trạng này, việc bảo vệ nhân viên y tế - lực lượng quan trọng nhất trong công tác phòng chống dịch là yêu cầu sống còn.

Là người đã từng có mặt tại những điểm nóng chống dịch Covid-19, TS Thư cho rằng công tác chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện hiện nay cần được tăng cường hơn. Cũng chính vì thế mà Bộ Y tế đã cử nhiều chuyên gia tới vùng dịch (trong đó có Bắc Giang), trong đó có việc hướng dẫn công tác phòng chống kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo vệ nhân viên y tế.

Cũng cần nhắc lại rằng, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ nhiễm Covid-19 trong nhân viên y tế cao hơn rất nhiều so với người dân thường. Vì vậy, việc bảo vệ nhân viên y tế là mấu chốt trong việc đảm bảo cho một hệ thống chăm sóc, điều trị và phòng chống dịch được vận hành trôi chảy.

Gấp rút giảm mật độ trong khu cách ly để tránh lây nhiễm chéo

Thông tin đưa ra trong một lần kiểm tra của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh (ngày 31/5) tới Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô là “thông tin nóng” khi dịch bệnh đang rất nóng. Đó là đã xuất hiện tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, nhiều trường hợp từ F1 thành F0.

Từ ngày 23/5 đến ngày 31/5, khu cách ly này đã ghi nhận 50 trường hợp, riêng ngày 30/5 là 35 trường hợp.

Theo Sở Y tế Hà Nội, đợt này điểm cách ly F1 tại trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô đã đón 696 công dân vào cách ly tập trung, nâng tổng số ca F1 tập trung tại trường lên 927 ca. Đây đều là số F1 thuộc hai chùm ca bệnh phát triển nhanh trên địa bàn Hà Nội đã được khoanh vùng nhanh, cách ly tập trung tránh lây lan cộng động.

Đánh giá của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, mật độ F1 ở đây rất cao và tiếp xúc nhiều với các F0 trước đó trong nhiều ngày nên mầm bệnh có thể đã xâm nhập, nguy cơ phát bệnh cao. Vì thế, cần nhanh chóng giảm mật độ trong khu cách ly, giảm mật độ người/phòng để hạn chế lây lan. Còn theo Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, thì để đảm bảo an toàn cho các F1 trong khu vực cách ly, tránh lây nhiễm chéo, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ chỉ nên bố trí 4-6 người/phòng để đảm bảo giãn cách.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia thì việc xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly là hệ quả từ việc có quá nhiều F0, F1 tập trung. Lây nhiễm chéo hoàn toàn có thể xảy ra nếu những khu cách ly tập trung không đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở vật chất cũng như về điều phối, quản lý; thì cũng khó cắt đứt đường lây.

Tới thời điểm này, theo PGS Nhung, thí điểm cách ly F1 tại nhà là phù hợp.

Ý kiến đó nhận được nhiều sự đồng tình, mà trước hết là để tránh quá tải dẫn đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung Tuy nhiên, khi F1 tự cách ly thì phải được y tế cơ sở và địa phương kiểm soát chặt chẽ; cùng đó là phải tiếp tục nâng cao nhận thức cùng trách nhiệm của người tự cách ly cũng như người thân của họ. Cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu dài, nên đó là điều cần sớm được đặt ra.

Minh Thủy